Nông sản miền núi, hải đảo tìm đường vào các chuỗi bán lẻ

Nông Sản Việt nAM
15:23 - 16/09/2022
0:00 / 0:00
0:00
Trước khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản miền núi, hải đảo, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Hoàng Văn Dự cho biết, Trung tâm đang nỗ lực tìm kiếm các đối tác thu mua, tổ chức các hội chợ kết nối, từ đó thúc đẩy tiêu thụ nông sản cho người dân.

Sáng 16/9, tại Hà Nội, Trung tâm Thông tin Công nghiệp & Thương mại và Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn) tổ chức hội nghị “Tuyên truyền, quảng bá hỗ trợ phát triển thương mại miền núi, hải đảo năm 2022”.

Chia sẻ với Mekong ASEAN, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp Hoàng Văn Dự cho biết, hội nghị diễn ra có ý nghĩa thiết thực với các doanh nghiệp, hợp tác xã tại khu vực miền núi, hải đảo.

“Hội nghị nhằm quảng bá, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất tại địa bàn khó khăn, có thể tiếp cận với các chuỗi bán lẻ hiện đại và cơ hội đưa sản phẩm vào các thị trường lớn. Qua nhiều lần tổ chức, chúng tôi đã kết nối được nhiều doanh nghiệp, đưa sản phẩm vào các hệ thống bán lẻ. Việc tiêu thụ tại các thị trường lớn cũng giúp doanh nghiệp đánh giá lại sản phẩm, đánh giá lại thương hiệu sản phẩm", ông Dự nói.

Đánh giá về tiềm năng nông sản miền núi, hải đảo, ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, tiềm năng sản xuất hàng hóa của miền núi, vùng sâu, hải đảo còn rất lớn bởi diện tích sản xuất tại những khu vực này còn tương đối cao.

Trong những năm gần đây, hoạt động sản xuất tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đã và đang tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị, đáp ứng nhu cầu trong nước. Một số sản phẩm còn đáp ứng nhu cầu các sản phẩm để xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Australia, châu Âu…

Tuy nhiên, để đưa nông sản miền núi, hải đảo đi xa hơn và mang tính bền vững hơn còn là một quá trình của sự nỗ lực của cả phía cơ quan Bộ ngành, các địa phương và cả doanh nghiệp, người sản xuất.

Theo ông Dự, hiện nay các doanh nghiệp, hợp tác xã tại miền núi, hải đảo gặp khó khăn chung trong việc tiếp cận thông tin, bao gồm thông tin về khoa học công nghệ và thị trường, đồng thời trong vấn đề nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi mẫu mã bao bì phù hợp...

Trước những khó khăn trên, ông Dự cho biết phía Trung tâm đã nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong việc nâng cao sản phẩm, tiếp cận các nhà thu mua thông qua các chương trình hội nghị, hội chợ.

Ông Dự cũng cho biết, Trung tâm đã phối hợp với nhiều đơn vị, đưa lên sàn thương mại điện tử như Postmart, Sendo… nhằm giúp người sản xuất có thêm một kênh phân phối hàng hóa.

Về phía Bộ Công Thương, Phó trưởng phòng Tiểu thủ công nghiệp – Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) Nguyễn Thị Hương đã đưa ra những giải pháp để đưa nông sản miền núi, hải đảo đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Cụ thể, thời gian tới Chương trình khuyến công cần được đẩy mạnh hơn nữa để hỗ trợ người dân tạo ra các sản phẩm hàng hóa có giá trị và chất lượng, đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ngoài nước.

Bên cạnh kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng, vấn đề kết nối cho doanh nghiệp phân phối, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, nông sản có chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ cũng cần được chú trọng. Từ đó, tiến tới hình thành được những chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng vùng miền theo hướng hiện đại, bền vững.

Phó trưởng phòng Tiểu thủ công nghiệp – Cục Công Thương địa phương Nguyễn Thị Hương chia sẻ về những giải pháp tiêu thụ nông sản miền núi, hải đảo. Ảnh: Mai Chiến

Phó trưởng phòng Tiểu thủ công nghiệp – Cục Công Thương địa phương Nguyễn Thị Hương chia sẻ về những giải pháp tiêu thụ nông sản miền núi, hải đảo. Ảnh: Mai Chiến

Theo bà Hương, nông sản vùng đồng bào dân tộc và miền núi cần được xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin, xây dựng hệ thống phân phối bài bản, liên tục, có tính điều phối vùng miền để phát triển thương mại miền núi, hải đảo bền vững.

“Ngoài ra, các hoạt động kết nối, tiêu thụ cần được triển khai từ địa phương đến trung ương, với nhiều hình thức online và offline linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn. Không chỉ tại thị trường trong nước mà còn kết nối online để đưa ra nước ngoài những mặt hàng nông sản để tiếp tục thu về kim ngạch xuất nhập khẩu lớn”, bà Hương nói.

Đọc tiếp