Nông sản Việt sẽ tăng tốc đổ bộ EU nhờ hưởng lợi từ EVFTA

Nông sản Việt sẽ tăng tốc đổ bộ EU nhờ hưởng lợi từ EVFTA

XUẤT KHẨU eu
07:49 - 24/02/2022
Sau một năm rưỡi thực thi Hiệp định EVFTA, nông sản Việt xuất khẩu sang thị trường EU đã đạt được nhiều kết quả tích cực với các ưu đãi thuế quan. Bước sang năm 2022, thị trường EU sẽ tiếp tục mở ra nhiều cơ hội cho nông sản Việt.

Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA đang giúp xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đạt được nhiều tăng trưởng góp phần không nhỏ vào thành công chung của lĩnh vực xuất nhập khẩu. Năm 2021, trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn, đối diện nhiều bất lợi do đại dịch COVID-19, nhưng theo số liệu của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt gần 670 tỉ USD, tăng gần 23% so với năm 2020.

Trong đó, các mặt hàng nông sản đã được thúc đẩy xuất khẩu vào EU với kim ngạch chưa từng có sau một năm rưỡi thực hiện hiệp định này. Riêng gạo và hạt điều được đánh giá sẽ tiếp tục có nhiều triển vọng hưởng lợi từ EVFTA trong năm 2022.

Phân tích về tác động của EVFTA đối với mặt hàng gạo, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, mặc dù EU hiện chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng xuất khẩu gạo của Việt Nam (chiếm 1% về lượng và 1,3% về kim ngạch) nhưng đây lại là thị trường tiềm năng về xuất khẩu các loại gạo có giá trị cao.

Trong năm 2021, lượng gạo thơm của Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt 60 nghìn tấn, trị giá 41 triệu USD, tăng gần 1% về lượng, nhưng tăng hơn 20% về trị giá so với năm 2020. Theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), trong 10 nguồn cung gạo ngoại khối lớn cho EU, gạo xuất khẩu của Việt Nam vào EU đạt mức tăng giá mạnh nhất, tăng 20,3%, đạt trung bình 781 USD/tấn.

Trong đó, một số giống gạo đặc sản của Việt Nam như ST24, ST25 lần đầu tiên được xuất khẩu vào các thị trường trong khối EU. Tỷ trọng gạo thơm trong tổng xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU cũng đã tăng lên 70%.

Theo cam kết từ Hiệp định EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm (cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm). Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 - 5 năm.

Điều này đã mở ra nhiều cơ hội cho mặt hàng gạo của Việt Nam tại thị trường EU. Cụ thể việc tận dụng các ưu đãi về thuế theo Hiệp định EVFTA sẽ giúp gạo Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh về chất lượng và mức giá so với các đối thủ lớn trên thị trường như Thái Lan hay Ấn Độ.

Bên cạnh đó, EVFTA sẽ giúp tăng khả năng, cơ hội thâm nhập sâu vào thị trường EU của doanh nghiệp, đặc biệt với các dòng gạo thơm, phẩm chất cao.

Với nhu cầu ổn định, đặc biệt là ở mức cao đối với các loại gạo đặc sản từ châu Á, trong thời gian tới EU sẽ tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia tại khu vực này đang dần thích nghi, hồi phục sau dịch COVID-19.

Tuy đánh giá thị phần gạo Việt Nam trong tổng nhập khẩu gạo của EU đã tăng nhẹ trong năm 2021, nhưng ông Hải cho rằng con số này vẫn còn rất khiêm tốn so với tiềm năng của Việt Nam. Ngoài ra con số này còn thấp hơn nhiều so với các nước khác trong cùng khu vực Đông Nam Á như Campuchia (hơn 130 nghìn tấn), Thái Lan (hơn 180 nghìn tấn) hay Myanmar (hơn 290 nghìn tấn).

Nguyên nhân chính là các vấn đề về chi phí logistics tăng cao, tình trạng thiếu container rỗng, không có chỗ trống trên các chuyến tàu, hay thiếu lao động bốc dỡ do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình nhập khẩu gạo của EU từ các nhà cung cấp chính tại ASEAN.

Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, để tận dụng, phát huy tốt tiềm năng cung ứng trong nước và lợi thế từ Hiệp định EVFTA tăng thị phần xuất khẩu gạo tại EU, doanh nghiệp cần tập trung nâng cao năng lực sản xuất, chế biến.

“Bằng việc thực hiện nghiêm túc, bài bản từ khâu sản xuất ở vùng nguyên liệu đến khâu chế biến để bảo đảm chất lượng đầu ra sản phẩm, các doanh nghiệp sẽ sớm nâng cao chuỗi giá trị nông sản Việt như xây dựng thương hiệu sản phẩm, hay phát triển nông nghiệp bền vững”, ông Hải khuyến nghị.

Từ việc thị trường EU sẵn sàng mua sản phẩm giá cao hơn 25% nếu doanh nghiệp có các chứng nhận này, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo muốn được hưởng hạn ngạch thuế quan cần phải có giấy chứng nhận đúng chủng loại (authenticity certificate), được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam nêu rõ gạo thuộc một trong các chủng loại gạo thuộc EVFTA.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần nâng cao sự chủ động cập nhật thông tin thị trường, chủ động tham gia các hoạt động kết nối doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, đồng thời cần hiểu rõ các chính sách, yêu cầu từ các thị trường mục tiêu để tận dụng ưu đãi từ hiệp định EVFTA.

Trước khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, các mặt hàng như điều nhân vẫn hưởng ưu đãi là 0% khi xuất sang EU, nhưng điều chế biến sâu vẫn chịu thuế từ 7 đến 12%. Theo cam kết EVFTA, những sản phẩm chế biến sâu từ hạt điều được giảm thuế xuống còn 0%. Vì vậy, dù chịu nhiều tác động từ dịch bệnh nhưng sản lượng và giá trị xuất khẩu điều sang EU không những không sụt giảm mà còn tăng.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, xuất khẩu hạt điều sang EU trong 11 tháng 2021 đạt 122 nghìn tấn, tương đương 734 triệu USD, tăng 15,2% về lượng và tăng 6,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ hai trong số các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang EU.

Hiện châu Âu là khu vực thị trường nhập khẩu điều lớn thứ 2 của Việt Nam. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hạt điều Việt Nam sang châu Âu đạt khoảng 864 triệu USD, chiếm 24% trong tổng trị giá xuất khẩu điều của cả nước là 3,6 tỷ USD.

Để thúc đẩy xuất khẩu hạt điều nói chung và các mặt hàng nông sản Việt Nam có thể mạnh sang châu Âu trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tăng cường các công tác xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy xuất khẩu nhóm hàng nông mà Việt Nam đang có lợi thế như thủy sản, gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, rau quả, chè... Đồng thời, chủ động phối hợp với các thị trường tiềm năng tổ chức chương trình giới thiệu các mặt hàng nêu trên.

Là một thị trường tiềm năng với 27 nước thành viên, dân số khoảng 516 triệu người, GDP mỗi người dân trên 35.000 USD/năm, EU có nhu cầu nhập khẩu số lượng lớn hàng hóa, nhất là nông sản (mỗi năm nhập khẩu hơn 160 tỷ USD) từ khắp nơi trên thế giới.

Với Việt Nam, đây là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của mặt hàng nông sản, với kim ngạch khoảng 5,5 tỷ USD/năm; nhưng nông sản Việt mới chiếm 4% thị phần ngành hàng nhập khẩu này của EU, riêng gạo chỉ chiếm hơn 1% thị phần.

Vì vậy, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, trong năm 2022, các mặt hàng nông sản như cà phê, hạt điều, rau quả, hạt tiêu, gạo và chè tiếp tục sẽ đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản sang EU và đạt tăng trưởng mạnh.

Cụ thể, với mặt hàng gạo, Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2022 sang thị trường EU sẽ đạt tối thiểu 60.000 tấn bởi chất lượng gạo Việt Nam đã có sự thay đổi trong mắt nhà nhập khẩu.

Đặc biệt, chất lượng gạo Việt Nam được cải thiện, chủ yếu là các loại gạo thơm, đánh trúng được thị hiếu của người tiêu dùng châu Âu. Việc tận dụng lợi thế EVFTA để xuất khẩu gạo thơm với thuế 0% nằm trong tay các doanh nghiệp có vùng nguyên liệu lớn, được canh tác theo tiêu chuẩn cao như Lộc Trời, Tân Long, Trung An…

Bên cạnh đó, gạo Việt Nam đã có một lượng khách hàng truyền thống tại Đức, Hà Lan, Italy và Ba Lan. Với việc hạn ngạch 80.000 tấn ưu đãi thuế suất 0% từ EVFTA chưa được lấp đầy trong năm 2021, cũng như xu thế sử dụng gạo tại EU gia tăng do sự phổ biến của thức ăn châu Á tại đây, nếu chủ động tốt trong nguồn cung, xuất khẩu gạo sang EU hứa hẹn còn nhiều cơ hội hơn nữa trong thời gian tới.

Lễ ra quân xuất khẩu nông sản đầu năm 2022 của tỉnh Đồng Nai sang thị trường EU. Ảnh: TTXVN

Lễ ra quân xuất khẩu nông sản đầu năm 2022 của tỉnh Đồng Nai sang thị trường EU. Ảnh: TTXVN

Nhu cầu tiêu thụ hạt điều tại 2 thị trường lớn nhất ở EU là Hà Lan và Đức cuối năm 2021 liên tục tăng do nhu cầu cao từ các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và nhu cầu tiêu dùng cuối cùng của người dân. Đặc biệt, với việc những sản phẩm chế biến sâu từ hạt điều được giảm thuế xuống còn 0% theo EVFTA, kim ngạch xuất khẩu hạt điều sẽ có nhiều cơ hội để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ở thị trường EU trên dưới 6% về giá trị.

Ngoài ra, mặt hàng trái cây cũng là một trong những sản phẩm tiềm năng Việt Nam cần tập trung khai thác lợi thế từ EVFTA, góp phần thúc đẩy xuất khẩu sang EU. Nhu cầu về trái cây đang có xu hướng ngày một tăng tại EU do thói quen ăn uống để bảo vệ, tăng cường sức khỏe. Các chủng loại trái cây tiềm năng tăng trưởng tốt tại thị trường EU trong thời gian tới gồm: Me tươi, mít, vải, mận, chanh dây, thanh long, ổi, xoài, măng cụt ...

Mặt hàng cà phê sẽ tiếp tục tận dụng tốt lợi thế về thuế suất 0% theo Hiệp định để gia tăng thị phần trong tổng nhu cầu 10 tỷ USD mỗi năm mà EU đang có.

Theo EVFTA, các nước EU cam kết xóa bỏ thuế quan đối với sản phẩm hạt tiêu ngay khi hiệp định có hiệu lực, đặc biệt là đối với các sản phẩm chế biến trước đây có mức thuế từ 5-9%. Bên cạnh đó, việc các nhà đầu tư trong khối EU đang xem xét chuyển nhà máy chế biến về Việt Nam để tận dụng nguyên liệu và nhân công giá rẻ, sẽ tạo động lực thúc đẩy xuất khẩu hạt tiêu sang đa dạng các thị trường EU.

Dự báo trong năm 2022, ông Trần Thanh Hải cho biết, hạt tiêu đen chưa xay hoặc chưa nghiền và hạt tiêu trắng chưa xay hoặc chưa nghiền tiếp tục là hai dòng hàng chiếm tỷ trọng xuất khẩu chủ yếu của mặt hàng này. Như vậy, xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thuận lợi tại thị trường EU.

Chia sẻ về các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp ngành gạo, ngành điều nói riêng và doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nói chung tận dụng tốt, tận dụng tối đa những ưu đãi mà hiệp định EVFTA mang lại, ông Trần Thanh Hải cho biết, Bộ Công Thương đã nghiên cứu, triển khai và điều chỉnh nhiều hoạt động cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Ngoài ra còn giảm dần sự lệ thuộc vào số ít thị trường truyền thống, khuyến cáo doanh nghiệp phối hợp cập nhật thông tin, tận dụng các FTA đã ký kết.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đang theo dõi sát sao, cập nhật tình hình diễn biến giá cả, tiến độ xuất khẩu các mặt hàng nông sản, những biến động của thị trường thế giới, nghiên cứu dự báo tình hình thị trường xuất khẩu, nhập khẩu để kịp thời thông báo tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương, nhằm định hướng quy hoạch, tổ chức lại sản xuất phù hợp với diễn biến cung cầu.

“Trong năm 2022, Bộ Công Thương sẽ tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt theo hình thức trực tuyến, xúc tiến thương mại trên các nền tảng thương mại điện tử và tổ chức nhiều hoạt động tập huấn doanh nghiệp về các thông tin liên quan đến việc thực thi Hiệp định EVFTA”, ông Trần Thanh Hải cho biết.

Đọc tiếp