Nước Pháp sẽ ra sao nếu ứng viên cực hữu Le Pen đắc cử tổng thống

Bầu cử Pháp
22:33 - 13/04/2022
Bà Marine Le Pen, lãnh đạo Đảng Tập hợp Quốc gia Pháp. Ảnh: Reuters
Bà Marine Le Pen, lãnh đạo Đảng Tập hợp Quốc gia Pháp. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp vòng hai vào ngày 24/4 tới, kịch bản bà Marine Le Pen chiến thắng có thể tạo ra một đường hướng tiếp cận kinh tế - chính trị hoàn toàn mới cho nước Pháp, trái ngược với chính sách hiện hành của ông Emmanuel Macron.

Chính trị gia "nhà nòi"

Bà Marine Le Pen có tên đầy đủ là Marion Anne Perrine Le Pen, được coi như đối thủ sáng giá nhất của đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc chạy đua nhiệm kỳ tới. Sinh ngày 5/8/1968 tại Neuilly-sur-Seine, bà là chính trị gia lãnh đạo Đảng Mặt trận Quốc gia (FN), sau này được đổi tên thành Đảng Tập hợp Quốc gia (RN).

Đảng Mặt trận Quốc gia do cha bà là ông Jean-Marie Le Pen thành lập từ năm 1972 và đóng vai trò là phe cực hữu đối lập với các đảng bảo thủ chính thống của Pháp. Kể từ khi thành lập, mục tiêu của đảng FN vẫn luôn là ủng hộ chủ nghĩa dân tộc Pháp, chủ nghĩa hoài nghi châu Âu và ưu tiên kiểm soát nhập cư, đặc biệt với các nước theo đạo Hồi. Do đó, đảng này thường bị cáo buộc là thúc đẩy chủ nghĩa bài ngoại và phân biệt đối xử với các nước Hồi giáo.

Vào năm 1991, bà Le Pen lấy bằng luật tại Đại học Panthéon-Assas (Đại học Paris II) và sau đó tiếp tục hoàn thành bằng luật hình sự cấp cao vào năm 1992. Vào năm 1998, bà bắt đầu sự nghiệp chính trị bằng cách gia nhập đảng của cha mình. Bà giữ vị trí là giám đốc phụ trách các vấn đề pháp lý tại đây cho đến năm 2003 khi bà trở thành phó chủ tịch của đảng FN.

Tới năm 2004, bà thành công trong cuộc đua giành một ghế trong Nghị viện Châu Âu. Tiếp đó vào năm 2011, bà chính thức kế nhiệm vị trí của cha mình và trở thành người lãnh đạo Đảng Mặt trận Quốc gia Pháp.

Tư tưởng hoài nghi châu Âu chiếm thế thượng phong tại Anh khi người dân nước này xuống đường biểu tình ủng hộ Brexit. Ảnh: Reuters

Tư tưởng hoài nghi châu Âu chiếm thế thượng phong tại Anh khi người dân nước này xuống đường biểu tình ủng hộ Brexit. Ảnh: Reuters

Tư tưởng hoài nghi châu Âu

Bà Le Pen là người ủng hộ chủ nghĩa hoài nghi châu Âu với chủ trương tách rời đất nước khỏi Liên minh châu Âu (EU). Các đảng phái chính trị tán thành quan điểm này thường có xu hướng ủng hộ các biện pháp kiểm soát nhập cư chặt chẽ hơn, bên cạnh việc dỡ bỏ hoặc tinh giản cấu trúc vận hành của EU. Đảng Mặt trận Quốc gia Pháp không phải là đảng phải duy nhất theo tư tưởng này khi Đảng Độc lập Vương quốc Anh (UKIP), Đảng Liên đoàn Phương Bắc của Italy và Đảng Tự do ở Hà Lan là những cái tên nổi bật khác cũng có xu hướng tương tự.

Tuy nhiên, thành tự lớn nhất mà các đảng theo tư tưởng này đạt được là tại Pháp và Vương quốc Anh với Brexit. Đối với bà Le Pen, sự thành công tại cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu vào tháng 5/2014 đã chứng minh tư tưởng này phát triển tới mức độ nào. Sự kiện đã đưa bà Le Pen trở thành tâm điểm quốc tế với tư cách là người phát ngôn nổi bật nhất cho chủ nghĩa hoài nghi châu Âu.

Quan điểm trái ngược hoàn toàn so với ông Macron

Bên cạnh cuộc chiến tại Ukraine, cả châu Âu cũng đang quan tâm đến cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm nay. Kết quả bầu cử vòng 1 được Bộ Nội vụ Pháp công bố hôm 11/4 đã cho kết quả sít sao giữa Tổng thống Macron và ứng viên cực hữu Le Pen. Theo đó, đương kim tổng thống 44 tuổi giành được 27,6% số phiếu bầu, còn tỷ lệ ủng hộ bà Le Pen là 23,4%. Đây là một cách biệt rất mong manh và vừa đủ để bà Le Pen đạt điều kiện bước vào vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào ngày 24/4 tới.

Đây chính là lúc cả EU lẫn NATO bắt đầu thấp thỏm với viễn cảnh bà Le Pen có thể đắc cử tổng thống Pháp. Khác với ông Emmanuel Macron, người theo tư tưởng nước Pháp cần hòa nhập với khối châu Âu để có thể phát triển và trở nên mạnh mẽ hơn nữa, bà Le Pen lại là một người theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu và chủ nghĩa dân tộc Pháp. Bà tin rằng chỉ khi đi theo chủ nghĩa biệt lập chính trị và chủ nghĩa dân tộc kinh tế thì nước Pháp mới có thể vững mạnh và phát triển ổn định.

Theo Washington Post, chiến thắng của bà Le Pen tại vòng 2 sẽ đánh dấu nhiệm kỳ tổng thống cực hữu đầu tiên trong lịch sử nước Pháp. Nó cũng sẽ thay đổi nền chính trị ở châu Âu khi một người ủng hộ nhiệt thành cho sự hợp tác của Liên minh châu Âu là ông Macron được thay thế bởi một ứng viên có tư tưởng hoài nghi.

Trên hết, việc bà Le Pen đắc cử cũng sẽ tạo đà cho các phe cực hữu trên khắp châu Âu tại một thời điểm mà tư tưởng này đang dần trở nên phổ biến, đặc biệt sau khi Anh rời EU.

Bà Marine Le Pen là lãnh đạo thành công nhất trong lịch sử đảng cánh hữu của Pháp. Ảnh: AFP

Bà Marine Le Pen là lãnh đạo thành công nhất trong lịch sử đảng cánh hữu của Pháp. Ảnh: AFP

Trong các cam kết về phát triển kinh tế - xã hội của mình, chủ nghĩa dân tộc của bà Le Pen cũng thể hiện rất rõ thông qua việc bà ủng hộ Pháp sử dụng đồng tiền franc trở lại, cũng như xây dựng một hệ thống ưu tiên công dân Pháp cho nhà ở xã hội. Bà cũng sẽ đề xuất bỏ thuế cho doanh nhân dưới 30 tuổi trong 5 năm đầu kinh doanh để tránh người trẻ bỏ ra nước ngoài. Tờ Connexion cho biết, bà Le Pen tin tưởng rằng việc bảo vệ người lao động và mạng lưới an sinh xã hội rộng lớn của Pháp cần là một ưu tiên.

Về vấn đề nhập cư, bà muốn cắt giảm lượng người nhập cư hợp pháp từ 200.000 xuống chỉ còn 10.000 lượt mỗi năm, đồng thời hạn chế quyền tiếp cận các dịch vụ công của người nhập cư. Các quy định nhập tịch cũng sẽ được thắt chặt hơn khi quyền tiếp cận quốc tịch Pháp thông qua hôn nhân sẽ bị chấm dứt.

Nếu đắc cử, bà còn hứa sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc liệu Pháp có tiếp tục ở lại EU hay không. Bà cũng là một người ủng hộ việc Pháp rút khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO, liên minh quân sự lớn nhất trên thế giới.

Theo hãng tin AP, ứng cử viên cho vị trí tổng thống Pháp Le Pen đã đánh sâu vào vấn đề nhức nhối nhất trong lòng các cử tri hiện tại chính là vấn đề chi phí gia tăng. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, chi phí thực phẩm, khí đốt và sưởi ấm tại Pháp đã tăng mạnh do lạm phát và hệ quả từ các lệnh trừng phạt lên Nga.

Dữ liệu từ Viện thống kê quốc gia Insee cho thấy, giá cả đã tăng 4,5% trong tháng 3 so với một năm trước đó trên toàn nền kinh tế Pháp. Giá năng lượng thậm chí đã tăng tới 28,9%. Bà Le Pen cho rằng việc thắt chặt hơn nữa các biện pháp trừng phạt đối với Nga sẽ chỉ khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn. Do đó, khi phát biểu với đài RTL của Pháp, bà khẳng định ưu tiên trên hết của bà là bảo vệ sức mua của các gia đình Pháp.

Với những quan điểm trên, khả năng đắc cử của bà Marine Le Pen đang gây ra nhiều lo ngại cho châu Âu và các nước phương Tây nói chung do bà vốn là một người có tư tưởng hoài nghi châu Âu và ủng hộ việc Pháp rút khỏi NATO. Trên hết, bà cũng có những phát ngôn được coi là “thân Nga”, như phản đối việc cấm vận năng lượng Nga và khẳng định Nga vẫn có thể tiếp tục làm đồng minh với Pháp sau khi tranh chấp kết thúc.

Nếu bà Le Pen đắc cử vào ngày 24/4 tới, trật tự nước Pháp và thế giới có thể sẽ chứng kiến sự thay đổi lớn một lần nữa, tương tự như khi Anh rút khỏi EU và Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đắc cử năm 2016.

Đọc tiếp