Ông Shinzo Abe – vị Thủ tướng tại vị lâu nhất lịch sử Nhật Bản

THỦ TƯỚNG NHẬT BẢN
17:51 - 08/07/2022
Cựu Thủ tướng Shinzo Abe (1954-2022).
Cựu Thủ tướng Shinzo Abe (1954-2022).
0:00 / 0:00
0:00
Sinh ngày 21/9/1954 tại Tokyo, ông Shinzo Abe là một chính trị gia Nhật Bản có xuất thân từ một gia đình chính trị nổi tiếng và đồng thời cũng là vị lãnh đạo có thời gian đảm nhiệm ghế Thủ tướng liên tục trong thời gian lâu nhất của nước này.

Trước khi ông Shinzo Abe trở thành Thủ tướng Nhật Bản, một số thành viên trong gia đình ông đã từng giữ chức vụ này. Trong khoảng thời gian từ 1957 tới 1960, ông nội của ông là Kishi Nobusuke đã giữ chức thủ tướng Nhật Bản, trong khi người chú của ông là Sato Eisaku giữ chức vụ tương tự từ năm 1964 đến năm 1972.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Seikei ở Tokyo năm 1977, ông Abe chuyển đến Mỹ nơi ông học khoa học chính trị tại Đại học Nam California, Los Angeles. Tới năm 1979, ông trở lại Nhật Bản và sau đó hoạt động tích cực trong Đảng Tự do - Dân chủ (LDP). Tới năm 1982, ông bắt đầu làm thư ký cho cha mình, ông Shintaro Abe, người từng giữ chức Ngoại trưởng Nhật Bản.

Năm 1993, ông Abe đã giành được một ghế trong hạ viện của Quốc hội và sau đó giữ một loạt các chức vụ trong chính phủ. Ông đã nhận được nhiều sự ủng hộ nhờ lập trường cứng rắn của mình và do đó trở thành Thủ tướng đầu tiên của đất nước được sinh sau Thế chiến thứ 2 và đồng thời là vị Thủ tướng trẻ nhất kể từ sau chiến tranh.

Nhằm kích thích nền kinh tế Nhật Bản vốn đã sa sút từ lâu, trong các nhiệm kỳ của mình, ông Abe đã nhanh chóng khởi động một chương trình kinh tế đầy tham vọng, đặc biệt là nhắm tới vùng Đông Bắc Honshu (Tōhoku) bị tàn phá bởi trận động đất và sóng thần năm 2011. Chương trình với tên gọi “Abenomics” bao gồm các biện pháp như tăng tỷ lệ lạm phát, cho phép giá trị của đồng yên giảm so với đồng USD và các ngoại tệ khác, đồng thời tăng cung tiền và chi tiêu của Chính phủ cho các dự án công trình công cộng lớn.

Các giá trị mà ông Abe để lại về các mặt ngoại giao và kinh tế đã giúp ích nhiều cho Nhật Bản cũng như các quốc gia khác. Trước tin tức cựu Thủ tướng Nhật Bản bị ám sát bằng súng tự chế và qua đời chiều 8/7, các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới đã đồng loạt gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình ông cũng như người dân và đất nước Nhật Bản.

Đài truyền hình NHK công bố khoảnh khắc phát biểu của ông Shinzo Abe trước khi bị ám sát. Nguồn: NHK

Chính sách đối ngoại

Là một người theo phe bảo thủ, ông Abe luôn tìm cách tăng cường quan hệ với Mỹ cũng như các quốc gia khác gồm Hàn Quốc và Trung Quốc, đồng thời theo đuổi một chính sách đối ngoại quyết đoán hơn.

Vào đầu những năm 2000, ông trở nên nổi tiếng khắp đất nước sau khi tháp tùng Thủ tướng đương thời lúc đó là ông Junichiro Koizumi trong chuyến công du tới Bình Nhưỡng của Triều Tiên để đàm phán về việc thả các công dân Nhật Bản bắt cóc. Trong sự nghiệp chính trị của mình, ông Shinzo Abe từng giữ chức Thủ tướng Nhật Bản 4 nhiệm kỳ, trong đó lần đầu là từ năm 2006 đến 2007.

Năm 2007, ông Abe từ chức Thủ tướng với lý do sức khỏe, không lâu sau khi đảng LDP thua trong cuộc bầu cử năm đó. Đến cuối năm 2012, đảng LDP lại giành chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử, giúp ông Abe trở thành Thủ tướng đầu tiên tái nhiệm kể từ thời Thủ tướng Yoshida Shigeru năm 1948. Sau đó ông Abe tiếp tục đắc cử với kết quả áp đảo liên tiếp vào các năm 2014 và 2017.

Với 4 nhiệm kỳ của mình, ông Abe trở thành Thủ tướng tại nhiệm lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản và cũng là Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên sinh ra sau Thế chiến II. Kỷ lục của ông được thiết lập từ tháng 11/2019 khi ông có thời gian tại vị vượt qua Thủ tướng Kōshaku Katsura Tarō, người đã phục vụ 3 nhiệm kỳ liên tiếp vào đầu thế kỷ 20.

Trong nhiệm kỳ thứ tư của mình, với nỗ lực hâm nóng mối quan hệ với Trung Quốc, ông cũng đã thực hiện chuyến thăm đầu tiên tới Bắc Kinh của một thủ tướng Nhật Bản trong vòng 7 năm vào năm 2018. Ông Abe cũng là một trong số ít các nhà lãnh đạo thế giới duy trì mối quan hệ thân thiết nhất quán với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, cũng như thường xuyên trò chuyện qua điện thoại và chơi golf với ông chủ Nhà Trắng này.

Ngoài ra khi còn đương nhiệm, ông Abe cũng nổi tiếng là một người luôn khuyến khích thảo luận về viễn cảnh Nhật Bản nên có năng lực phản công vào các bãi phóng tên lửa của đối phương, nếu như nước này bị tấn công. Đồng thời, ông cũng luôn hướng tới việc xây dựng quân đội toàn diện và mạnh mẽ hơn.

Trong bức ảnh gia đình này, ông Shinzo Abe đang ngồi trên đùi ông nội mình là cựu Thủ tướng Kishi Nobusuke. Cha ông - Shintaro Abe - đang ngồi ở bên phải bức ảnh. Ảnh: Văn phòng Shinzo Abe

Trong bức ảnh gia đình này, ông Shinzo Abe đang ngồi trên đùi ông nội mình là cựu Thủ tướng Kishi Nobusuke. Cha ông - Shintaro Abe - đang ngồi ở bên phải bức ảnh. Ảnh: Văn phòng Shinzo Abe

Chính sách kinh tế

Di sản lớn nhất mà ông Shinzo Abe để lại có lẽ là hàng loạt các chính sách kinh tế nhằm phục hồi tốc độ tăng trưởng đã từng có thời kỳ vượt bậc của Nhật Bản. Thường được gọi với cái tên “Abenomics”, các chính sách của ông nhằm chống lại các mối đe dọa của giảm phát và lực lượng lao động già hóa thông qua tiền mặt rẻ, chi tiêu tài chính và bãi bỏ quy định của doanh nghiệp.

Một yếu tố quan trọng khác trong nền tảng kinh tế của ông Abe là nỗ lực trao quyền cho phụ nữ. Theo lập luận của ông, việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động sẽ giúp đối trọng với tình trạng dân số đang giảm và phần nào giúp ích cho tình trạng già hóa đang đe dọa tới nền kinh tế nước này.

Tuy nhiên, một số lời hứa ban đầu trong chương trình nghị sự “Womenomics” của ông - chẳng hạn như nâng cao đáng kể tỷ lệ phụ nữ trong quản lý và trong chính phủ - đã không thành hiện thực. Sự kết hợp này đã mang lại kết quả trong những năm đầu nhiệm kỳ của ông và đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng bất ổn liên tục. Thêm vào đó, nó cũng giúp ông Abe nâng tầm quốc tế của đất nước cũng như chính bản thân ông.

Tuy nhiên tới năm 2019, tăng trưởng của Nhật Bản đã chịu trì trệ do cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ. Tiếp đến vào năm 2020, Nhật Bản lại tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề hơn khi đại dịch Covid-19 thúc đẩy sự sụt giảm tăng trưởng lớn nhất sau chiến tranh tại quốc gia này.

Tháng 8/2020, ông Shinzo Abe thông báo rời ghế Thủ tướng với lý do là bệnh viêm loét đại tràng diễn biến nghiêm trọng trở lại. Sau đó ông chính thức từ chức vào ngày 16/9/2020, sau khi cuộc bầu cử lãnh đạo LDP diễn ra hai ngày trước đó đã bầu ông Suga Yoshihide làm Chủ tịch LDP.

Sáng 8/7, khi ông đang tham gia sự kiện vận động tranh cử cho các thành viên khác của Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền tại thành phố Nara thì bị một cựu quân nhân bắn từ đằng sau bằng súng tự chế. Ông qua đời sau đó vài tiếng tại bệnh viện do mất máu quá nhiều.

Tin liên quan

Đọc tiếp