OPEC khẳng định không thể thay thế nguồn cung từ Nga

dầu mỏ THẾ GIỚI
07:11 - 12/04/2022
Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Trong cuộc họp hôm 11/4, OPEC khẳng định với Liên minh châu Âu (EU) rằng các lệnh trừng phạt lên Nga có thể tạo ra một trong những cú shock nguồn cung dầu lớn nhất từ trước tới giờ, đồng thời cho biết sẽ không thể thay thế khối lượng dầu từ Nga.

Theo Reuters, ngày 11/4 vừa qua, các quan chức EU đã tổ chức hội đàm với đại diện của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tại Vienna. Cuộc họp này được tổ chức trong bối cảnh khối này kêu gọi OPEC gia tăng sản lượng và cân nhắc các biện pháp trừng phạt tiềm năng với lĩnh vực dầu mỏ của Nga.

Trong phạm vi sự kiện này, EU cũng đã nhắc lại lời kêu gọi tăng sản lượng của mình để thúc đẩy các nước sản xuất dầu đẩy mạnh giao hàng, nhằm hạ nhiệt giá dầu đang tăng vọt. Đại diện của EU chỉ ra chính OPEC có trách nhiệm đảm bảo thị trường dầu cân bằng.

Tuy nhiên ngược lại, ông Mohammad Barkindo, Tổng thư ký OPEC bổ sung thêm nếu không có nguồn cung từ Nga, thị trường sẽ bị mất hơn 7 triệu thùng một ngày bao gồm dầu xuất khẩu và các dạng năng lượng chất lỏng khác.

Các biện pháp cấm vận tiềm năng và cả những hành động tự nguyện khác từ các công ty vận tải hay các nhà nhập khẩu sẽ chỉ gây ra một sự mất mát lớn trên thị trường. Xem xét triển vọng nhu cầu thế giới hiện tại, việc thay thế sự biến mất về khối lượng dầu lớn như vậy là không thể nào.

Mặt khác, tổ chức này cũng phản đối lời kêu gọi của Mỹ cùng Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) về việc bơm thêm dầu thô để hạ nhiệt giá dầu. Sau các biện pháp cấm vận mà Mỹ và EU áp đặt lên Moscow, giá dầu đã nhảy vọt lên mức cao nhất trong 14 năm vào tháng 3 vừa qua.

Các lệnh cấm vận lên dầu của Nga sẽ khiến 7 triệu thùng dầu biến mất khỏi thị trường mỗi ngày. Ảnh: Reuters

Các lệnh cấm vận lên dầu của Nga sẽ khiến 7 triệu thùng dầu biến mất khỏi thị trường mỗi ngày. Ảnh: Reuters

Tuy trong cuộc họp, EU cho biết OPEC sẽ cung cấp thêm sản lượng từ công suất dự phòng của mình, ông Barkindo chia sẻ thị trường biến động mạnh như hiện tại là kết quả của "các yếu tố phi cơ bản" nằm ngoài tầm kiểm soát của OPEC. Tín hiệu cũng cho thấy tổ chức này dường như sẽ không bơm thêm dầu ngoài số lượng đã thỏa thuận trước đó.

Cụ thể nếu theo đúng kế hoạch, OPEC + bao gồm OPEC và các nhà sản xuất khác như Nga sẽ tăng sản lượng dầu lên 432.000 thùng một ngày vào tháng 5, như một phần của quá trình gia tăng sản lượng từ đợt cắt giảm nhằm ứng phó với nhu cầu thị trường yếu trong suốt thời kỳ đại dịch Covid-19.

Cho tới nay, dầu mỏ của Nga vẫn đang nằm ngoài tầm trừng phạt bởi các nước EU. Tuy nhiên, sau khi khối kinh tế gồm 27 nước quyết định thống nhất áp đặt các lệnh trừng phạt lên than của Nga, nhiều chuyên gia cho rằng dầu mỏ có thể sẽ là đối tượng tiếp theo.

Bộ trưởng Ngoại giao Ireland, Lithuania và Hà Lan cũng khẳng định ý tưởng này khi cho biết thêm Ủy ban châu Âu đang soạn thảo các đề xuất cấm vận dầu đối với Nga hôm 11/4 tại cuộc họp của các ngoại trưởng EU ở Luxembourg. Dầu thô của Nga lại một lần nữa không nằm trong các thỏa thuận cấm vận.

Lệnh cấm vận dầu và khí đốt Nga vốn đã gây ra nhiều ý kiến chia rẽ trong nội bộ EU do các quốc gia này phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga. Trong khi các quốc gia đồng minh phương Tây khác như Australia, Canada và Mỹ đã cấm mua dầu của Nga do ít phụ thuộc vào nguồn cung hơn châu Âu, các nước EU lại không thể làm vậy. Lệnh cấm còn có thể đẩy giá năng lượng vốn đã rất cao tại châu ÂU lên một mức độ mới và gây ra nhiều khó khăn cho các hoạt động sản xuất cũng như sinh hoạt.

Tới năm 2030, EU dự kiến việc sử dụng dầu sẽ giảm 30% so với năm 2015 như một kết quả của các chính sách nhằm chống lại quá trình biến đổi khí hậu. Tuy nhiên về mặt tích cực, các lệnh cấm vận lên Nga có thể sẽ đẩy nhanh quá trình sử dụng các nguồn năng lượng thay thế.

Tin liên quan

Đọc tiếp