OPEC+ sẽ chỉ tăng sản lượng khai thác dầu thấp kỷ lục trong tháng 9

DẦU THÔ OPEC+
07:56 - 04/08/2022
OPEC+ nhất trí tăng sản lượng khai thác dầu thêm 100.000 thùng/ngày trong tháng 9. Nguồn: Finvest.
OPEC+ nhất trí tăng sản lượng khai thác dầu thêm 100.000 thùng/ngày trong tháng 9. Nguồn: Finvest.
0:00 / 0:00
0:00
Tại cuộc họp hôm 3/8, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) quyết định nâng sản lượng khai thác dầu thô tháng 9 lên 100.000 thùng/ngày, con số được cho là khó có thể sớm điều hòa giá dầu và giải bài toán nguồn cung trên thế giới.

Tuy nhiên, mức tăng 100.000 thùng/ngày trong tháng 9 được đánh giá thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu tăng hơn 600.000 thùng/ngày trong tháng 7 và 8 trước đó, và là một trong những con số mục tiêu thấp nhất lịch sử OPEC+.

Theo Bloomberg, con số mục tiêu ít ỏi trong tháng 9 này cũng xóa tan kỳ vọng về khả năng OPEC+ tăng cung mạnh tay sau nhiều tháng nỗ lực ngoại giao của Mỹ. "Đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 1986 và nếu tính theo phần trăm thì là thấp nhất lịch sử", Cựu quan chức Nhà Trắng Bob McNally nhận xét. Mức tăng không đáng kể này sẽ khó xoa dịu những người tiêu dùng đang vật lộn với lạm phát do giá nhiên liệu tăng cao.

Sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Saudi Arabia tháng trước, quan chức Mỹ tỏ ra lạc quan về việc OPEC+ tăng sản lượng dầu. Liên minh này cũng cho thấy thiện chí hướng tới người tiêu dùng trong vài tháng gần đây, khi liên tục thông báo tăng mục tiêu sản xuất.

Mặc dù dù OPEC+ đặt mục tiêu sản lượng ít ỏi trong tháng 9, nhưng nguồn cung dầu thực tế được nhận định sẽ cải thiện hơn các tháng trước. Nó đến từ việc Libya đang hồi phục nguồn cung, có thể đưa ra thị trường tới khoảng 1,2 triệu thùng/ngày. Trong khi các khảo sát mới nhất cho thấy Nga đã không gặp mấy khó khăn trong việc chuyển thị trường cho các nguồn dầu xuất khẩu của mình, bất chấp các lệnh cấm vận của phương Tây.

Tuy nhiên, theo Bloomberg, sẽ khó có chuyện Nga tăng sản lượng dầu khai thác để đáp ứng hạn ngạch mà OPEC+ đặt ra, dù chỉ là nhường tạm thời, trừ phi Nga nhận được thứ gì đó đổi lại. Các nước OPEC đã phải bỏ ra rất nhiều vốn liếng chính trị để đưa Nga vào liên minh và sẽ làm tất cả những gì cần thiết để giữ Nga ở lại.

Bên cạnh đó, cũng khó có chuyện Nga sẽ ủng hộ bất kỳ một biện pháp nào khiến cho giá dầu giảm nhiều. Để thuyết phục các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ mua dầu Nga, phía Nga đã buộc phải đưa ra mức giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường.

Trong hai tháng 4 và 5, dầu thô Urals của Nga loại xuất khẩu có giá thấp hơn gần 35 USD/thùng so với giá dầu Brent theo giá tham chiếu của thị trường dầu toàn cầu. Khoảng cách này gần đây được rút ngắn nhưng ở thời điểm giữa tháng 7, giá dầu Urals vẫn thấp hơn 25 USD/thùng so với dầu Brent.

Thực tế này một lần nữa làm rõ hơn khả năng OPEC+ sẽ không thể tăng mạnh sản lượng dầu, vì Nga không muốn giá dầu giảm sâu hơn nữa. Lý do rất dễ nhìn thấy là Nga cần duy trì nguồn thu ngân sách trong bối cảnh chiến tranh và bị trừng phạt.

Về phía nhu cầu, theo dự báo mới nhất được OPEC đưa ra, trong năm 2023 nhu cầu dầu của thế giới sẽ vẫn tăng thêm gần 3 triệu thùng/ngày lên hơn 102 triệu thùng/ngày. Trong khi dự báo nhu cầu dầu của thế giới trong năm nay vẫn được giữ nguyên ở mức trên 100 triệu thùng/ngày.

OPEC cho rằng nền kinh tế Mỹ và châu Âu có thể suy yếu, nhưng 2 động lực tăng trưởng quan trọng là Trung Quốc và Ấn Độ sẽ vẫn được thúc đẩy.

Ngay trong tháng 9 này, nhu cầu dầu của Ấn Độ dự kiến cũng sẽ tăng thêm hơn 5 triệu thùng/ngày. Nhu cầu dầu của Trung Quốc, theo dự báo của OPEC, cũng sẽ tăng trưởng tốt khi ngày càng nới lỏng các chính sách đóng cửa vì Covid-19. Như vậy, OPEC cho rằng xu hướng giảm nhu cầu dầu hiện nay là không rõ rệt.

Dù vậy, trước phiên họp 3/8, các nước ám chỉ việc nhu cầu dầu bị kìm hãm do rủi ro suy thoái tại Mỹ và các lệnh phong tỏa chống dịch của Trung Quốc khiến họ lưỡng lự trong việc tăng sản lượng.

Giá dầu chưa hạ nhiệt ngay sau quyết định của OPEC+

Bất chấp quyết định tăng sản lượng của OPEC+, giá dầu WTI vẫn tăng 0,44% lên 91,06 USD/thùng tại thời điểm 7h30 (giờ Việt Nam). Trong khi đó giá dầu Brent chỉ giảm nhẹ 0,01%, đứng ở mức 97,15 USD/thùng.

Có thể thấy, quyết định tăng sản lượng của OPEC+ chưa giúp hạ nhiệt ngay thị trường dầu mỏ. Được biết, OPEC+ sẽ có cuộc họp tiếp theo vào ngày 5/9 để tiếp tục điều chỉnh sản lượng nếu cần thiết.

Thị trường dầu thô cần thời gian để điều chỉnh, nhưng việc tăng sản lượng thêm 100.000 thùng/ngày sẽ làm giảm phần nào cơn khát dầu, giúp đẩy giá xuống trong dài hạn.

Tin liên quan

Đọc tiếp