Phần Lan tuyên bố chỉ gia nhập NATO nếu có Thụy Điển đồng hành

NATO Phần Lan
11:42 - 13/06/2022
Tiến trình gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển đang vấp phải sự phản đối từ Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: RT
Tiến trình gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển đang vấp phải sự phản đối từ Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: RT
0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto khẳng định, nước này sẽ không gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nếu không có Thụy Điển, trong bối cảnh quốc gia này đang bế tắc trong tiến trình gia nhập vì sự phản đối từ Thổ Nhĩ Kỳ. 

Theo RT, thông tin trên được Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto đưa ra trong cuộc họp báo chung với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Helsinki hôm 12/6.

“Tôi nói rằng trường hợp của Thụy Điển cũng là trường hợp của chúng tôi. Điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ cùng nhau tiến xa hơn”, Tổng thống Niinisto tuyên bố.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (giữa), Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phần Lan Pekka Haavisto (trái) và Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Ann Linde (phải) chào nhau sau cuộc họp báo tại trụ sở NATO ở Brussels, ngày 24/1. Ảnh: AFP
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (giữa), Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phần Lan Pekka Haavisto (trái) và Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Ann Linde (phải) chào nhau sau cuộc họp báo tại trụ sở NATO ở Brussels, ngày 24/1. Ảnh: AFP

Về phần mình, Tổng thư ký NATO phát tín hiệu rằng liên minh quân sự này không áp đặt bất kỳ thời hạn nào để chấp nhận hồ sơ gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng cần tìm cách giải quyết sự bất đồng giữa hai nước Bắc Âu và Thổ Nhĩ Kỳ "càng sớm càng tốt". Ông cũng khẳng định, hội nghị thượng đỉnh sắp tới của NATO, dự kiến ​​vào cuối tháng 6, chưa bao giờ được coi là thời hạn cuối cùng để chấp nhận hai thành viên tương lai trên.

“Hội nghị thượng đỉnh ở Madrid không phải là thời hạn chót với Phần Lan và Thụy Điển. Nhưng tôi muốn giải quyết vấn đề này càng sớm càng tốt. Do đó, chúng tôi đang tích cực làm việc đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như với Phần Lan và Thụy Điển, để giải quyết những vấn đề mà Ankara đã nêu ra”, ông Stoltenberg nói.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (giữa) cùng Đại sứ Phần Lan tại NATO Klaus Korhonen (trái) và Đại sứ Thụy Điển tại NATO Axel Wernhoff (phải) trong buổi nộp đơn xin gia nhập NATO hôm 18/5. Ảnh: Reuters
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (giữa) cùng Đại sứ Phần Lan tại NATO Klaus Korhonen (trái) và Đại sứ Thụy Điển tại NATO Axel Wernhoff (phải) trong buổi nộp đơn xin gia nhập NATO hôm 18/5. Ảnh: Reuters

Phát ngôn trên của Tổng thư ký Stoltenberg cho thấy sự thay đổi rõ ràng lập trường của NATO về khung thời gian khối quyết định có kết nạp của Phần Lan và Thụy Điển hay không. Phó Tổng thư ký NATO Camille Grand mới đây đã bày tỏ hy vọng rằng những bất đồng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và hai quốc gia thành viên tương lai sẽ được giải quyết trước hội nghị thượng đỉnh.

“Chúng tôi hy vọng những khác biệt sẽ được giải quyết kịp thời trước hội nghị thượng đỉnh. Điều quan trọng là phải tính đến các mối quan tâm của Thổ Nhĩ Kỳ”, Phó Tổng thư ký NATO nói với đài truyền hình Thụy Sỹ RTS trong một cuộc phỏng vấn.

Phần Lan và Thụy Điển đã chính thức nộp đơn gia nhập NATO ngày 18/5, trong bối cảnh xung đột giữa Nga – Ukraine đang diễn ra. Động thái trên đánh dấu việc 2 quốc gia Bắc Âu lần lượt kết thúc quan điểm trung lập về quân sự từ hàng chục thậm chí là hàng trăm năm qua. Tuy nhiên, cả Phần Lan và Thụy Điển vốn đã duy trì mối quan hệ chặt chẽ và hợp tác quân sự với NATO trong nhiều thập kỷ.

Tuy nhiên, khả năng hai nước trên gia nhập NATO đã đi vào bế tắc khi Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên lớn của NATO - kiên quyết phản đối. Ankara khẳng định không chấp thuận việc mở rộng của NATO, cáo buộc Stockholm và Helsinki không hành động chống lại nhóm Kurd, tổ chức mà Thổ Nhĩ Kỳ xem là “tổ chức khủng bố”. Theo ông Stoltenberg, NATO thừa nhận những lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ và “quyết tâm giải quyết tất cả vấn đề của các bên”, đồng thời khuyến khích các cuộc đàm phán giữa Thổ Nhĩ Kỳ và hai nước Bắc Âu.

“Khi một đồng minh quan trọng như Thổ Nhĩ Kỳ nêu mối lo ngại như khủng bố, thì tất nhiên chúng ta phải ngồi xuống và xem xét điều này một cách nghiêm túc. Và đó chính xác là những gì chúng tôi phải làm”, Tổng thư ký NATO nhấn mạnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Ông Trump thoát nguy cơ bị tịch thu tài sản

Ngày 25/3, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt được một chiến thắng trong việc tạm dừng phán quyết gian lận dân sự trị giá 454 triệu USD, từ đó tránh được việc bị chính quyền bang New York thực hiện các bước để tịch thu tài sản.