Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập NATO, kết thúc thời kỳ trung lập

NATO Phần Lan
17:40 - 18/05/2022
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cầm hai đơn xin gia nhập thành viên của Thụy Điển và Phần Lan tại Brussels, Bỉ, ngày 18/5. Ảnh: Reuters
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cầm hai đơn xin gia nhập thành viên của Thụy Điển và Phần Lan tại Brussels, Bỉ, ngày 18/5. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 18/5, Phần Lan và Thụy Điển chính thức nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại trụ sở ở Brussels. Đây được coi là quyết định mang tính lịch sử của cả hai đất nước vốn duy trì quan điểm trung lập trong thời gian dài.

"Đây là một thời khắc lịch sử mà chúng ta cần ghi nhớ. Liên minh sẽ xem xét các bước tiếp theo trên con đường gia nhập NATO của hai quốc gia này", AFP dẫn tuyên bố của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg sau khi nhận đơn xin gia nhập từ các đại sứ Phần Lan, Thụy Điển tại trụ sở NATO.

"Tôi nhiệt liệt hoan nghênh yêu cầu gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển. Các vị là đối tác thân thiết nhất của chúng tôi và tư cách thành viên của các vị trong NATO sẽ tăng cường an ninh chung của chúng ta", ông Stoltenberg hoan nghênh. Đồng thời, vị quan chức NATO cho biết sự gia nhập của hai quốc gia này "sẽ tăng cường sức mạnh đáng kể cho các nước này ở Biển Baltic".

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (trái) và Đại sứ Thụy Điển tại NATO Axel Wernhoff (phải) bắt tay trong buổi lễ chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO tại Brussels, Bỉ, 18/5. Ảnh: Reuters
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (trái) và Đại sứ Thụy Điển tại NATO Axel Wernhoff (phải) bắt tay trong buổi lễ chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO tại Brussels, Bỉ, 18/5. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, các nhà ngoại giao cho hay, quá trình chờ quốc hội của tất cả 30 đồng minh xem xét tiêu chí và phê chuẩn đơn xin gia nhập liên minh quân sự của Phần Lan và Thụy Điển có thể mất tới một năm, ngay cả khi hai quốc gia này được cho là đã đáp ứng đầy đủ tiêu chí để trở thành thành viên NATO.

Trước đó, trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson thông báo hai nước này sẽ cùng nhau nộp đơn xin gia nhập NATO trong ngày 18/5. "Tôi vui mừng vì chúng tôi đã đi chung một con đường và chúng tôi có thể làm điều này cùng nhau", bà Andersson cho biết.

Động thái nộp đơn trên đánh dấu Phần Lan và Thụy Điển lần lượt kết thúc tình trạng trung lập. Phần Lan có chung đường biên giới dài 1.300 km với Nga. Xuyên suốt thời Chiến tranh Lạnh, Phần Lan duy trì tôn chỉ không liên kết, bất chấp sức ảnh hưởng từ cả hai khối do Liên Xô và Mỹ dẫn đầu. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Phần Lan dần chuyển trọng tâm đối ngoại sang phương Tây, đánh dấu với quyết định gia nhập EU năm 1995.

Thụy Điển cũng chọn hướng đi tương tự sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, gia nhập EU vào năm 1995 và tăng cường hợp tác với NATO. Thụy Điển đã tránh tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào trong hơn 200 năm qua.

Đại sứ Phần Lan tại NATO Klaus Korhonen (trái), Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (giữa) và Đại sứ Thụy Điển tại NATO Axel Wernhoff (phải). Ảnh: Reuters

Đại sứ Phần Lan tại NATO Klaus Korhonen (trái), Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (giữa) và Đại sứ Thụy Điển tại NATO Axel Wernhoff (phải). Ảnh: Reuters

Trong khoảng thời gian trước đây, không có gì có thể thuyết phục người dân Phần Lan và Thụy Điển rằng họ sẽ tốt hơn nếu gia nhập NATO, khi tỷ lệ người ủng hộ chỉ là khoảng 25% trong nhiều năm liền. Tuy nhiên, kết quả các cuộc thăm dò dư luận gần đây của Đài truyền hình Phần Lan YLE cho thấy, khoảng 3/4 (76%) dân số ủng hộ việc Phần Lan gia nhập NATO, chỉ 12% phản đối việc này.

Hôm 17/5, Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde chính thức ký đơn xin gia nhập NATO và tuyên bố đây là quyết định có lợi nhất cho nước này. Trong khi đó, Quốc hội Phần Lan cùng ngày đã thông qua đề xuất này trong một cuộc bỏ phiếu với kết quả áp đảo 188/196 phiếu.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã gây bất ngờ cho các đồng minh của mình những ngày gần đây khi tuyên bố họ phản đối tư cách thành viên của Phần Lan và Thụy Điển. Ankara khẳng định không chấp thuận việc mở rộng của NATO, cáo buộc Stockholm và Helsinki không hành động chống lại người Kurd, nhóm mà Thổ Nhĩ Kỳ xem là tổ chức khủng bố.

Tuy nhiên, ông Stoltenberg hôm qua cho rằng các vấn đề này có thể được giải quyết. "Chúng tôi quyết tâm giải quyết tất cả vấn đề và đưa ra quyết định nhanh chóng, đồng thời ghi nhận sự ủng hộ mạnh mẽ của tất cả đồng minh khác", Tổng thư ký NATO nhấn mạnh.

Điện Kremlin hiện chưa có động thái phản ứng về sự việc này. Trước đó, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin hôm 14/5, thông báo ý định gia nhập khối NATO. Cuộc điện đàm "trực tiếp và thẳng thắn" được khởi xướng bởi phía Phần Lan..

Theo Điện Kremlin, Tổng thống Nga đã cảnh báo người đồng cấp Phần Lan rằng quan hệ giữa hai nước có thể bị "ảnh hưởng tiêu cực" nếu Phần Lan thực hiện kế hoạch xin gia nhập NATO. Tổng thống Putin cũng cho rằng, việc Phần Lan từ bỏ “chính sách truyền thống về trung lập quân sự sẽ là một sai lầm vì không có mối đe dọa nào đối với an ninh của Phần Lan”.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Giá dầu và giá vàng thế giới tăng sau khi Israel được nghi đã tấn công Iran ngày 19/4/2024. Ảnh: The Star

Giá dầu tăng 3% sau tin Israel tấn công Iran

Tin tức về các cuộc tấn công được nghi là do Israel tiến hành gần căn cứ không quân ở thành phố Isafahan, miền trung Iran ngày 19/4 nổ ra, làm dấy lên lo ngại về xung đột mở rộng tại Trung Đông, đẩy giá dầu và giá vàng thế giới ngay lập tức gia tăng.
Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro. Ảnh: AP

Venezuela đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador

Ngày 16/4, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribbean (CELAC) đã ra lệnh đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador nhằm thể hiện sự đoàn kết với Mexico trong cuộc đối đầu ngoại giao với Ecuador.