Phản ứng của thế giới trước việc Fed tăng lãi suất

LÃI SUẤT THẾ GIỚI
08:30 - 23/09/2022
Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tại Washington. Ảnh: Reuters
Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tại Washington. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Sau động thái tăng lãi suất lên 75 điểm cơ bản của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhằm đối phó lạm phát khiến nhiều nền kinh tế chấn động hôm 21/9, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang nối tiếp nhau tăng lãi suất.

Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 15 năm trước khiến Fed cắt giảm lãi suất chính sách của mình xuống 0 và mở ra các vòng mua trái phiếu lớn, đây là động thái chưa từng có. Giá trị của đồng USD cũng đang tăng vọt, giúp giảm bớt lạm phát ở Mỹ nhưng lại làm tăng chi phí của nhiều mặt hàng nhập khẩu cho các quốc gia khác.

Theo Reuters, lãi suất của Mỹ và đồng USD đóng vai trò là điểm tham chiếu cho chi phí đi vay trên toàn thế giới. Vì vậy khi các quan chức Fed đang có kế hoạch không chỉ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ mà còn thắt chặt trong nhiều năm tới, các quốc gia có thể phải chịu một cú shock tài chính mới.

Việc các ngân hàng đồng loạt điều chỉnh lãi suất cho thấy một sự thay đổi lớn sắp diễn ra khi thế giới cần thích nghi với chính sách tiền tệ mới của Mỹ và định giá lại rộng rãi trái phiếu, cổ phiếu và các công cụ tài chính khác. Dù nhiều quốc gia đang phải chống chọi với lạm phát chung do hậu quả của đại dịch COVID-19, phản ứng của Fed nổi bật hơn cả do vai trò toàn cầu của đồng USD.

Ngân hàng Trung ương Na Uy tại Oslo. Ảnh: Reuters

Ngân hàng Trung ương Na Uy tại Oslo. Ảnh: Reuters

Reuters trích dẫn lời chủ tịch Jerome Powell của Fed cho biết, trong bối cảnh có nhiều rủi ro xảy ra khi các ngân hàng trung ương lớn đồng loạt thay đổi chính sách tiền tệ, Fed vẫn đang cố gắng ước tính tác động của “sự lan tỏa” chính sách giữa các quốc gia.

Trong một cuộc họp báo hôm 22/9, ông chia sẻ: "Chúng tôi nhận thức rất rõ điều gì đang diễn ra ở các nền kinh tế khác trên thế giới và điều đó có ý nghĩa gì đối với chúng tôi và ngược lại". Tuy nhiên, ông cũng tuyên bố các quan chức Mỹ cũng "có nhiệm vụ và các mục tiêu trong nước" về ổn định lạm phát và việc làm.

Cùng với động thái tăng lãi suất của Fed hôm 21/9, hàng loạt các ngân hàng trung ương từ Indonesia đến Na Uy đã theo đuổi việc tăng lãi suất của riêng mình nhằm đối phó với tỷ lệ lạm phát kéo dài từ ngưỡng 3,5% như ở Thụy Sĩ tới 10% như ở tại Anh.

Tuy các ngân hàng trung ương đều đồng ý rằng việc kiềm chế tốc độ tăng giá đang là nhiệm vụ hàng đầu hiện tại, hệ quả của động thái này cũng cần được đánh giá kĩ lưỡng. Nguyên nhân do chi phí đi vay tăng cao thường làm giảm đầu tư, tỷ lệ thuê lao động và ảnh hưởng tới tiêu dùng.

Chủ tịch Fed cũng đồng ý với nhận định này khi ông cho rằng không có cách nào khiến tỷ lệ lạm phát hạ nhiệt mà không gây ra “đau đớn” cho nền kinh tế. Các hệ quả có thể kể đến trước mắt là tăng trưởng kinh tế chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên đáng kể - một triển vọng đang có khả năng cao sẽ xảy ra trong khu vực đồng euro và đặc biệt là tại Anh.

Tuy nhiên bất chấp việc nền kinh tế có đang dần bước vào suy thoái, Ngân hàng Trung ương Anh vẫn tăng lãi suất và cho biết họ sẽ tiếp tục "phản ứng mạnh mẽ, khi cần thiết". Theo nhận định của bà Emma-Lou Montgomery, phó giám đốc tại Fidelity International, “đối với những người đi vay, điều này sẽ đồng nghĩa với việc chi phí lại cao hơn đáng kể trong khi vấn đề sinh hoạt phí tăng cao vẫn chưa được giải quyết”.

Ngân hàng Trung ương Anh vẫn sẽ nâng lãi suất để đối phó lạm phát bất chấp các nguy cơ suy thoái. Ảnh: Reuters

Ngân hàng Trung ương Anh vẫn sẽ nâng lãi suất để đối phó lạm phát bất chấp các nguy cơ suy thoái. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, thị trường chứng khoán thế giới giảm xuống gần mức thấp nhất trong 2 năm và các đồng tiền của các thị trường mới nổi giảm mạnh, khi các nhà đầu tư chuẩn bị cho một thế giới tăng trưởng trì trệ và khó có được tín dụng.

Nhật Bản là một ví dụ hiếm hoi trong số các nền kinh tế phát triển lựa chọn giữ lãi suất gần bằng 0 để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế mong manh của đất nước. Theo Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda, cơ quan này không thay đổi lập trường về việc duy trì chính sách tiền tệ dễ dàng trong thời điểm hiện tại và sẽ tiếp tục giữ mức lãi suất thấp trong một khoảng thời gian nữa.

Tuy nhiên đồng Yên đã giảm mạnh so với đồng USD sau quyết định này, buộc các nhà chức trách Nhật Bản phải vào cuộc và mua đồng nội tệ để ngăn chặn đà trượt giá.

Trong khi đó, ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục với chính sách không chính thống của mình hôm 22/9 bằng cách đưa ra một đợt giảm lãi suất bất ngờ khác bất chấp lạm phát đang ở mức hơn 80%, đưa đồng Lira xuống mức thấp nhất mọi thời đại so với đồng USD.

Đọc tiếp