Phát triển bền vững khu vực Mekong thông qua liên kết vùng và hợp tác quốc tế

Mekong Việt nAM
11:49 - 18/03/2022
Phát triển bền vững khu vực Mekong thông qua liên kết vùng và hợp tác quốc tế
0:00 / 0:00
0:00
Không chỉ thúc đẩy liên kết vùng ĐBSCL, Việt Nam cũng đang tăng cường hợp tác với nhiều đối tác phát triển trong khu vực và trên thế giới, trong nỗ lực giải quyết các thách thức để phát triển bền vững vùng Mekong.

Tiểu vùng MeKong, khu vực địa lý bao gồm các quốc gia và lãnh thổ nằm trong lưu vực sông Mekong trong đó có Việt Nam từ lâu đã được đánh giá là điểm kết nối quan trọng trong mạng lưới hội nhập kinh tế xã hội của khu vực.

Gắn bó chặt chẽ với nguồn sinh kế của người dân ở lưu vực, sông Mekong và những vấn đề của nó như tình trạng thiên tai, lũ lụt, hạn hán trong những năm gần đây và sâu xa hơn là việc cân bằng tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, xử lý các thách thức xuyên biên giới như quản trị nguồn nước sông… rất cần được giải quyết thông qua liên kết vùng và hợp tác quốc tế.

Phát triển liên kết vùng, không để địa giới hành chính chia cắt “mạch máu” Mekong

Nhận định 13 tỉnh ĐBSCL, khu vực sông Mekong chảy qua, là nơi sở hữu nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo dồi dào, có lợi thế phát triển kinh tế biển và hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh; Chính phủ trong thời gian qua đã nỗ lực thúc đẩy liên kết vùng ĐBSCL, hướng tới coi ĐBSCL là một thực thể kinh tế để phát huy sức mạnh vùng.

Trong đó, đặc biệt chú trọng phát huy liên kết giữa TP HCM và khu vực Mekong do TP HCM là trung tâm thương mại lớn của cả vùng, nơi tập trung các nguồn lực phát triển, cả nhân lực, vật lực, có vị trí địa lý và kết nối giao thông đặc biệt thuận lợi.

Hướng phát triển liên kết vùng như vậy cũng là kỳ vọng của giới chuyên gia trong nước, những người khẳng định mô hình phát triển bền vững khu vực ĐBSCL - hạ lưu sông Mekong - không thể nào thiếu đi tính liên kết vùng.

Trao đổi với báo chí, GS. Trần Thục, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu từng khẳng định: “Phải có quy hoạch tích hợp, quy hoạch toàn bộ vùng ĐBSCL để các tỉnh, thành phố có quyền tích hợp cho địa phương mình và các vùng liên kết giữa các địa phương”.

Cùng quan điểm này, TS. Vũ Thành Tự Anh (Đại học Fulbright) cũng khẳng định Chính phủ cần có cơ chế liên kết vùng chặt chẽ hơn, thậm chí xây dựng một chính quyền vùng nếu cần thiết để tạo ra một chỉnh thể kinh tế đủ lớn phục vụ cho việc phát triển cơ cấu và hạ tầng kinh tế vùng hoàn chỉnh, hiện đại.

Đồng thời cần thay đổi cơ chế đánh giá địa phương theo các chỉ tiêu mang tính cục bộ như tăng trưởng GDP, xuất nhập khẩu, thu chi ngân sách… để hạn chế tâm lý phát triển cục bộ, địa phương thay vì liên kết vùng.

Ảnh tác giả

“Cơ chế điều phối thực sự có hiệu lực phải tạo ra được các quyết định tài khóa, quy hoạch, đầu tư ở vị trí có động lực theo đuổi lợi ích toàn vùng chứ không bị chi phối bởi các lợi ích cục bộ địa phương”.

TS. Vũ Thành Tự Anh

Để đạt được liên kết vùng toàn diện, ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường nhận định, cần phát triển kết nối hạ tầng giao thông toàn diện, không chỉ trong kết nối vùng mà cả trong kết nối với TP HCM, trung tâm thương mại lớn của khu vực.

Vào đầu tháng 3 vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định 287/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu phát triển vùng ĐBSCL đến năm 2030 trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, các hành lang kinh tế và các đô thị động lực tập trung các dịch vụ và công nghiệp đa dạng với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong Quyết định phê duyệt quy hoạch nêu rõ trọng tâm phát triển hệ thống kết cấu giao thông vận tải đa phương thức kết nối liên vùng và quốc tế, trong đó chú trọng phát huy thế mạnh của vùng về giao thông thủy nội địa. Mục tiêu đến năm 2030, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830 km đường bộ cao tốc, khoảng 4.000 km đường quốc lộ, 4 cảng hàng không, 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.

Để giải quyết vấn đề kết nối hạ tầng giao thông, giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã chi tới 198.000 tỷ đồng cho đầu tư hàng loạt công trình giao thông bao gồm cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cao tốc Cần Thơ - Kiên Giang. Giai đoạn 2021-2025, tiếp tục triển khai các dự án đường bộ cao tốc như Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Mỹ An - Cao Lãnh, Cao Lãnh - An Hữu…, phấn đấu đến năm 2025, ĐBSCL có khoảng 500 km đường cao tốc.

Ảnh tác giả

"Hạ tầng giao thông có vai trò đặc biệt quan trọng để phát triển vùng ĐBSCL và ưu tiên số 1 cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cho khu vực này. Muốn phát triển được vùng ĐBSCL thì việc đầu tiên mà các địa phương cần tập trung thực hiện là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Điều này cũng giúp tăng cường liên kết vùng, phát huy vai trò, thế mạnh của vùng".

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành

Trong nỗ lực đưa ĐBSCL vượt qua thách thức về biến đổi khí hậu và phát triển thành đồng bằng mang thương hiệu thế giới, Bộ trưởng Bộ NN&PPNT Lê Minh Hoan khẳng định tư duy liên kết vùng là rất cần thiết bởi “chỉ ngồi than phiền thì không mang lại giá trị gì, phỉ thảo luận cùng nhau, cùng nhau làm chính sách, mô hình” thì mới thành công.

Thúc đẩy hợp tác quốc tế để phát triển bền vững tiểu vùng Mekong

Mở rộng ra ngoài phạm vi trong nước, vấn đề phát triển tiểu vùng Mekong nói chung cũng được quốc tế hết sức quan tâm.

Từ năm 1992, 6 nước thuộc tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) bao gồm Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam đã cùng nhau tham gia một chương trình hợp tác kinh tế toàn diện trong hàng loạt lĩnh vực như năng lượng, viễn thông, giao thông, môi trường, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, thuận lợi hóa thương mại, đầu tư tư nhân, du lịch và nông nghiệp, phát triển nguồn nhân lực… dưới sự hỗ trợ của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và một số đối tác khác.

Không dừng lại ở hợp tác với các quốc gia trong tiểu vùng, Việt Nam tiếp tục mở rộng vấn đề phát triển Mekong thông qua hợp tác và hỗ trợ của các quốc gia, tổ chức quốc tế.

Mới đây, Diễn đàn Hợp tác EU – Mekong đã diễn ra tại Hà Nội hôm 16/3 dưới sự đồng tổ chức của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và Học viện Ngoại giao nhằm thảo luận về sự hỗ trợ của EU tại tiểu vùng Mekong. Diễn đàn có sự tham gia củaThứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam - Đại sứ Giorgio Aliberti và Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao - TS. Phạm Lan Dung.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu phát biểu dẫn đề tại Diễn đàn Hợp tác EU – Mekong (Ảnh: DAV)
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu phát biểu dẫn đề tại Diễn đàn Hợp tác EU – Mekong (Ảnh: DAV)

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh tiểu vùng Mekong là một trong những khu vực thu hút sự quan tâm lớn và là ưu tiên trong chính sách đối tác phát triển. Một tiểu vùng Mekong bền vững, kết nối sẽ góp phần tích cực xây dựng cộng đồng ASEAN và củng cố vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực. Do vậy, Việt Nam hoan nghênh sự tham gia của các đối tác phát triển trong việc giải quyết các thách thức mang tính quốc tế tại khu vực này.

“Trong lĩnh vực phát triển bền vững, Việt Nam ưu tiên hợp tác chống biến đổi khí hậu, gia tăng tính tự cường và thích ứng của xã hội, người dân, doanh nghiệp, góp phần đạt mục tiêu giảm khí thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Các lĩnh vực hợp tác bao gồm kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng công bằng và bền vững, chia sẻ công nghệ xử lý chất thải…”, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh.

Trong khi đó, Đại sứ Giorgio Aliberti khẳng định những thách thức toàn cầu đang cùng lúc xuất hiện ở tiểu vùng Mekong khiến đây trở thành một khu vực đáng quan tâm trong việc nghiên cứu, phát triển các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước, phát triển năng lượng sạch, tăng cường kết nối giao thông và cơ sở hạ tầng, phát triển nông nghiệp hiệu quả bền vững… Phía EU cũng nhấn mạnh mong muốn hợp tác để phát triển các sáng kiến toàn cầu, thúc đẩy phát triển bền vững và kết nối khu vực.

Trong khuôn khổ các phiên thảo luận tại Diễn đàn, đa số ý kiến cho rằng tiểu vùng Mekong cần hướng tới mô hình phát triển bao trùm và tăng trưởng xanh. Để đạt được điều này, sư hợp tác, hỗ trợ giữa các đối tác trong và ngoài khu vực một cách thực chất, hiệu quả là cần thiết, nhất là trong các vấn đề mang tính quốc tế như cơ chế quản trị nguồn nước hiệu quả và chống biến đổi khí hậu.

Tin liên quan

Đọc tiếp