Phát triển lành mạnh thị trường, khơi thông nguồn vốn cho bất động sản

TÀI CHÍNH KINH TẾ
17:30 - 17/12/2022
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5.
0:00 / 0:00
0:00
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, thị trường vốn đang trở thành nguồn huy động vốn trung, dài hạn cho các doanh nghiệp bất động sản, do vậy cần tập trung phát triển thị trường này để khơi thông nguồn vốn đầu tư, phát triển.

Phát biểu về thị trường vốn tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 ngày 17/12, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhận định, hiện nhu cầu vốn cho thị trường bất động sản rất lớn và đa dạng, gồm vốn tự có của doanh nghiệp, tín dụng ngân hàng, vốn thị trường trái phiếu, cổ phiếu và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các quỹ đầu tư.

Trên thị trường vốn, các doanh nghiệp bất động sản huy động lượng lớn khối lượng vốn cổ phiếu, trái phiếu để thực hiện các dự án bất động sản, góp vốn đầu tư.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại hội thảo. Ảnh Thảo Ngân

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại hội thảo. Ảnh Thảo Ngân

"Hiện nay trên thị trường có 280 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu, số lượng phát hành huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu của các công ty đại chúng chiếm 25% khối lượng phát hành năm 2021. Như vậy bên cạnh kênh tín dụng ngân hàng, thị trường vốn đang trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn của các doanh nghiệp bất động sản, giảm áp lực cung vốn cho ngành ngân hàng", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho hay.

Nhằm thúc đẩy phát triển nền kinh tế tư nhân, Bộ Tài chính đang tích cực triển khai các giải pháp, chủ trương, chính sách để tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó tập trung phát triển thị trường vốn, chứng khoán nhằm khơi thông nguồn vốn trung và dài cho đầu tư và phát triển.

Triển khai các mục tiêu được Chính phủ phê duyệt tại chiến lược tài chính đến năm 2030, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục các giải pháp để phát triển thị trường vốn hoạt động lành mạnh, ổn định, hiệu quả, có cân đối hợp lý giữa thị trường tiền tệ thị trường vốn, cổ phiếu trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh trong thời gian tới.

Đưa ra bức tranh chung của thị trường tài chính, thị trường vốn trong năm 2022,TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia nhấn mạnh cần sự quan tâm đặc biệt đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán.

Ông Lực nhận định: "Thanh khoản của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và rủi ro liên thông giữa thị trường này với thị trường tiền tệ, thị trường tài sản sẽ là rủi ro mang tính trọng yếu trong năm 2023 - 2024. Do vậy, Chính phủ cần chỉ đạo có phương án, giải pháp cụ thể, khả thi giải quyết rủi ro trái phiếu doanh nghiệp này".

Nhìn nhận thực trạng và xu hướng của kinh tế và thị trường tài chính, ông Lực đưa ra nhiều kiến nghị. Về phía Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông Cấn Văn Lực đề xuất, hai cơ quan này sớm phát triển các sản phẩm chứng khoán phái sinh mới như hợp đồng tương lai trên chỉ số cố phiếu khác, hợp đồng tương lai trên cổ phiếu đơn lẻ, hợp đồng quyền chọn... nhằm đa dạng hóa sản phẩm, khắc phục hạn chế hiện tại, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tiếp tục đẩy nhanh các cấu phần trong Chương trình phục kinh tế - xã hội năm 2022-2023. Triển khai kịp thời và hiệu quả gói hỗ trợ lãi suất 2% quy mô 40.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, giảm áp lực vốn tín dụng, giảm nợ đọng; phấn đấu hết năm, đạt khoảng 85-90% kế hoạch giải ngân đầu tư công,....

Đi sâu vào cải cách thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản

Nhận định tình hình thị trường hiện nay, ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: "Trong tình thế khó khăn, những bất cập tích tụ của nền kinh tế đã bộc lộ, và chúng ta đã thấy điều đó thông qua diễn biến của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản trong thời gian gần đây".

Ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Trước những biến động tại các thị trường, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định: "Chúng ta cần tiếp tục đi sâu hơn vào câu chuyện cải cách các thị trường, nhất là thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản. Đây là những thị trường có sự liên hệ mật thiết với nhau bởi tính chất và đặc thù nguồn vốn trung dài hạn".

Ông Phạm Thanh Hà Phát nhấn mạnh tác động của việc phát triển lành mạnh thị trường cổ phiếu, trái phiếu là để tạo ra kênh dẫn vốn trung dài hạn, tạo nguồn vốn bền vững cho thị trường bất động sản.

Theo đó, khi ngành bất động sản tăng trưởng lành mạnh không chỉ có lợi cho ngành mà còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa tới nền kinh tế qua nhiều ngành nghề khác nhau, tạo công ăn việc làm cho lực lượng lớn lao động, thúc đẩy quá trình đô thị hóa, đảm bảo nơi ăn, chỗ ở cho người dân. Sự phát triển bền vững của các thị trường này sẽ hỗ trợ động lực phát triển trung, dài hạn của nền kinh tế, củng cố vững chắc nền tảng vĩ mô ổn định đã được thiết lập trong những năm qua.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, quy mô thị trường vốn tăng trưởng bình quân 28,5% trong giai đoạn 2016-2021, đến cuối tháng 11/2022, quy mô thị trường vốn đạt gần 105% GDP năm 2021, quy mô huy động vốn qua thị trường vốn giai đoạn 2011-2021 đạt trên 5 triệu tỷ đồng tương đương 30% tổng mức vốn đầu tư của toàn xã hội.

Tin liên quan

Đọc tiếp