Phát triển năng lượng cần có một cách tiếp cận cân bằng

NĂNG LƯỢNG Việt nAM
15:59 - 17/04/2022
Phát triển năng lượng cần có một cách tiếp cận cân bằng
0:00 / 0:00
0:00
Ông Edgar A. Gunther, Giám đốc dự án Quang điện Công ty TSS Việt Nam, nhận định Chính phủ cần có một cách tiếp cận cân bằng và hoạch định chính sách có tầm nhìn vĩ mô, quyết định phát triển nguồn điện gì và đưa lên lưới khi nào để đảm bảo an toàn lưới điện.

Hội nghị về Tương lai của ngành năng lượng mặt trời Việt Nam 2022 (SEFV2022) diễn ra tại TP HCM tuần qua đã quy tụ nhiều chuyên gia, doanh nghiệp trong nước và quốc tế trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời.

Bên lề sự kiện này, MEKONG ASEAN có cuộc trao đổi về vấn đề năng lượng tái tạo với ông Edgar A. Gunther - Giám đốc dự án Quang điện - Công ty Tona Syntegra Solar Việt Nam (TSS), một trong những công ty về năng lượng mặt trời và điện mặt trời áp mái đã phát triển nhiều dự án trên quy mô toàn quốc ở Việt Nam.

Ông Edgar Arnold Gunther, Giám đốc dự án quang điện Công ty TNHH Tona Syntegra Solar Việt Nam

Ông Edgar Arnold Gunther, Giám đốc dự án quang điện Công ty TNHH Tona Syntegra Solar Việt Nam

Ông có thể giới thiệu về các dự án TSS đã thực hiện và công nghệ pin mặt trời mà công ty đang sử dụng?

Tona Syntegra Solar Vietnam (TSS) đã thực hiện một số dự án C&I thương mại và công nghiệp, công suất tối đa 44MWp. Trước đây chúng tôi đã làm rất nhiều dự án ở TP HCM và các tỉnh lân cận. Sau này, TSS có khách hàng trên toàn quốc với rất nhiều dự án điện mặt trời áp mái.

Chúng tôi làm việc với tất cả các nhà cung cấp công nghệ hàng đầu thế giới và sử dụng nhiều loại pin khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu của khách hàng. Thông thường chúng tôi dùng các module Tier 1 và bộ biến tần thuộc Top 5 hoặc Top 10 thế giới. Bộ biến tần quan trọng hơn các module năng lượng mặt trời. Hầu hết các sự cố với hệ thống năng lượng mặt trời đều là do biến tần.

Như ông đề cập đến pin, hiện có nhiều ý kiến e ngại về các tấm pin thải loại và sự tác động đến môi trường sau quá trình sử dụng. Ông có thể chia sẻ quan điểm về vấn đề này không?

Lo ngại không chỉ là vấn đề của người Việt Nam mà nhiều quốc gia khác. Vì vậy, khi nghiên cứu thì các chuyên gia cũng cần có giải pháp để xử lý ổn thoả cho những lo ngại này, như vậy thì năng lượng mặt trời mới có thể phát triển.

Tuổi thọ của tấm pin năng lượng mặt trời thường là từ 25 năm trở lên, hiện có nhiều loại mono được bảo hành tới hơn 30 năm vòng đời.

Hơn nữa, tái chế pin mặt trời là giải pháp hữu hiệu đã được ứng dụng và minh chứng hiệu quả tại nhiều quốc gia như Astralia vốn đang xây dựng nhà máy tái chế pin mặt trời và châu Âu, nơi mà thị trường năng lượng mặt trời đã phát triển từ khá sớm.

Ở Việt Nam, theo tôi được biết, First Solar cũng đã triển khai chương trình thu hồi để tái chế những tấm pin do chính hãng này sản xuất và cung cấp.

Vậy trong bối cảnh hiện này thì mối quan tâm lớn nhất của các doanh nghiệp trong ngành năng lượng mặt trời ở Việt Nam là gì, thưa ông?

Phát triển năng lượng sạch là xu hướng tất yếu mà các Chính phủ đều quan tâm và ở Việt Nam cũng vậy, đặc biệt dưới những thách thức về biến đổi khí hậu và môi trường.

Các doanh nghiệp sản xuất cần năng lượng sạch. Đối với họ, mối quan tâm về biến đổi khí hậu, đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường, quan hệ xã hội và quản trị doanh nghiệp (tiêu chuẩn ESG) được đặt lên hàng đầu trong quá trình sản xuất. Chính vì vậy, ngành này tại Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, trong đó có TSS.

Để nhà đầu tư vận hành ổn định và có kế hoạch dài hạn bền vững chúng tôi quan tâm nhất vẫn là vấn đề chính sách. Trong đó Quy hoạch điện VIII là mối quan tâm hàng đầu và những khuôn khổ về chính sách cho mô hình trang trại điện mặt trời và điện mặt trời áp mái.

Năng lượng mặt trời áp mái được sử dụng theo hình thức tự sản xuất tự tiêu dùng, khi nguồn điện tạo ra được sử dụng tại nhà máy sẽ an toàn cho lưới điện truyền tải. Điện năng không bị thất thoát do truyền tải và nhà máy không phải trả tiền mua bán điện. Họ đang sử dụng chính tài nguyên của họ và do đó phải có chính sách cho việc khách hàng sử dụng nguồn điện do chính họ sản xuất ra.

Ngoài điện mặt trời còn có điện gió và nhiều loại hình năng lượng khác. Sự phát triển không cân đối của các loại hình năng lượng được cho là có thể ảnh hưởng đến vấn đề an toàn lưới điện, ông nghĩ sao về việc này?

Sự quan tâm về an toàn lưới điện, quá tải lưới điện và truyền tải là hoàn toàn chính đáng. Những vấn đề này cần được giải quyết từ góc độ chính sách.

Chính phủ cần phải có một cách tiếp cận cân bằng. Tôi nghĩ vấn đề không phải do nguồn điện trong trường hợp này, dù là năng lượng tái tạo, than đá hay LNG. Xu thế chung không phát triển điện than, còn LNG chỉ là biện pháp tạm thời thay thế trong ngắn hạn.

Các nhà hoạch định chính sách cần có tầm nhìn vĩ mô, quyết định phát triển nguồn điện gì và đưa lên lưới khi nào. Ví dụ, tôi thấy nhiều công trình điện gió được xây dựng tại cùng vị trí với điện mặt trời và như vậy lưới điện có thể sẽ bị quá tải.

Vậy vấn đề đầu tư, nâng cấp lưới điện truyền tải trong bối cảnh đó thì sao, thưa ông?

Ông Edgar A. Gunther trả lời phỏng vấn tại Hội nghị Tương lai của ngành năng lượng mặt trời Việt Nam 2022. Ảnh: Ngọc Linh

Ông Edgar A. Gunther trả lời phỏng vấn tại Hội nghị Tương lai của ngành năng lượng mặt trời Việt Nam 2022. Ảnh: Ngọc Linh

Chúng tôi cũng mong đợi sớm có chính sách cho phép các nhà đầu tư được tham gia xây dựng hệ thống truyền tải điện. Lấy ví dụ, giống như đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông, chủ đầu tư bỏ tiền ra thực hiện dự án, khi hoàn thành thì thu phí cầu đường, sau đó là miễn phí… Nghĩa là, ngoài ý nghĩa về phát triển năng lượng sạch, bảo vệ môi trường, cũng cần xét đến khía cạnh hiệu quả kinh doanh của các khoản đầu tư.

Chính phủ tạo một môi trường đầu tư phù hợp và giám sát chặt chẽ thì sẽ có nhiều cơ hội hơn để phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Điện mặt trời có các yếu điểm là thời điểm giữa trưa bức xạ mặt trời vẫn cao nhưng các nhà máy thì tạm nghỉ, và buổi chiều tối khi nhu cầu sử dụng điện dân sự cao thì không có nắng. Điều này ảnh hưởng đến sự ổn định của lưới điện. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Hiện nay đã có các bộ lưu trữ năng lượng cho phép tích được lượng điện mặt trời dư thừa được tạo ra trong ngày để sử dụng vào thời điểm chiều muộn và tối.

Ngoài ra, về vấn đề này tôi nghĩ các nhà máy sẽ lên kế hoạch làm việc, thay ca nghỉ phù hợp để sử dụng tối đa điện mặt trời vào khoảng giữa trưa, như vậy sẽ tối ưu về chi phí và hiệu suất công việc.

Hiện nay giữa miền Bắc và miền Nam đang có sự mất cân đối về nguồn điện. Theo ông, sự điều tiết như thế nào là phù hợp trong giai đoạn hiện nay, nhất là theo cảnh báo của EVN rằng miền Bắc có thể sẽ thiếu điện vào cao điểm nắng nóng tới đây?

Theo tôi nghĩ, trong ngắn hạn rất khó giải quyết điều này. Việc nâng cấp lưới điện là cần thiết để điều tiết, phân phối cung cấp điện ở những nơi cần thiết trong cả nước. Ngoài ra, cách thức triển khai Quy hoạch điện 8 có thể giúp giảm sự mất cân đối trong tương lai.

Mặc dù phụ thuộc vào nguồn bức xạ, nhưng điện mặt trời có giá trị nhất khi được sử dụng ở nơi nó được tạo ra. Vì vậy, khi xem xét các giải pháp thay thế khác có sẵn tại nơi thiếu điện, nhiều địa phương ở miền Bắc thích hợp để phát triển năng lượng mặt trời, nhất là năng lượng mặt trời áp mái.

Chúng tôi đã xây dựng các hệ thống năng lượng mặt trời ở khu vực miền Bắc cho các khách hàng quan tâm đến việc sử dụng năng lượng sạch và tái tạo để đáp ứng các mục tiêu khí hậu của họ.

Cám ơn ông!

Tin liên quan

Đọc tiếp