Phát triển ngành dược để chủ động nguồn cung trong nước

dược phẩm DOANH NGHIỆP
23:53 - 01/10/2022
Phát triển ngành dược để chủ động nguồn cung trong nước
0:00 / 0:00
0:00
Về giải pháp hỗ trợ của Bộ Y tế cho các bệnh viện giải quyết tình trạng thiếu thuốc hiện nay, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết đang có chính sách khuyến khích doanh nghiệp dược trong nước sản xuất thuốc hiếm để chủ động nguồn cung trong nước.

Tại phiên họp báo thường kỳ tháng 9 của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã có câu trả lời báo chí về giải pháp hỗ trợ của Bộ Y tế cho các bệnh viện giải quyết tình trạng thiếu thuốc trong khi chưa sửa đổi Luật Đấu thầu.

Bên cạnh việc đôn đốc, hướng dẫn công tác mua sắm, đầu thầu tại các địa phương, Bộ Y tế cũng đang tập trung cấp phép, quản lý giá thuốc, trang thiết bị y tế, nhất là đối với các thuốc hiếm. Đẩy nhanh tiến độ các gói thầu đối với các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia cũng như danh mục thuốc đàm phán giá.

Trong thời gian qua, Bộ đã tổ chức đoàn kiểm tra, thanh tra để thúc đẩy mua sắm tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, qua đó hướng dẫn và tạo điều kiện hỗ trợ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện tốt hơn công tác mua sắm, đấu thầu.

Bộ Y tế cũng nghiên cứu để đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù về dự trữ đối với một số loại thuốc hiếm, thuốc cần thiết điều trị các bệnh hiếm gặp, để kịp thời phục vụ công tác mua sắm, điều trị tại các cơ sở y tế, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp dược trong nước sản xuất thuốc hiếm để chủ động nguồn cung trong nước.

Ngoài ra, Bộ cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc để theo dõi nguồn cung của thuốc, qua đó có căn cứ để điều tiết kịp thời việc nhập khẩu, kinh doanh thuốc, bảo đảm đủ thuốc cho quá trình điều trị.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương: Khuyến khích doanh nghiệp dược trong nước sản xuất thuốc hiếm để chủ động nguồn cung trong nước. Ảnh VGP

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương: Khuyến khích doanh nghiệp dược trong nước sản xuất thuốc hiếm để chủ động nguồn cung trong nước. Ảnh VGP

Ngành dược của Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển

Riêng đối với hoạt động nghiên cứu và sản xuất thuốc tại Việt Nam, trước đó, trong cuộc làm việc của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược cho biết Việt Nam hiện đang chi rất nhiều tiền để nhập khẩu thuốc phát minh, thuốc công nghệ cao, thuốc chuyên khoa, đặc trị.

Trong khi đó, thuốc trong nước chỉ chiếm 45% tổng giá trị tiền thuốc điều trị. Theo ông Cường, hiện nay, Việt Nam có 228 nhà máy sản xuất dược đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, trong đó 14,3% tự động hoá hoàn toàn, 68,1% có thiết bị tự động. Các doanh nghiệp dược phẩm chủ yếu đang tập trung sản xuất thuốc tương đương thuốc phát minh (thuốc generic), chưa chú trọng vào nghiên cứu sản xuất thuốc công nghệ cao, thuốc mới, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc phát minh…

Trong khi đó, tại thị trường dược Việt Nam, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành công nghiệp dược vào khoảng 10 - 12%. Tổng giá trị thuốc ước tính sử dụng là 6,92 tỷ USD vào năm 2021, tương đương 73 USD/người.

Theo dự báo của Fitch Solutions, chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam năm 2022 có thể đạt 22,4 tỷ USD. Đến 2031, con số này có thể đạt 37,7 tỷ USD, với tăng trưởng hàng năm khoảng 7,8%. Như vậy, dư địa để phát triển trong ngành dược cho các doanh nghiệp còn rất lớn.

Việt Nam đã nhập khẩu hơn 3,3 tỷ USD dược phẩm trong năm 2020, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm vào khoảng 9% trong giai đoạn 2018 - 2020. Kháng sinh vẫn là nhóm dược phẩm dẫn đầu về kim ngạch, hiện thị phần nhập khẩu của nhóm thuốc này chiếm khoảng 48,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu dược phẩm. Thị trường nhập khẩu thuốc chủ yếu từ các nước, như: Pháp, Đức, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Ý, Hàn Quốc, Bỉ…

Theo nhận định của các chuyên gia nghiên cứu thị trường, từ quý II/2022, sự phục hồi của ngành dược tuy vẫn duy trì ở nhịp độ chậm nhưng được dự báo sẽ duy trì trên đà phát triển trong các năm tới.

Còn một nghiên cứu của GMP Việt Nam cho thấy, 62% các chuyên gia và doanh nghiệp được khảo sát kỳ vọng thị trường dược phẩm 2022 cho tín hiệu tích cực hơn so với 2021, 12,5% dự báo thị trường này sẽ tăng trưởng mạnh mẽ.

Tin liên quan

Đọc tiếp