Phế phẩm gỗ có thể mang lại nửa tỷ USD xuất khẩu cho Việt Nam năm 2022

Viên nén Việt nAM
16:54 - 15/03/2022
Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu trên 413 triệu USD viên nén gỗ, tăng 17,3% so với năm 2020. Ảnh: PTP.
Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu trên 413 triệu USD viên nén gỗ, tăng 17,3% so với năm 2020. Ảnh: PTP.
0:00 / 0:00
0:00
Được sản xuất từ những phế phẩm ngành gỗ, viên nén gỗ có thể đem về từ 450 - 500 triệu USD giá trị xuất khẩu và dự kiến tiếp tục tăng trong năm 2022.

Việt Nam là thị trường cung viên nén đứng thứ hai trên giới

Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu trên 3,5 triệu tấn viên nén, đạt trên 412,98 triệu USD, tăng 9,2% về lượng và 17,3% về giá trị so với năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này chiếm gần 3% tổng giá trị xuất khẩu của ngành gỗ.

Với nhu cầu sử dụng ngày càng tăng tại các thị trường xuất khẩu chủ lực là Nhật Bản và Hàn Quốc, cùng với sự kiện các nước trên thế giới cam kết giảm lượng phát khí thải CO2 tại sự kiện COP26 vừa qua, hiện Việt Nam đã vươn lên là thị trường cung viên nén thứ hai trên thế giới sau Hoa Kỳ (đạt 1,05 tỷ USD).

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) đánh giá, viên nén nằm trong nhóm 5 mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất của ngành gỗ. Việt Nam đang là nước xuất khẩu viên nén lớn thứ hai thế giới và dự báo mặt hàng này sẽ tiếp tục tăng trưởng trong xu hướng sử dụng nhiên liệu sạch.

Hàn Quốc và Nhật Bản là hai thị trường chính tiêu thụ viên nén của Việt Nam và đều là những quốc gia đặt mục tiêu trở thành nước không khí thải từ năm 2050. Trong đó, viên nén dự kiến sẽ đáp ứng 38% tổng nhu cầu năng lượng tại Nhật Bản vào năm 2030.

Cả hai quốc gia này hiện đang chiếm tới 99,8% lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu viên nén của Việt Nam trong năm 2021. Một lượng rất nhỏ còn lại được xuất khẩu sang các thị trường khác như Kazakhstan, Trung Quốc…

Năm 2021, Hàn Quốc nhập 1,96 triệu tấn viên nén từ Việt Nam, tương đương 212,04 triệu USD, giảm 0,9% về lượng nhưng tăng 9,6% về giá trị so với năm 2020. Việt Nam xuất khẩu viên nén sang thị trường này chiếm 56% lượng và 51,3% kim ngạch xuất khẩu.

Nhật Bản nhập 1,53 triệu tấn trong năm 2021, tương đương 200,11 triệu USD, tăng 26,1% về lượng và 27% về giá trị so với năm 2020. Xuất khẩu viên nén vào Nhật chiếm 43,8% về lượng và 48,5% về giá trị.

Là một trong những đơn vị xuất khẩu viên nén gỗ với đơn hàng lớn, Công ty Cổ phần Smart Wood Việt Nam cho biết năm 2021, đơn hàng viên nén gỗ xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc đã tăng gấp 18 lần và năm 2022 đã ký với công ty Nhiệt điện Hàn Quốc đến tháng hết tháng 6.

Chia sẻ với MEKONG ASEAN về dự báo xuất khẩu mặt hàng này, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Viforest nhận định, viên nén gỗ là một trong 4 nhóm sản phẩm sẽ tăng trưởng tốt trong thời gian tới.

"Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của nhóm sản phẩm này còn tùy thuộc vào quyết tâm chính trị của các quốc gia trong việc cắt giảm phát thải. Hiện nay, viên nén gỗ chủ yếu là xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản để chạy máy phát điện, thời gian tới sẽ xuất khẩu sang châu Âu nhằm thay thế nhiên liệu hóa thạch”, ông Hoài cho biết.

Giá xuất khẩu viên nén ngày càng tăng

Theo thông tin của Viforest, giá viên nén xuất khẩu trung bình của Việt Nam trong năm 2021 tăng dần. Giá xuất sang thị trường Nhật Bản nằm trong khoảng từ 127 USD - 139 USD/tấn.

Trong khi giá xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng cao, nếu những tháng đầu năm (tháng 1 - tháng 4) giá ở mức dưới 100 USD/tấn thì những tháng cuối năm mức giá đã trên 110 USD/tấn, cao nhất vào tháng 12/2021 ở trung bình 134 USD/tấn, cao hơn giá xuất vào Nhật Bản khoảng 2 USD/tấn.

Hiệp hội Năng lượng Sinh học Thế giới đánh giá, thị trường viên nén gỗ toàn dự kiến ​​đạt 15,63 tỷ USD vào năm 2026, với tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm là 7,28% trong giai đoạn 2021 - 2026. Tại các thị trường châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc) và Châu Âu hiện nhu cầu ngày càng tăng đối với viên nén gỗ trong sản xuất năng lượng sạch.

Cũng theo đánh giá của Hiệp hội này, viên nén gỗ có tiềm năng thay thế than trong các cơ sở sản xuất điện. Với sự phát triển của công nghệ trong những năm gần đây, viên nén gỗ đã được nâng cấp nhiệt cho phép viên nén gỗ hoạt động như một loại nhiên liệu có đặc tính như than đá.

Hiện nay, tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có số lượng nhà máy điện than nhiều nhất thế giới được kỳ vọng sẽ là cơ hội để thị trường viên nén phát triển trong thời gian tới và là cơ hội cho các nhà máy sản xuất viên nén tại Việt Nam.

Tuy nhiên, Vifores cũng lưu ý ngành sản xuất và xuất khẩu viên nén đang tồn tại một số mặt hạn chế. Đầu vào nguyên liệu chưa được kiểm soát chặt chẽ về khía cạnh chất lượng và pháp lý. Một số cơ sở chế biến sử dụng nguyên liệu hỗn tạp, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Nguồn cung gỗ nguyên liệu đầu vào có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) hạn chế, trong khi đòi hỏi của thị trường xuất khẩu về mặt hàng có chứng chỉ ngày càng tăng. Do vậy, sản phẩm này đang có dấu hiệu cung lớn hơn cầu, dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp, bao gồm cả việc cạnh tranh không lành mạnh như chèn ép giá.

Tin liên quan

Đọc tiếp