Phía sau thương vụ SSI vay 440 triệu USD từ VietinBank

DOANH NGHIỆP Việt nAM
22:42 - 14/02/2022
SSI liên tục tiếp cận các định chế tài chính cả trong và ngoài nước.
SSI liên tục tiếp cận các định chế tài chính cả trong và ngoài nước.
0:00 / 0:00
0:00
Nhận thấy thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn bùng nổ, SSI đã liên tục bổ sung nguồn vốn để mở rộng kinh doanh. Việc công ty vay 440 triệu USD cho thấy tham vọng cạnh tranh trong thời gian tới, khi vừa để mất “ngôi vương” thị phần môi giới.

CTCP Chứng khoán SSI vừa ký hợp đồng vay vốn hạn mức 10.000 tỷ đồng (tương đương 440 triệu USD) với Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam - chi nhánh Hà Nội (VietinBank). Hợp đồng này có kỳ hạn không quá 12 tháng với mức lãi suất ngắn hạn theo thị trường.

Đây là hợp đồng hạn mức tín dụng có giá trị lớn nhất của SSI đến thời điểm hiện tại với một ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam. Trước đó, SSI đang là công ty chứng khoán tiếp cận được nguồn vốn tín chấp nước ngoài lớn nhất trong ngành chứng khoán - lên tới 267,5 triệu USD (tính riêng trong năm 2021).

Năm 2021, khi thị trường phát tín hiệu tích cực, SSI đã không ngừng gia tăng năng lực tài chính qua việc bổ sung nguồn vốn. Chỉ riêng năm qua, công ty chứng khoán này đã 4 lần tăng vốn điều lệ, từ 6.498 tỷ đồng lên 9.847 tỷ đồng. Trước đó, trong cuộc họp cổ đông thường niên năm 2021, SSI đã trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ công ty từ 6.498 tỷ đồng lên 11.000 tỷ đồng. Hơn 13 năm kể từ khi niêm yết trên sàn HoSE, đây là lần đầu tiên công ty trình kế hoạch chào bán cho cổ đông hiện hữu.

Tại cuộc họp này, ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch HĐQT SSI cho biết quyết định tăng vốn vì nhìn thấy cơ hội để tiêu được tiền và công ty sẽ kinh doanh tốt hơn với số tiền huy động mới. Cũng theo ông Hưng, muốn thị trường chứng khoán lớn mạnh, thành viên thị trường là các công ty chứng khoán cũng phải lớn. Nếu thành viên lớn nhất thị trường có vốn điều lệ dưới 10.000 tỷ đồng thì chứng khoán sẽ không thể trở thành kênh song song với kênh tín dụng ngân hàng.

Mặc dù chưa đạt được mức tăng vốn như kỳ vọng nhưng trong năm qua, SSI cũng đại thắng trên “mặt trận” kinh doanh với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 3.350 tỷ đồng. Đây là con số lợi nhuận cao kỷ lục của doanh nghiệp, vượt xa so với kế hoạch năm là 1.870 tỷ đồng và hơn gấp đôi so với kết quả 1.558 tỷ đồng của năm 2020. Đáng chú ý, công ty tiếp tục dẫn đầu thị trường về mảng cho vay ký quỹ với dư nợ margin tại thời điểm cuối năm 2021 đạt mức kỷ lục 22.716 tỷ đồng.

Điểm trừ lớn nhất của SSI trong năm 2021 chính là để vuột mất “ngôi vương” về thị phần môi giới chứng khoán sau 7 năm nắm giữ, về vị trí thứ hai với 11,05%. Công ty vượt qua SSI là Chứng khoán VPS với tỷ lệ 13,24%. Trong quá khứ, SSI và HSC luôn là hai cái tên dẫn đầu, nhưng cuộc đua hiện nay trở thành VPS và SSI.

Việc để thua một đối thủ mới nổi là kết quả không dễ “nuốt trôi” với SSI. Như Chủ tịch SSI từng nói: "Chúng tôi cần khoảng lặng để chuẩn bị cho kế hoạch tiếp theo của mình. Hồi năm 2007 - 2008, khi thị trường tăng đột biến, Công ty Chứng khoán Thăng Long lúc bấy giờ đã vượt lên giữ vị trí số 1. Khi đó chúng tôi cũng cần khoảng lặng để năm 2009 lấy lại thị phần... Chúng tôi không bao giờ thỏa mãn với số 2, chúng tôi phải nghĩ cách để có những bước đi vững chắc để tiến lên".

Trong phương án sử dụng nguồn vốn 440 triệu USD từ VietinBank, SSI cho biết sẽ tiếp tục phân bổ vào các hoạt động kinh doanh mang lại lợi nhuận cao và rủi ro thấp, các khoản đầu tư vào giấy tờ có giá từ các định chế tài chính, hoạt động tự doanh trái phiếu niêm yết… đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động nhằm cung cấp tới khách hàng của SSI chất lượng dịch vụ ngày càng hoàn thiện hơn.

Như vậy có thể thấy, việc tích cực “bơm vốn” của SSI không nằm ngoài mục tiêu mở rộng kinh doanh, thu hút khách hàng, lấy lại vị thế số 1 về thị phần môi giới chứng khoán. Ngoài ra, cũng phải kể đến “cuộc đua margin” (vay ký quỹ, cho khách hàng vay để đầu tư chứng khoán) của các công ty chứng khoán hiện nay. Theo dữ liệu thống kê của các công ty chứng khoán, tại thời điểm 31/12/2021, dư nợ cho vay tiếp tục lập kỷ lục với khoảng 193.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng lượng cho vay của 10 đơn vị dẫn đầu chiếm khoảng 65% toàn nhóm công ty chứng khoán, SSI xếp thứ nhất.

Theo quy định hiện hành, trần dư nợ margin bằng hai lần vốn chủ sở hữu. Do đó, nhiều đơn vị không thể giải ngân cho vay thêm vì đã hết room. Để lôi kéo khách hàng, các công ty chứng khoán không còn cách nào khác là gia tăng vốn điều lệ. Thời gian qua, rất nhiều công ty đã tăng vốn để giải “cơn khát” margin cho khách hàng. Tháng 11/2021, SSI cũng đã ban hành Nghị quyết trình Đại hội đồng cổ đông phương án tăng vốn điều lệ lên xấp xỉ 15.000 tỷ đồng thông qua chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Tuy nhiên sau đó có tin đồn SSI bị tạm ngưng cấp phép tăng vốn.

Trả lời về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Hà - Giám đốc tài chính SSI khẳng định: "Những đồn đại về việc SSI bị tạm ngưng cấp phép tăng vốn là không có căn cứ. Hiện tại, SSI đang tiến hành hoàn thiện hồ sơ tăng vốn để trình UBCKNN phê duyệt theo quy trình".

Tin liên quan

Đọc tiếp

Trong trường hợp lý tưởng nhất, PTI sẽ tăng vốn điều lệ gấp 3 lần lên 3.216 tỷ đồng. Ảnh: Minh Phong - Mekong ASEAN

ĐHĐCĐ PTI: Tăng vốn lên gấp 3 lần

ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của CTCP Bảo hiểm Bưu điện (HNX: PTI) được tổ chức ngày 24/4. Tại đây, cổ đông công ty sẽ thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có 2 tờ trình tăng vốn điều lệ lên gấp 3 lần.