Philippines ghi nhận kinh tế khởi sắc trước khi có tổng thống mới

KINH TẾ Philippines
18:11 - 12/05/2022
Ông Ferdinand "Bongbong" Marcos Jr sẽ tiếp quản một nền kinh tế vẫn đang phát triển nhanh chóng nhưng gánh nặng nợ ngày càng lớn. Ảnh: Nikkei Asia
Ông Ferdinand "Bongbong" Marcos Jr sẽ tiếp quản một nền kinh tế vẫn đang phát triển nhanh chóng nhưng gánh nặng nợ ngày càng lớn. Ảnh: Nikkei Asia
0:00 / 0:00
0:00
Nền kinh tế Philippines tăng trưởng 8,3% trong quý đầu tiên của năm 2022 so với một năm trước đó, do các hạn chế về đại dịch Covid-19 được nới lỏng đã giúp sức mua trong nước hồi sinh trở lại. 

Nikkei Asia đưa tin, theo thông báo của Cơ quan Thống kê Philippines, GDP quý I/2022 của Philippines ghi nhận tăng trưởng 8,3%. Tốc độ này nhanh hơn so với con số 7,8% của quý trước, tạo bước ngoặt lớn so với mốc 3,8% của cùng kỳ năm ngoái và đã vượt qua dự tính trung bình là 6,7% của các nhà kinh tế do BusinessWorld khảo sát.

Kết quả kinh tế quý I của Philippines được công bố chỉ 3 ngày sau khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống toàn quốc và sự chiến thắng của ứng viên Ferdinand "Bongbong" Marcos Jr, con trai độc nhất của cựu Tổng thống Ferdinand Marcos.

Ông Ferdinand Marcos Jr giành chiến thắng áp đảo về kết quả phiếu bầu bầu tổng thống Philippines hôm 9/5. Ảnh: Reuters
Ông Ferdinand Marcos Jr giành chiến thắng áp đảo về kết quả phiếu bầu bầu tổng thống Philippines hôm 9/5. Ảnh: Reuters

Trong chiến dịch tranh cử vừa qua, ông Marcos Jr cam kết sẽ duy trì các dự án cơ sở hạ tầng và các chính sách trật tự công cộng của Tổng thống sắp mãn nhiệm Rodrigo Duterte. Chính phủ Philippines đã dành 981 tỷ Peso (18,8 tỷ USD), tương đương 5% GDP, cho các dự án xây dựng và cải tạo cơ sở hạ tầng trong năm nay.

"Tính liên tục của các chính sách là điều quan trọng nhất trong quá trình chuyển đổi lãnh đạo đất nước", Thư ký kế hoạch kinh tế - xã hội Karl Kendrick T. Chua ngày 12/5 cho biết. "Để giải quyết một số mối lo ngại, chính quyền mới cần đưa ra chương trình nghị sự để mọi người hiểu rõ hơn và giảm bớt áp lực", ông nói.

Tăng trưởng kinh tế quý I của Philippines vượt xa dự báo. Nguồn: Cơ quan Thống kê Philippines/Bloomberg

Tăng trưởng kinh tế quý I của Philippines vượt xa dự báo. Nguồn: Cơ quan Thống kê Philippines/Bloomberg

Tuy nhiên, các nhà kinh tế dự báo, các khoản chi tiêu trong nước sẽ thắt chặt hơn sau năm 2022. Mức thuế suất doanh nghiệp thấp hơn đã đẩy doanh thu thuế giảm vào năm ngoái, làm tăng thâm hụt tài chính lên 8,5%. Tổng nợ chính phủ đã tăng lên hơn 60% GDP trong quý cuối cùng của năm 2021, so với mức dưới 40% trước đại dịch.

"Các nhà chức trách đang nghiên cứu sự phục hồi trong hoạt động kinh tế để giúp ngăn chặn chỉ số này lên tới 61% vào cuối năm. Ngay cả khi chúng tôi dự báo tăng trưởng và thu ngân sách sẽ cải thiện, chúng tôi vẫn cảnh báo cả thâm hụt và mức nợ nói chung vẫn ở mức cao một cách nguy hiểm ", ông Makoto Tsuchiya, thuộc Oxford Economics viết trong một ghi chép nghiên cứu.

Ông Marcos tuyên bố sẽ giảm chi phí hộ gia đình bằng cách trợ cấp gạo và áp đặt trần giá đối với mặt hàng lương thực thực phẩm. Các đợt trợ cấp đại dịch đang diễn ra đã đẩy mức thâm hụt trung bình hàng tháng của quý I/2022 lên 106 tỷ Peso (2,02 tỷ USD), gần gấp đôi so với mức trung bình 55 tỷ Peso (1,04 tỷ USD) trong năm 2019.

"Chi tiêu bổ sung ngân sách sẽ hỗ trợ sự phục hồi nền kinh tế, nhưng điều đó cũng thu hút sự chú ý của các cơ quan xếp hạng lớn", ông Tsuchiya cảnh báo. Các điều kiện tiền tệ toàn cầu ngày càng thắt chặt hơn và các cơ quan xếp hạng tín dụng hạ cấp sẽ làm tăng chi phí vay vốn cho các dự án của chính phủ.

Chính phủ Manila đang đặt mục tiêu tăng GDP từ 7- 9% trong năm nay và lần lượt 6% và 7% vào năm 2023 và 2024. Ông Chua cho biết, Philippines đang trên đà đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2022, nhưng nhiều khả năng sẽ không đạt được vị thế quốc gia có thu nhập trung bình trên trong năm nay. Theo tiêu chuẩn mà Ngân hàng Thế giới (WB) thiết lập năm 2021, nền kinh tế có mức thu nhập trung bình khi tổng thu nhập quốc dân (GNI) trên đầu người từ 4.046 USD đến 12.535 USD.

Theo nhà thống kê quốc gia Dennis Mapa, GDP quý I của Philippines tăng trưởng phần lớn là nhờ sản xuất, bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, vận chuyển và lưu kho. Ngoài ra, sức tiêu dùng hộ gia đình tăng 10,1%, chi tiêu chính phủ tăng 3,6%, trong khi kim ngạch xuất khẩu tăng 5,3%.

Ông Chua cũng nhấn mạnh chính quyền mới cần thận trọng về tài khóa để giữ xếp hạng tín dụng cao và quản lý các rủi ro bên ngoài cao bao gồm xung đột Ukraine, bình thường hóa chính sách tiền tệ ở Mỹ và tác động từ sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc.

“Điều đó sẽ đảm bảo rằng nền kinh tế Philippines sẽ là một con tàu vững vàng và sẵn sàng trước bất kỳ cơn bão nào sắp tới", ông nói.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Giá dầu và giá vàng thế giới tăng sau khi Israel được nghi đã tấn công Iran ngày 19/4/2024. Ảnh: The Star

Giá dầu tăng 3% sau tin Israel tấn công Iran

Tin tức về các cuộc tấn công được nghi là do Israel tiến hành gần căn cứ không quân ở thành phố Isafahan, miền trung Iran ngày 19/4 nổ ra, làm dấy lên lo ngại về xung đột mở rộng tại Trung Đông, đẩy giá dầu và giá vàng thế giới ngay lập tức gia tăng.
Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro. Ảnh: AP

Venezuela đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador

Ngày 16/4, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribbean (CELAC) đã ra lệnh đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador nhằm thể hiện sự đoàn kết với Mexico trong cuộc đối đầu ngoại giao với Ecuador.