Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng

CHÍNH SÁCH ĐẦU TƯ CÔNG
19:19 - 23/03/2023
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng. Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 23/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký quyết định giao Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương.

Tổ công tác được thành lập vào tháng 7/2021, với nhiệm vụ tổ chức rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành, địa phương. Giải thích, hướng dẫn thực hiện thống nhất quy định của pháp luật về đầu tư và các quy định liên quan nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy triển khai dự án đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.

Giúp Thủ tướng chỉ đạo, điều phối hoạt động giữa các bộ, ngành và địa phương để giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư; đề xuất hướng xử lý những vướng mắc thuộc chức năng của các cấp có thẩm quyền; đôn đốc, giám sát quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương.

Đồng thời, tham mưu cho Thủ tướng các cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm nắm bắt kịp thời cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới; chủ động tiếp cận, đàm phán với các Tập đoàn lớn, có công nghệ cao nhằm vận động, xúc tiến đầu tư.

Thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các dự án có chất lượng, quy mô vốn lớn, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, có sự lan tỏa, cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị, đầu tư vào các công đoạn có giá trị gia tăng cao gắn với hợp tác đào tạo nhân lực, nghiên cứu và phát triển; hỗ trợ, giải quyết các vướng mắc cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang tìm hiểu cơ hội đầu tư, mở rộng đầu tư tại Việt nam.

Các dự án thuộc phạm vi nhiệm vụ rà soát của Tổ công tác gồm dự án đầu tư công (bao gồm dự án ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài); dự án đầu tư kinh doanh (bao gồm dự án đầu tư trong nước và dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI); dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Tin liên quan

Đọc tiếp