Phú Thọ vào top các tỉnh dẫn đầu tăng trưởng xuất khẩu trong tháng 10

phú thọ XUẤT KHẨU
14:20 - 07/11/2022
Công nhân Công ty may Jakjin Phú Thọ.
Công nhân Công ty may Jakjin Phú Thọ.
0:00 / 0:00
0:00
Với tăng trưởng chủ yếu từ công nghiệp chế biến chế tạo và sản xuất nông nghiệp thuận lợi, tính chung 10 tháng, xuất khẩu của Phú Thọ ước đạt hơn 10,2 tỷ USD, tăng 59,8% so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội Phú Thọ tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2022, xuất, nhập khẩu của tỉnh tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là linh kiện điện từ và hàng dệt may. Mặt hàng nhập khẩu là các nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo.

Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tháng 10/2022 ước đạt hơn 1,2 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng tháng 9/2022. Tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa ước đạt 892,4 triệu USD, tăng 5,3%.

Trong 52/63 tỉnh thành trên cả nước tăng trưởng xuất khẩu, Phú Thọ là một trong 12 tỉnh thành tăng cao, trên 1 tỷ USD.

Tính chung 10 tháng, xuất khẩu ước đạt hơn 10,2 tỷ USD, tăng 59,8% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu ước đạt 9,5 tỷ USD, tăng 44,7%.

Kết quả trên đưa Phú Thọ đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 3/14 tỉnh miền núi phía bắc về giá trị kim ngạch xuất khẩu (sau Bắc Giang và Thái Nguyên).

Công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng mạnh

Có được kết quả xuất khẩu trên là nhờ các hoạt động từ ngành sản xuất công nghiệp và nông nghiệp của Phú Thọ.

Về sản xuất công nghiệp, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì tốt các đơn hàng và giải quyết hiệu quả khâu tiêu thụ sản phẩm. Qua đó tiếp tục đóng vai trò chủ đạo thúc đẩy toàn ngành công nghiệp tăng trưởng mạnh, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 đạt 116,1% so với cùng kỳ.

IIP của Phú Thọ tháng 10/2022 ước tính tăng 18,4% so với tháng trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,8%; ngành công nghiệp khai khoáng tăng 8,1%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 14,9%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 3,8%.

So với cùng kỳ năm trước, IIP tháng 10/2022 tăng 16,13%, tăng chủ yếu từ nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 15,83%).

Sau 10 tháng, chỉ số IIP của Phú Thọ tăng 11,12% so với cùng kỳ, trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng giảm 12,16%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,33%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 6,85%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 26,93%.

Sản xuất nông nghiệp góp phần duy trì ổn định kinh tế

Một động lực khác góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho xuất khẩu của Phú Thọ đến từ sản xuất nông nghiệp. Toàn tỉnh hiện cơ bản thu hoạch xong các loại cây trồng vụ mùa năm 2022. Diện tích lúa thu hoạch ước đến 15/10/2022 đạt 21,8 nghìn ha bằng 93,1% tổng diện tích gieo cấy; diện tích ngô vụ mùa thu hoạch đạt 4,3 nghìn ha; diện tích lạc thu hoạch đạt 637,1 ha; diện tích đậu tương thu hoạch đạt 29,9 ha; diện tích đậu các loại thu hoạch đạt 167,4 ha; diện tích rau xanh các loại thu hoạch đạt 4,6 nghìn ha.

Hoạt động chăn nuôi duy trì ổn định, dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ, không xuất hiện trên đàn gia súc, gia cầm. Tổng đàn trâu hiện có ước đạt 54,0 ngàn con, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm trước; tổng đàn bò ước đạt 100,5 ngàn con, giảm 0,7%; tổng đàn lợn ước đạt 745,9 ngàn con, tăng 9,3%; tổng đàn gia cầm ước đạt 15,7 triệu con, trong đó tổng đàn gà 14 triệu con, giảm 1,5%.

Sản lượng gỗ khai thác toàn tỉnh đến hết tháng 10/2022 ước đạt 642,2 ngàn m3 , tăng 3,9% so với cùng kỳ (riêng sản lượng gỗ khai thác trong tháng ước đạt 49,8 nghìn m3).

Tổng diện tích mặt nước thực tế nuôi trồng thuỷ sản ước đạt 11,2 ngàn ha, giảm 47,9 ha so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng và khai thác trong tháng 10/2022 ước đạt 4,0 nghìn tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ. Tính từ đầu năm, tổng sản lượng thu hoạch ước đạt 35,4 nghìn tấn tăng 3,9%.

Ngày 3/11, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty cổ phần Việt Nam Sunergy (VSUN) về việc triển khai Dự án nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh Cell (tấm pin) năng lượng mặt trời tại Khu công nghiệp Cẩm Khê.

VSUN thuộc Tập đoàn Fuji Solar, có vốn đầu tư Nhật Bản. Công ty hoạt động tại Việt Nam từ năm 2015, là doanh nghiệp công nghệ cao về sản xuất pin năng lượng mặt trời.

Dự án nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh Cell năng lượng mặt trời của VSUN được triển khai tại KCN Cẩm Khê với diện tích trên 13ha, tổng vốn đầu tư 200 triệu USD đã được Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong buổi làm việc này.

Theo đó, dự kiến dự án sẽ được khởi công trong tháng 1/2023, chính thức đi vào hoạt động tháng 10/2023. Dự án được đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại và thân thiện với môi trường, nằm trong danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao, sẽ tạo việc làm cho khoảng 700 lao động.

Tin liên quan

Đọc tiếp