'Quả ngọt' từ xuất khẩu chưa lan tỏa nhiều đến thị trường lao động

LAO ĐỘNG XUẤT KHẨU
17:41 - 22/11/2022
Biến xuất khẩu thành yếu tố kích thích thị trường lao động.
Biến xuất khẩu thành yếu tố kích thích thị trường lao động.
0:00 / 0:00
0:00
Theo các chuyên gia, xuất khẩu đang mang lại đóng góp lớn cho nền kinh tế nhưng lợi ích cho người lao động lại chưa tương xứng, trong khi thị trường lao động Việt Nam đang phục hồi giữa bối cảnh có nhiều biến động khó lường.

Đánh giá chung về thị trường lao động Việt Nam hiện nay tại Diễn đàn "Nhịp đập kinh tế Việt Nam 2022: Tiếp tục phục hồi kinh tế - các nhân tố thúc đẩy tăng trưởng", ngày 22/11, bà Nguyễn Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ LĐTB&XH) cho biết, 2022 được đánh giá là năm phục hồi tích cực của thị trường lao động, nhưng từ giai đoạn giữa năm trở đi xuất hiện nhiều dấu hiệu khó khăn. Đây là kết quả từ việc xuất khẩu giảm tốc, gây nguy cơ giãn việc, mất việc cho nhiều lao động.

"Xuất khẩu đã mang lại lợi nhuận về kinh tế tuy lớn nhưng lợi ích về phúc lợi, thu nhập cho người lao động trong ngành gia công, chế biến, chế tạo lại chưa được tương xứng".

Bà Nguyễn Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội

Cũng theo bà Hương, hiện nay xuất hiện xu hướng đảo ngược khi những ngành đang phát triển nhanh như may mặc, da giày, chế biến chế tạo, logistics lại có tốc độ giảm lao động cao hơn các ngành nghề khác. Điều này cho thấy xuất khẩu đang thiếu đi vai trò tạo ra việc làm cho lực lượng lao động.

Một khía cạnh khác cũng chịu tác động của xuất khẩu là năng suất lao động. Về khía cạnh này, TS. Đặng Thị Thu Hoài, Trưởng ban nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương (Bộ KH&ĐT) khẳng định, vai trò của xuất khẩu có tác động tích cực đến tăng năng suất lao động.

Tuy nhiên, bà Hoài cũng chỉ ra một điểm đáng lưu ý, tốc độ tăng năng suất lao động ngành công nghiệp chế biến chế tạo so với tốc độ tăng năng suất lao động cả nước đang giảm từ 1,2 lần xuống 1,09 lần.

“Điều đó có nghĩa là nếu tiếp tục phát triển ngành công nghiệp chế biến chế tạo theo hướng hiện nay, phụ thuộc nguyên liệu đầu vào và thị trường xuất khẩu, thì tốc độ tăng năng suất sẽ còn tiếp tục giảm. Đây là dẫn chứng cho thấy xuất khẩu chưa tạo được tác động lớn cải thiện năng suất lao động”, TS. Đặng Thị Thu Hoài, nhấn mạnh.

Trong khi đó, năng suất lao động là yếu tố đảm bảo tăng trưởng kinh tế trung và dài hạn. Đây cũng là yếu tố liên quan trực tiếp đến thu nhập, phúc lợi của người lao động và tăng trưởng của doanh nghiệp.

Thảo luận phiên thị trường lao động tại Diễn đàn.

Thảo luận phiên thị trường lao động tại Diễn đàn.

Cần nhiều hơn chính sách phản ứng với những biến động mới

Từ góc độ người từng làm chính sách về lao động nhiều năm, bà Nguyễn Lan Hương cho biết, thị trường lao động từ năm 2010 chia làm hai giai đoạn 2010 – 2018 và từ 2018 – đến nay. “Trong giai đoạn thứ hai, thị trường lao động đã ảm đạm hơn nhiều, Covid-19 tác động tiêu cực đến lao động về cả chiều rộng (việc làm, giờ làm) và chiều sâu (lương, thu nhập, chất lượng cuộc sống)”, bà Hương nhận định.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, quý II/2022, Việt Nam mới chỉ đạt 52 triệu lao động trong khi năm 2018 đã có 54 triệu lao động.

“Chính phủ đã có những phản ứng kịp thời ứng phó với Covid-19 với Chương trình phục hồi lao động. Nhưng nếu không có sự điều chỉnh mạnh tay hơn nữa, có thể dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện xu hướng cắt giảm tiền lương, cắt giảm việc làm, sụt giảm an sinh phúc lợi cho đến khi doanh nghiệp phục hồi, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu”, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội khuyến nghị.

Theo vị chuyên gia này, Covid-19 đã mở ra nhiều yêu cầu chuyển đổi công nghệ, tự động hóa khiến nhóm lao động tay nghề thấp sẽ bị sa thải nhiều, trong khi đào tạo lao động chưa thực sự được chú trọng tương xứng.

Cùng với đó, xu hướng việc làm xanh, việc làm tuần hoàn, việc làm online đã tạo ra nhiều biến động lớn cho thị trường lao động. Chính sách cho các hình thức việc làm mới này đã được đề cập nhưng chưa thích đáng.

Bà Hương cũng cho rằng, cần nhiều hơn chính sách nâng cấp thị trường lao động. Nhất là sau Covid-19, quản lý thị trường lao động còn nhiều điểm chưa thống nhất. Thị trường lao động như bê con đi theo bê mẹ trong nền kinh tế, do đó cần nhiều hơn chính sách dẫn dắt của Chính phủ”, bà Nguyễn Lan Hương ví von.

Doanh nghiệp xuất khẩu may mặc chênh vênh đơn hàng

Là doanh nghiệp lâu năm trong ngành may mặc, có nhiều thị trường lớn nhưng ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cũng thừa nhận tình hình xuất khẩu thời gian tới sẽ có nhiều khó khăn, khó dự báo trước.

Năm ngoái, ngành may đã xác định 2022 là năm nhiều cơ hội để bùng nổ. Điều ấy không sai cho đến hết tháng 6 của năm nay. Từ nửa cuối năm 2022, tùy doanh nghiệp tùy sản phẩm đã bắt đầu thiếu đơn hàng từ tháng 7. Có thể dự báo, từ quý I – II/2023 là giai đoạn khó khăn đối với ngành may mặc”, ông Việt nhận định.

Theo ông Việt, Việt Nam đang trong top 4 nước có tỷ trọng xuất khẩu ngành may mặc lớn nhất thế giới. Vị trí đứng đầu là Trung Quốc, Việt Nam – Bangladesh thay phiên nhau ở top 2, thứ ba là Ấn Độ. Gần đây một số nước châu Phi cũng đang nổi lên vì lợi thế nguyên phụ liệu và khoảng cách địa lý.

Tuy nhiên, Việt Nam hiện nay không còn khái niệm lao động giá rẻ trong ngành may, do đó, cần tìm các thế mạnh về nâng cao năng suất lao động để cạnh tranh cho ngành may mặc.

Tin liên quan

Đọc tiếp