Quan chức EU tuyên bố khối không sợ Nga cắt khí đốt

NĂNG LƯỢNG CHÂU ÂU
19:50 - 04/09/2022
Ông Paolo Gentiloni, Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của EU. Ảnh: Getty Images
Ông Paolo Gentiloni, Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của EU. Ảnh: Getty Images
0:00 / 0:00
0:00
Quan chức EU ngày 3/9 tuyên bố, khối này "sẵn sàng phản ứng" trước kịch bản Nga ngừng cung cấp hoàn toàn khí đốt, trong bối cảnh Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga hôm 2/9 ngừng vô thời hạn các dòng khí đốt đến châu Âu qua đường ống Nord Stream 1. 

"Chúng tôi kỳ vọng Nga sẽ tôn trọng các hợp đồng mà họ đã ký. Nhưng ngay cả khi việc vũ khí hóa năng lượng vẫn tiếp tục hoặc gia tăng để đáp trả các quyết định của chúng tôi, tôi nghĩ rằng Liên minh châu Âu (EU) đã sẵn sàng phản ứng", CNBC dẫn phát biểu của ông Paolo Gentiloni, Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của EU, tại Diễn đàn Ambrosetti ở Italy hôm 3/9.

"Tất nhiên, chúng ta phải tiết kiệm cũng như chia sẻ năng lượng. Chúng ta có mức dự trữ năng lượng cao nên không cần phải sợ hãi quyết định của Tổng thống Nga Putin", ông Gentiloni nhấn mạnh.

Ông Paolo Gentiloni tuyên bố EU sẽ sẵn sàng hành động nếu Nga không tôn trọng hợp đồng khí đốt. Ảnh: Kuwait Times

Ông Paolo Gentiloni tuyên bố EU sẽ sẵn sàng hành động nếu Nga không tôn trọng hợp đồng khí đốt. Ảnh: Kuwait Times

Ông cũng cho biết: “Chúng ta đã yêu cầu Tổng thống Nga Putin tôn trọng hợp đồng của họ nhưng nếu họ không tôn trọng hợp đồng thì chúng ta sẵn sàng hành động”. Tuy nhiên, quan chức này không nêu chi tiết những động thái mà EU có thể triển khai.

Tuyên bố của ông Paolo Gentiloni được đưa ra sau khi Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom ngày 2/9 thông báo đóng vô thời hạn đường ống Nord Stream 1 đưa khí đốt từ Nga tới Đức qua biển Baltic. Tập đoàn này cho biết, các thanh tra viên đã phát hiện các vết rò rỉ trên đường ống dẫn dầu và tuyên bố không thể hoạt động an toàn cho đến khi nó được sửa chữa.

"Việc vận chuyển khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 đã bị dừng lại hoàn toàn cho đến khi các vấn đề về hoạt động của thiết bị được khắc phục", Gazprom thông báo.

Tập đoàn Gazprom tuyên bố khóa nguồn cung khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 do phát hiện sự cố rò rỉ. Ảnh: Reuters

Tập đoàn Gazprom tuyên bố khóa nguồn cung khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 do phát hiện sự cố rò rỉ. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, Gazprom không nêu thời gian cụ thể để khôi phục nguồn cung khí đốt qua Nord Stream 1. Quyết định khóa vô thời hạn đường ống này đưa ra vài giờ sau khi Các Bộ trưởng Tài chính của Nhóm G7 nhất trí áp mức giá trần đối với dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ có xuất xứ từ Nga.

Theo ông Gentiloni, "dự trữ khí đốt hiện tại của EU đang ở mức khoảng 80%, nhờ sự đa dạng hóa nguồn cung cấp". Ông cũng nhận định rằng khối 27 thành viên đã nỗ lực trong những tháng gần đây và hiện tại có thể làm được nhiều hơn thế.

"Mục đích của EU là theo đuổi chiến lược về một châu Âu thống nhất và chống lại việc sử dụng vũ khí kinh tế để tấn công Ukraine. Chúng tôi không tham gia vào cuộc chiến, không tham gia vào việc leo thang quân sự. Chúng tôi chỉ đang hỗ trợ Ukraine. Chúng tôi phải làm điều đó ngay bây giờ với một cách hiệu quả hơn", ông Gentiloni nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo bình luận của CNBC, việc ngừng khí đốt từ Nga khiến EU rơi vào tình thế ngặt nghèo khi bắt đầu bước vào mùa thu và mùa đông. Ngay từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine hồi cuối tháng 2, EU đã tìm cách giảm và loại bỏ dần việc nhập khẩu khí đốt của Nga. Tuy nhiên, ngay cả khi tìm kiếm các thị trường thay thế, khối này vẫn phụ thuộc một phần vào nguồn cung của Nga.

Khối đã kêu gọi tất cả các nước thành viên tự nguyện giảm mức tiêu thụ khí đốt tương ứng của họ xuống 15% vào mùa thu và các tháng mùa đông nhằm tiết kiệm nguồn cung.

Thượng nghị sỹ Mỹ Lindsey Graham, cũng phát biểu tại Diễn đàn Ambrosetti, cho biết, tình trạng thiếu hụt năng lượng dự kiến ​​vào mùa đông tới là “rất bất tiện cho châu Âu”. Ông khẳng định: "Chúng tôi (Mỹ) sẽ làm việc với các bạn để tìm ra các giải pháp thay thế cho khí đốt của Nga. Chúng tôi có thể quyết định càng sớm thì thế giới càng an toàn và châu Âu ổn định hơn”.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Giá dầu và giá vàng thế giới tăng sau khi Israel được nghi đã tấn công Iran ngày 19/4/2024. Ảnh: The Star

Giá dầu tăng 3% sau tin Israel tấn công Iran

Tin tức về các cuộc tấn công được nghi là do Israel tiến hành gần căn cứ không quân ở thành phố Isafahan, miền trung Iran ngày 19/4 nổ ra, làm dấy lên lo ngại về xung đột mở rộng tại Trung Đông, đẩy giá dầu và giá vàng thế giới ngay lập tức gia tăng.
Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro. Ảnh: AP

Venezuela đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador

Ngày 16/4, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribbean (CELAC) đã ra lệnh đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador nhằm thể hiện sự đoàn kết với Mexico trong cuộc đối đầu ngoại giao với Ecuador.