Quân đội Nga nâng cấp hệ thống vũ khí chống lại tên lửa HIMARS

chiến sự Nga - Ukraine
07:48 - 03/12/2022
Hệ thống HIMARS gồm nhiều tên lửa hạng nhẹ được lắp vào một xe tải. Ảnh: US ARMY
Hệ thống HIMARS gồm nhiều tên lửa hạng nhẹ được lắp vào một xe tải. Ảnh: US ARMY
0:00 / 0:00
0:00
Hôm 2/12, một chỉ huy quân đội Nga cho biết lực lượng vũ trang của nước này hiện giờ không gặp vấn đề gì trong việc phát hiện và tiêu diệt các tên lửa HIMARS do Mỹ sản xuất nhờ vào một phần mềm mới.

Theo hãng tin RIA Novosti trích dẫn từ một chỉ huy quân sự Nga giấu tên đang phục vụ tại vùng Zaporozhye cho rằng, lực lượng Ukraine vốn sử dụng các khí tài từ thời Liên Xô trong các đợt giao tranh lúc trước. Tuy nhiên hiện tại họ đã chuyển sang sử dụng các vũ khí do các nước NATO, đặc biệt là Mỹ cung cấp. Trong số đó có tên lửa HIMARS.

Bất chấp sự nâng cấp này từ phía Ukraine, vị chỉ huy này nhận định các hệ thống phòng không của Nga sẽ không gặp phải bất cứ vấn đề nào quá đáng kể. Nguyên nhân là do “một bản cập nhật chương trình mới” có thể giúp nước này phát hiện và dễ dàng đẩy lùi các cuộc tấn công của HIMARS.

Theo hãng tin RT trích dẫn lời chia sẻ của vị chỉ huy này: “Bây giờ chúng tôi không gặp vấn đề gì trong việc phát hiện, theo dõi và tiêu diệt” tên lửa HIMARS. Ngoài ra, ông cũng cho biết thêm rằng đơn vị của ông đã hạ được khoảng 10 tên lửa HIMARS với 4 trong số đó là từ tháng 11.

Các cập nhật này từ phía quân đội Nga xảy ra trong bối cảnh Ukraine đang liên tục nhận được các gói viện trợ kỷ lục từ phía Mỹ cũng như các đồng minh châu Âu. Sau khi Nga chính thức khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine một lượng lớn khí tài quân sự trị giá khoảng 19 tỷ USD. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, tính đến ngày 23/11, Washington đã cam kết hỗ trợ Kiev 38 tên lửa HIMARS và các khí tài liên quan.

Tới ngày 1/12, Lầu Năm Góc tiếp tục trao hợp đồng sản xuất bệ phóng HIMARS trị giá 431 triệu USD cho Lockheed Martin nhằm “đáp ứng nhu cầu hỗ trợ cấp thiết” cho Quân đội Hoa Kỳ và các đối tác nước ngoài của Washington. Thương vụ ước tính sẽ hoàn tất vào cuối năm 2025.

Đồng thời, tập đoàn quốc phòng Raytheon cũng đã được trao hợp đồng trị giá 1,2 tỷ USD để sản xuất 6 hệ thống tên lửa phòng không tầm trung NASAMS cho Ukraine.

6 hệ thống NASAMS này nằm trong gói viện trợ thứ 5 của Mỹ cho Ukraine với tổng trị giá vào ngưỡng 2,98 tỷ USD trong khuôn khổ “Sáng Kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine” hay USAI. Việc sản xuất các hệ thống này sẽ được tiến hành ở Tewksbury thuộc bang Massachusetts và được ước tính sẽ hoàn thành ngày 28/11/2025.

Phản ứng lại các động thái này, các quan chức Nga đã nhiều lần đưa ra cảnh báo chống lại việc phương Tây bơm vũ khí cho Ukraine. Theo Moscow, điều này sẽ chỉ kéo dài cuộc xung đột và tăng nguy cơ đụng độ trực tiếp giữa NATO và Nga.

Trong khi đó, hãng thông tấn Reuters cho biết Liên Hợp Quốc đang chỉ định một nhóm điều tra gồm 3 chuyên gia để quyết định xem liệu việc Nga tấn công các cơ sở hạ tầng năng lượng tại Ukraine khi mùa đông tới gần có được coi như là một tội ác chiến tranh hay không.

Sau khi cuộc tấn công mà phía Nga gọi là khủng bố cầu Crimea xảy ra, quân đội nước này đã liên tục bắn phá các cơ sở năng lượng của Ukraine, khiến 1 nửa lưới điện của nước này bị hư hại. Theo các tuyên bố từ phía Nga, các cuộc không kích là nhằm vào mục tiêu suy giảm khả năng tấn công và buộc Kiev ngồi vào bàn đám phán.

Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Vladimir Zelensky lại cáo buộc ngược lại rằng đây chính là "một tội ác" và Nga phải trả giá cho điều đó.

Đọc tiếp