Quốc hội bắt đầu 2 ngày thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách

KINH TẾ QUỐC HỘI
07:50 - 27/10/2022
0:00 / 0:00
0:00
Tiếp tục Kỳ họp thứ 4, ngày 27/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách Nhà nước năm 2022 và dự kiến kế hoạch năm 2023, trong đó có vấn đề tăng mức lương cơ sở.

Cụ thể, trong hai ngày (27-28/10), Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách Nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023.

Trong đó có Kế hoạch tài chính – ngân sách Nhà nước 3 năm 2023-2025, tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý.

Cùng với nội dung này, chiều ngày 28/10, Quốc hội cũng sẽ thảo luận về việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM.

Trong phiên thảo luận, các thành viên Chính phủ sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV
Toàn cảnh Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Trước đó, ngày 20/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Trong đó cho biết, tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2022 đạt 8,83% - cao nhất kể từ năm 2011 đến nay, nhất là quý III tăng tới 13,67%. Các khu vực của nền kinh tế và hầu hết các địa phương trên cả nước đều có tốc độ phục hồi và tăng trưởng cao.

Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, bình quân tăng 2,72% so với cùng kỳ năm trước. Trong 9 tháng, có trên 163.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tăng 33,6% so với cùng kỳ, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Chính phủ cũng dự kiến năm nay sẽ đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu Quốc hội giao.

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia được tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện. Trong 9 tháng đã thực hiện được hơn 60.000 tỷ đồng, chiếm hơn 20% tổng số vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và giao kế hoạch vốn chi tiết 03 Chương trình mục tiêu quốc gia khoảng 92 nghìn tỷ đồng, đạt 92% kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức. Cụ thể như hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do giá xăng dầu, nguyên liệu, vật tư đầu vào, chi phí sản xuất cao.

Xuất hiện tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ trong một số ngành, lĩnh vực tại một số địa phương là trung tâm công nghiệp trọng điểm, áp lực lớn lạm phát từ bên ngoài; nghỉ việc trong khu vực công có xu hướng gia tăng. Các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro.

Về vấn đề cải cách tiền lương, Chính phủ cũng đã đề xuất Quốc hội chưa thực hiện cải cách tiền lương trong năm 2023, nhưng từ ngày 1/7/2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng (khoảng 20,8%); tăng chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách đảm bảo khoảng 12,5%.

Hỗ trợ thêm đối với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; tăng chi trợ cấp ưu đãi người có công và tăng chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở khoảng 20,8%. Từ ngày 1/1/2023, điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở. Chính phủ đề xuất dành 12.500 tỷ đồng để tăng lương từ 1/7/2023.

Theo tổng hợp thảo luận tổ, các đại biểu Quốc hội nhất trí với phương án tăng lương cơ sở này.

Đọc tiếp