Quốc hội sẽ bàn thảo về các dự án giao thông trọng điểm quốc gia

QUỐC HỘI Việt nAM
15:45 - 05/06/2022
Quốc hội sẽ bàn thảo về các dự án giao thông trọng điểm quốc gia
0:00 / 0:00
0:00
Tuần làm việc từ ngày 6-10/6 của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV sẽ bước vào các phiên chất vấn và trả lời chất vấn 4 nhóm vấn đề nông nghiệp; tài chính; ngân hàng; giao thông vận tải, trong đó Quốc hội thảo luận về các dự án giao thông trọng điểm.

Trên cơ sở kết quả xin ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất 4 nhóm vấn đề chất vấn nói trên. Trong tuần, các đại biểu Quốc hội cũng sẽ nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1); Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và dự án đường Vành đai 3 TP HCM. Sau đó các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận về các nội dung này.

Ngoài ra, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo; dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Đồng thời biểu quyết Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Theo kế hoạch, ngày 6/6, buổi sáng Quốc hội sẽ nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa -Vũng Tàu (giai đoạn 1); Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 TP HCM. Sau đó Quốc hội thảo luận ở tổ về 2 nội dung trên.

Đến buổi chiều, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023; đồng thời Quốc hội thảo luận ở hội trường về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.

Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Trong đó, dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đóng vai trò quan trọng với việc phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo bản kế hoạch mới nhất của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), dự kiến Dự án có chiều dài hơn 188 km, đi thẳng từ khu vực cửa khẩu Châu Đốc, tỉnh An Giang vào trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối qua tỉnh Hậu Giang về cảng Trần Đề của tỉnh Sóc Trăng, cách Quốc lộ 91 từ 10 - 20 km.

Bộ GTVT đề xuất chia Dự án thành 6 dự án thành phần để chuẩn bị và triển khai đầu tư cùng thời điểm, cùng được bố trí vốn để triển khai theo kế hoạch nên sẽ hoàn thành đồng thời và khai thác đồng bộ toàn tuyến.

Theo Bộ GTVT, nhu cầu vốn của Dự án trong giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 31.405 tỷ đồng (khoảng 70% tổng mức đầu tư), phần còn lại khoảng 13.619 tỷ đồng (khoảng 30% tổng mức đầu tư) chuyển tiếp bố trí giai đoạn 2026 - 2030.

Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột. Ảnh: daklak.gov.vn
Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột. Ảnh: daklak.gov.vn

Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài 117,5 km, trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh Khánh Hòa khoảng 32,7 km, qua địa phận tỉnh Đắk Lắk khoảng 84,8 km. Được đầu tư với quy mô hoàn chỉnh 4 làn xe, nền đường rộng 24,75 m, tiến trình đầu tư dự kiến hoàn thành trước năm 2030.

Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 21.935 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng tái định cư là 2.300 tỉ đồng. Dự án gồm 3 dự án thành phần, trong đó có 2 dự án thành phần thuộc địa bàn tỉnh Đắk Lắk, tổng chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư hai dự án thành phần này khoảng 1.833 tỉ đồng. Hiện dự án đang trong giai đoạn giải phóng và bồi thường mặt bằng.

Sơ đồ dự kiến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Sơ đồ dự kiến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Về dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 53,7km đi qua 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, đoạn đi qua địa bàn tỉnh có chiều dài hơn 34km.

Trong giai đoạn 1, dự án được đầu tư xây dựng với quy mô 4-6 làn xe, giải phóng mặt bằng một lần quy mô 6-8 làn xe theo quy hoạch. Tổng mức đầu tư của dự án là gần 18.000 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công. Dự án sẽ chuẩn bị đầu tư trong năm 2022, cơ bản hoàn thành vào năm 2025 và đưa vào khai thác vào năm 2026.

Dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 19.610 tỷ đồng, gồm phần vốn của nhà đầu tư khoảng 12.980 tỷ đồng, phần vốn nhà nước gần 6.630 tỷ đồng cho bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư.

Sơ đồ tuyến đường Vành đai 4 đi qua các tỉnh và TP Hà Nội.
Sơ đồ tuyến đường Vành đai 4 đi qua các tỉnh và TP Hà Nội.

Về tiến độ dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, theo Chủ trương đầu tư của Chính phủ, tuyến đường dài khoảng 112,8 km (gồm 103,1 km đường vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long). Trong đó, đoạn qua địa phận Hà Nội dài 58,2 km; Hưng Yên dài 19,3 km; Bắc Ninh dài 25,6 km và tuyến nối 9,7 km.

Dự án sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng theo quy mô mặt cắt ngang hoàn chỉnh với bề rộng từ 90-135 m, thực hiện đầu tư phân kỳ với quy mô phân kỳ 4 làn xe cao tốc hạn chế, tốc độ thiết kế 80km/h với bề rộng mặt cắt ngang là 17 m.

UBND TP Hà Nội đề xuất đầu tư xây dựng phần đường song hành 2 bên qua đô thị, khu dân cư (bố trí không liên tục) quy mô mỗi bên rộng 12 m; tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng 1.341 ha.

Sơ đồ tuyến Vành đai 3 TP HCM. Ảnh: ttbc-hcm.gov.vn

Sơ đồ tuyến Vành đai 3 TP HCM. Ảnh: ttbc-hcm.gov.vn

Về tuyến đường Vành đai 3 TP HCM, theo Quyết định số 1697/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, quy mô của đường Vành đai 3 gồm đường cao tốc vành đai mặt cắt ngang 6-8 làn xe cao tốc vận tốc thiết kế 100 km/ giờ và đường song hành hai bên.

Dự án có tổng chiều dài đầu tư khoảng 76,3 km, đi qua địa bàn các tỉnh, thành phố Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Tổng mức đầu tư sơ bộ giai đoạn 1 khoảng 75.378 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 41.589 tỷ đồng; chi phí xây lắp và thiết bị là 25.945 tỷ đồng; còn lại là chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí dự phòng.

Tin liên quan

Đọc tiếp