Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù cho Buôn Ma Thuột

Buôn Ma Thuột QUỐC HỘI
09:53 - 15/11/2022
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù phát triển Buôn Ma Thuột. Ảnh: Quochoi
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù phát triển Buôn Ma Thuột. Ảnh: Quochoi
0:00 / 0:00
0:00
Sáng 15/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Có 470 đại biểu tán thành thông qua Nghị quyết, chiếm 94,38 %.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết.

Về ý kiến đề nghị cân nhắc việc ban hành Nghị quyết vì hiện nay Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW (Nghị quyết số 23), ông Cường cho biết, việc ban hành Nghị quyết thí điểm chính sách đặc thù đối là để thực hiện chủ trương, định hướng phát triển TP Buôn Ma Thuột theo đúng Kết luận số 67 của Bộ Chính trị, phù hợp với điều kiện, thế mạnh của thành phố và chủ trương của Bộ Chính trị; đồng thời cũng góp phần thể chế hóa Nghị quyết số 23.

Tại các Nghị quyết Quốc hội về thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù, Quốc hội đều giao Chính phủ có trách nhiệm tổ chức sơ kết 3 năm và tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết và báo cáo Quốc hội.

Qua báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 và sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các TP HCM và Hà Nội tại Kỳ họp thứ 4 cho thấy, nhiều chính sách thí điểm đã phát huy tác dụng, mang lại kết quả quan trọng, góp phần tạo nền tảng để các địa phương phát triển nhanh, bền vững; nhất là những chính sách về quản lý đất đai, tài chính - ngân sách và đầu tư.

Chính phủ sẽ tiếp tục sơ kết, tổng kết các Nghị quyết thí điểm khác đã được Quốc hội ban hành để báo cáo Quốc hội theo tiến độ quy định.

Đối với ý kiến phạm vi chính sách tại Dự thảo Nghị quyết còn hạn chế, đề nghị bổ sung các chính sách nhằm góp phần phát triển Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, UBTVQH xin được giữ phạm vi chính sách thí điểm như dự thảo với các lý do:

Thực hiện Kết luận số 67 của Bộ Chính trị về phạm vi, quy mô của các chính sách, trong số 10 nhóm nhiệm vụ tại Kết luận, có 5 nhóm chính sách thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội đã được thể hiện đầy đủ trong Dự thảo Nghị quyết, bảo đảm tính tương đồng với các tỉnh có cơ chế đặc thù trong cả nước, đồng thời phát huy thế mạnh của địa phương.

Ngoài chính sách thí điểm thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động để thực hiện Kết luận số 67 .

Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23, theo đó các cơ chế, chính sách đặc thù cho Vùng sẽ được xây dựng trong thời gian tới và cùng với Nghị quyết này sẽ tạo khung chính sách ưu đãi tương đối toàn diện để TP Buôn Ma Thuột phát triển thành cực tăng trưởng, kích hoạt cho cả Vùng phát triển.

Việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho một đơn vị hành chính cấp huyện là vấn đề mới, chưa có tiền lệ; mặt khác, các chính sách cần tương thích với khả năng hấp thụ và tổ chức thực hiện.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường. Ảnh: Quochoi

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường. Ảnh: Quochoi

Về các chính sách ưu đãi thuế, thu hút chuyên gia; một số ý kiến đề nghị cân nhắc về phạm vi, mức ưu đãi, thời gian áp dụng, xác định rõ đối tượng được hưởng ưu đãi và cần tăng cường quản lý thuế, tránh lợi dụng gây thất thu cho ngân sách.

Theo UBTVQH, chính sách ưu đãi đầu tư trong Dự thảo Nghị quyết chỉ áp dụng đối với dự án mới (được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời gian Nghị quyết này có hiệu lực thi hành) trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột thuộc những ngành, lĩnh vực cần thu hút theo định hướng của Bộ Chính trị tại Kết luận số 67.

Trong quá trình thẩm định, xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư của dự án, UBND tỉnh Đắk Lắk chịu trách nhiệm chỉ đạo lấy ý kiến thẩm định đầy đủ của các cơ quan liên quan; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật, tránh lợi dụng chính sách.

Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ, tránh lợi dụng pháp luật để gian lận, trốn thuế, tiếp thu ý kiến đại biểu, UBTVQH xin bổ sung khoản 1 Điều 7 trong Dự thảo Nghị quyết nội dung: “Giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương theo dõi, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật đối với hoạt động của các doanh nghiệp, dự án được hưởng ưu đãi về thuế theo quy định tại Nghị quyết này để có các giải pháp ngăn chặn việc lợi dụng chính ưu đãi”.

Thay mặt UBTVQH, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu nêu liên quan đến chính sách quản lý tài chính, ngân sách nhà nước và quản lý quy hoạch; quy định ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt; các giải pháp bảo đảm quốc phòng, an ninh khi thực hiện các chính sách thí điểm; thời gian áp dụng nghị quyết...

Tin liên quan

Đọc tiếp