'Quy định rõ hơn quyền hạn, trách nhiệm để đảm bảo quyền lợi người sử dụng đất'

Đất Đai Việt nAM
22:54 - 30/09/2022
Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với chủ đề "Những định hướng chính sách lớn về đảm bảo quyền của người sử dụng đất". Ảnh: Hữu Thắng
Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với chủ đề "Những định hướng chính sách lớn về đảm bảo quyền của người sử dụng đất". Ảnh: Hữu Thắng
0:00 / 0:00
0:00
Theo GS. Lê Minh Tâm, nguyên Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, xung quanh chuyện Nhà nước thu hồi đất, cần có quy định rõ hơn về quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền, đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất.

Phát biểu tại Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Hội Luật gia tổ chức với sự phối hợp của Tạp chí Người Đưa Tin ngày 30/9, GS. Lê Minh Tâm, nguyên Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho rằng, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định một cách toàn diện, đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, nhưng vẫn còn nhiều điều chưa được đề cập đến.

Về vấn đề Nhà nước thu hồi đất, ông Tâm bày tỏ cơ bản nhất trí với quy định của Điều 69 về những trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiên, cũng cần có quy định rõ hơn về quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền để làm căn cứ cho việc thu hồi và bảo đảm tính cụ thể, minh bạch của pháp luật và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện và kiểm tra giám sát của nhân dân.

"Đối với những trường hợp Nhà nước thu hồi đất để xây dựng dự án đô thị, nhà ở thương mại, cần phải có sự đánh giá, cân nhắc thận trọng, bảo đảm hài hoà về lợi ích giữa người sử dụng đất, nhà đầu tư và người quản lý, trên cơ sở bảo đảm đoàn kết, đồng thuận".

GS. Lê Minh Tâm, nguyên Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam

Đối với những trường hợp Nhà nước thu hồi đất để xây dựng dự án đô thị, nhà ở thương mại, GS.TS Lê Minh Tâm kiến nghị cần có sự phân biệt từng trường hợp cụ thể để có những quy định phù hợp, bởi đây là những trường hợp tương đối nhạy cảm, dễ bị lợi dụng, dễ gây ra sự bức xúc, bất bình, phản đối, khiếu kiện của người dân và cộng đồng dân cư có lợi ích liên quan.

"Vì vậy, đối với những trường hợp này cần phải có sự đánh giá, cân nhắc thận trọng, bảo đảm hài hoà về lợi ích giữa người sử dụng đất, nhà đầu tư và người quản lý, trên cơ sở bảo đảm đoàn kết, đồng thuận", nguyên Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam phân tích.

Ông Tâm cũng nêu ý kiến nên quy định theo hướng khuyến khích nhà đầu tư thoả thuận với người sử dụng đất trong việc nhận chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại. Hạn chế tối đa việc thu hồi đất cho các mục đích trên bằng phương pháp hành chính.

Góp ý thêm về vấn đề này, PGS. TS Doãn Hồng Nhung, Trường Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội lập luận: "Nhà nước thu hồi đất là thu hồi quyền tài sản của người sử dụng, nên cần quan tâm hơn đến quyền của người sử dụng đất như được bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Bởi trong nội dung của Luật Đất đai quy định rõ nơi ở mới phải tốt hoặc bằng nơi ở cũ. Trong quy trình thu hồi đã phải đưa nội dung là kiểm soát điều kiện của người dân tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ thì mới triển khai hoạt động thu hồi".

"Trong thực tiễn về vấn đề chuyển đổi, chuyển nhượng có một hiện trạng dễ thấy là người nông dân có khi phải vác cuốc đi qua sân golf rồi mới vào ruộng lúa của mình".

GS. TS Doãn Hồng Nhung, Trường Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội.

Bà Nhung phân tích, trên thực tế ở rất nhiều các vùng nông thôn có rất nhiều hộ gia đình được giao đất trồng lúa nằm trong khuôn viên đất thổ cư, với diện tích rất nhỏ chỉ khoảng vài trăm mét vuông. Nhưng trải qua bao nhiêu năm khu dân cư phát triển bao quanh vây kín xung quanh nền đất này, vì thế không còn phù hợp để trồng lúa, người sử dụng đất mong muốn chuyển mục đích sử dụng đất thì Nhà nước cũng nên xem xét tạo cơ hội, cho phép được chuyển.

“Trong thực tiễn về vấn đề chuyển đổi, chuyển nhượng có một hiện trạng dễ thấy là người nông dân có khi phải vác cuốc đi qua sân golf rồi mới vào ruộng lúa của mình", bà Nhung nói.

"Hiện trạng thu hồi đất của chúng ta rất lớn nhưng nên lựa chọn khu vực thu hồi, để dành các diện tích cho phù hợp. Nếu là bờ xôi ruộng mật có năng suất lúa tốt thì chúng ta không nên cho phép chuyển đổi mục đích để lấy diện tích để làm sân golf, vì ảnh hưởng đến đời sống của người dân và vấn đề an ninh lương thực”, bà Nhung đề xuất.

Từ những phân tích trên, bà Nhung đề nghị việc sửa đổi Luật Đất đai cần cân nhắc, rà soát kỹ mục đích sử dụng đất, kiểm soát quyền lực Nhà nước trong cơ chế thu hồi đất.

Đóng góp ý kiến, PGS.TS Nguyễn Thị Nga, Trưởng Bộ môn Luật Đất đai Đại học Luật nhấn mạnh việc sửa đổi Luật đất đai cần quan tâm đúng mức đến việc bảo vệ quyền sử dụng đất cho các đối tượng yếu thế trong xã hội, mà ở đây gồm các hộ gia đình có đất sản xuất chủ yếu là trồng lúa.

Bà Nga chỉ ra: "Quy định hiện nay thu hồi đất sẽ được bồi thường bằng đất hoặc bằng tiền. Tuy nhiên dường như bồi thường đất bằng đất là không có vì thực tế không có quỹ đất nông nghiệp để bồi thường. Thế nên hầu như là bồi thường bằng tiền".

PGS.TS Nguyễn Thị Nga, Trưởng Bộ môn Luật Đất đai Đại học Luật. Ảnh: Hữu Thắng

PGS.TS Nguyễn Thị Nga, Trưởng Bộ môn Luật Đất đai Đại học Luật. Ảnh: Hữu Thắng

"Nhưng như chúng ta biết bồi thường bằng tiền thì rất rẻ, không tương xứng với giá trị đất. Bởi nông dân không giao dịch đất nông nghiệp thì lấy đâu ra bảng so sánh giá thực tế trên thị trường để làm mức tối thiểu trong bồi thường mà lại quay lại sử dụng mức giá đất mà tỉnh đã ban hành”, bà Nga nêu thực tế.

Do đó, chuyên gia này nhấn mạnh phải có quy hoạch tốt, nếu đã quy hoạch đất để sản xuất nông nghiệp thì phải có chính sách bảo vệ quyền sử dụng đất của người dân ở mức độ nhất định, phải giữ đất để người nông dân sản xuất.

Ghi nhận ý kiến đóng góp của các chuyên gia về vấn đề thu hồi đất, bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai - Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết, hiện nay dự thảo Luật đã trình theo tờ trình số 350 đã có thay đổi, đó là quy định rõ hơn nội hàm dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Quy định rõ về việc khi Nhà nước thu hồi đảm bảo được một số tiêu chí.

Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai - Bộ Tài nguyên Môi trường. Ảnh: Hữu Thắng

Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai - Bộ Tài nguyên Môi trường. Ảnh: Hữu Thắng

“Ví dụ, đối với các dự án nhà ở thương mại sử dụng các loại đất không phải đất ở, để tạo quỹ đất thì Nhà nước thu hồi để điều tiết giá trị tăng thu. Điều này thể hiện chúng tôi đã đưa ra các tiêu chí khác, có sự phân biệt so với dự thảo trước. Về phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cũng được quan tâm nhiều hơn về quyền và lợi ích hợp pháp của người có đất bị thu hồi", bà Mỹ cho biết thêm.

Tuy nhiên, với góc độ là cơ quan quản lý Nhà nước, bà Mỹ cũng rất mong các chuyên gia đóng góp thêm ý kiến về vấn đề này.

Nhấn mạnh tầm quan trọng chung của việc sửa đổi Luật Đất đai lần này, TS. Trần Công Phàn, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam xác định đây là một Luật rất lớn, liên quan đến nhiều đạo luật khác nhau và liên quan đến lợi ích của tất cả thành phần trong xã hội.

TS. Trần Công Phàn, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam kết luận hội thảo. Ảnh: Hữu Thắng

TS. Trần Công Phàn, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam kết luận hội thảo. Ảnh: Hữu Thắng

"Các cơ quan, các ngành, các cấp, Quốc hội, Chính phủ hết sức trách nhiệm trong vấn đề này, làm sao sửa Luật này những vấn đề lớn liên quan đến quy hoạch đất, sử dụng đất, khung giá đất, đảm bảo hài hòa lợi ích khi sửa đổi luật… là những vấn đề hết sức lớn, hết sức quan trọng", TS. Trần Công Phàn trăn trở.

Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cũng khẳng định sửa đổi được Luật này sẽ góp phần thúc đẩy việc huy động được các nguồn lực tham gia vào việc phát triển kinh tế cũng như ổn định xã hội.

Tin liên quan

Đọc tiếp