Quy hoạch Điện VIII minh chứng cho quyết tâm thực hiện cam kết COP26 của Việt Nam

môi trường Việt nAM
11:34 - 05/08/2022
Quy hoạch Điện VIII: Minh chứng rõ rệt cho quyết tâm thực hiện COP26 của Việt Nam. Nguồn: VGP.
Quy hoạch Điện VIII: Minh chứng rõ rệt cho quyết tâm thực hiện COP26 của Việt Nam. Nguồn: VGP.
0:00 / 0:00
0:00
Tại Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, quá trình xây dựng và hoàn thiện Quy hoạch Điện VIII, hiện đang trong quá trình phê duyệt, là một minh chứng thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ về thực hiện cam kết COP26.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, Việt Nam đã thực hiện cam kết COP26 một cách thực chất, trách nhiệm, với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Ngày 13/4 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký ban hành Quyết định số 450/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trước đó, tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đối khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ, khẳng định quyết tâm, trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050.

Theo đó, giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề rất lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực, như phát triển năng lượng tái tạo, phát triển ngành công nghiệp tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao, di dời các nhà máy ra khỏi trung tâm thành phố, khu đô thị, thu hút các dự án đầu tư thân thiện môi trường, phát triển giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân để giảm phát thải…

Về chuyển đổi năng lượng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, quá trình xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch Điện VIII, hiện đang trong quá trình phê duyệt, là một minh chứng thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ về thực hiện cam kết COP26.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành hàng chục cuộc họp trong hơn 1 năm qua để rà soát, hoàn thiện Quy hoạch này nhằm giảm năng lượng hóa thạch, giảm điện than để hạn chế ô nhiễm môi trường. Qua rà soát, dự kiến sẽ giảm khoảng 20.000 MW điện than với hàng chục dự án, và tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo như thủy điện, điện mặt trời, điện gió ngoài khơi.

Không chỉ lĩnh vực năng lượng, Phó Thủ tướng nêu rõ, quy hoạch và tổ chức quy hoạch cũng rất quan trọng về bảo vệ môi trường vì các quy hoạch này liên quan đến diện tích cây xanh trong đô thị.

Bên cạnh đó, các địa phương, các ngành phải hết sức chú trọng, dành nhiều quỹ đất cây xanh theo đúng Luật Quy hoạch cũng như theo các tiêu chuẩn, tiêu chí đã đề ra. Chẳng hạn, diện tích cây xanh trong đô thị phải chiếm 16%. Ngoài ra, không điều chỉnh cục bộ quy hoạch đối với các khu vực quy hoạch cây xanh sang nhà ở, kinh doanh thương mại. Phó Thủ tướng cũng lưu ý việc rà soát lại các dự án, nhà máy trong đô thị để từng bước di dời.

"Cần đặc biệt quan tâm, chú trọng tới đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực môi trường. Tốc độ phát triển khoa học công nghệ ngày càng cao, yêu cầu ứng dụng ngày càng nhiều, trong khi nguồn nhân lực có hạn"

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành

Một vấn đề nữa mà Phó Thủ tướng nhắc các bộ, ngành, địa phương là ưu tiên dành nguồn ngân sách cho công tác bảo vệ môi trường. Đây là vốn “mồi” để thu hút nguồn lực xã hội vào phát triển lĩnh vực này.

Việt Nam cần 330-370 tỷ USD để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng "0"

Phát biểu tại hội nghị, bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc - UNDP tại Việt Nam cho rằng việc giảm mức phát thải bằng "0" trong vòng chưa đầy 30 năm có thể là nhiệm vụ khó khăn, đặc biệt khi Việt Nam đồng thời phấn đấu trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045.

"Tuy nhiên, trước đây Việt Nam đã chứng tỏ khả năng đã đạt được các mục tiêu quan trọng trong khoảng thời gian ngắn, ví dụ các chính sách kinh tế trong quá trình Đổi mới đã đưa 40 triệu người Việt Nam thoát nghèo trong chưa đầy 2 thập kỷ", bà Caitlin Wiesen nhận định. "Trong những năm gần đây, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đi đầu về sản xuất năng lượng Mặt trời".

Cũng theo bà Caitlin Wiesen, Việt Nam ước tính cần 330-370 tỷ USD để đạt được mục tiêu mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Điều này đòi hỏi cả nguồn tài chính công và tài chính tư trong nước cũng như quốc tế, trong đó nguồn vốn FDI và nguồn vốn tư nhân đóng vai trò thiết yếu để hỗ trợ đạt mục tiêu này. "Việt Nam cần có chiến lược tài chính khí hậu sáng tạo để tạo điều kiện cho các dòng tài chính xanh từ tất các các nguồn đầu tư và phát triển", bà góp ý.

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, tuyên bố mạnh mẽ về đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức nghiêm trọng của toàn cầu về khí hậu, môi trường, suy giảm của các hệ sinh thái, hướng đến mục tiêu một hành tinh khỏe mạnh. Đồng thời, tận dụng cơ hội đưa đất nước ta theo con đường "xanh", hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

"Chuyển đổi xanh dựa nền tảng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp, kinh tế số là con đường để chúng ta đưa đất nước phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sống cho nhân dân" Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết, việc Bộ Tài nguyên và Môi trường lựa chọn chủ đề của Hội nghị năm nay là "Hài hòa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững" như một lời kêu gọi mạnh mẽ về sự tập hợp, đoàn kết nhằm bảo vệ môi trường, ngăn chặn sự suy thoái của đa dạng sinh học vì cuộc sống hài hòa với thiên nhiên và cho một tương lai bền vững hơn.

Tin liên quan

Đọc tiếp