Quy hoạch quốc gia hướng đến phát triển có trọng tâm và chia làm 2 giai đoạn

QUY HOẠCH QUỐC HỘI
16:23 - 07/01/2023
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, quan điểm mới và quan trọng của quy hoạch lần này là phải hướng đến phát triển có trọng tâm, trọng điểm để tạo ra được động lực phát triển mới, đồng thời phải đảm bảo các vấn đề về an sinh xã hội và môi trường.

Phát biểu giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm sau phiên thảo luận tại hội trường về Quy hoạch quốc gia sáng 7/1, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, qua tổng hợp 217 ý kiến thảo luận tại tổ và 26 ý kiến tại hội trường của các đại biểu Quốc hội cho thấy đa số ý kiến đại biểu thống nhất với Tờ trình, dự thảo Nghị quyết và cơ bản đồng tính nội dung chủ yếu của Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Về sự cần thiết và tính cấp bách của xây dựng Quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để triển khai các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia và các quy hoạch khác, cũng như để thu hút đầu tư cho các các thành phần kinh tế trong và ngoài nước.

Về mức độ chi tiết, Bộ trưởng cho biết đã đảm bảo tuân thủ là một bước cụ thể hóa các Nghị quyết của Đại hội thứ XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là quy hoạch tuân theo Điều 22 của Luật Quy hoạch xác định là quy hoạch cấp quốc gia mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng của lãnh thổ; tổ chức không gian phát triển của đất nước.

Các nội dung chi tiết về phân chia tiểu vùng trong các vùng, liên kết nội vùng, định hướng phát triển cụ thể của từng ngành, từng tỉnh sẽ được quy hoạch cụ thể hóa ở các quy hoạch cấp thấp hơn để tránh sự trùng lắp và chồng chéo về nội dung của các quy hoạch. Đặc biệt, quan điểm mới và quan trọng của quy hoạch lần này là phải hướng đến phát triển có trọng tâm, trọng điểm để tạo ra được động lực phát triển mới, đồng thời phải đảm bảo các vấn đề về an sinh xã hội và môi trường.

Theo đó, Quy hoạch phân chia ra 2 giai đoạn. Giai đoạn trước 2030 phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số địa bàn có điều kiện thuận lợi để hình thành các vùng động lực, các hành lang kinh tế, các cực tăng trưởng. Giai đoạn sau năm 2030 sẽ hướng đến phát triển cân bằng, hài hòa và bền vững giữa các vùng miền và địa phương.

Ảnh: Quochoi

Ảnh: Quochoi

Trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay để lựa chọn một số địa bàn có vị trí, điều kiện thuận lợi nhất có cảng biển, cảng hàng không quốc tế, khu kinh tế ven biển, tiềm lực về khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao… sẽ xác định là 4 vùng động lực, sau đó có 4 cực tăng trưởng. Trong quá trình phát triển, nếu thấy đủ điều kiện sẽ điều chỉnh và bổ sung các vùng động lực mới để phát huy được tối đa tất cả các lợi thế, tiềm năng, thế mạnh của các vùng, các địa phương chứ không bó hẹp. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Tại phiên thảo luận tại hội trường về Quy hoạch quốc gia, nhiều ý kiến đại biểu quan tâm đến vấn đề hình thành các hành lang kinh tế; phát triển không gian liên kết vùng.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) quan tâm đến tuyến hành lang kinh tế Đông Tây, nối khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung với các nước Lào, Thái Lan, Myanmar. Đây là tuyến đường ngắn nhất nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương và trong tương lai sẽ kết nối chặt chẽ hơn nữa với khu vực Vân Nam (Trung Quốc).

Đại biểu cho rằng, cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quy hoạch phát triển theo hành lang kinh tế này, coi đó là một mắt xích chính yếu trong việc đón đầu xu hướng tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu sau đại dịch Covid-19…

Đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn Bắc Giang) đề nghị bổ sung định hướng phát triển hành lang kinh tế Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Theo đại biểu, trong dự thảo có nêu 3 hành lang kinh tế của khu vực phía Bắc, gồm hành lang kinh tế Bắc – Nam, hành lang kinh tế Lào Cai – Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và từng bước hoàn thành hành lang kinh tế Điện Biên – Sơn La – Hòa Bình – Hà Nội.

Đại biểu cho rằng định hướng như trên chưa tương xứng với tiềm năng về mạng lưới giao thông trong khu vực. Đồng thời đề nghị nghiên cứu, bổ sung vào quy hoạch định hướng phát triển hành lang kinh tế Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.

Việc hình thành hành lang kinh tế này dựa trên cơ sở các tuyến đường bộ quan trọng và các tuyến đường sắt Hà Nội – Bắc Giang – Lạng Sơn, Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Quảng Ninh. Nếu hoàn thành, sẽ tăng cường liên kết vùng giữa các địa phương với các vùng phía Bắc, kết nối các hành lang kinh tế khác, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của cả nước.

Đại biểu Trần Văn Tuấn. Ảnh: Quochoi

Đại biểu Trần Văn Tuấn. Ảnh: Quochoi

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị sớm ưu tiên đầu tư phát triển tuyến đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn tốc độ cao để kết nối liên vận quốc tế, tận dụng lợi thế sẵn có, tạo động lực phát triển cho khu vực phía Bắc, đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Đoàn Bình Định) cho biết, Nghị quyết 39 ngày 16/8/2004 của Bộ Chính trị về Phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2010 đã xác định vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gồm có 5 tỉnh: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định.

Trong Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 không xác định vùng kinh tế trọng điểm mà xác định vùng động lực và hành lang kinh tế, trong đó khu vực Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung có vùng động lực là khu vực ven biển của các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi và theo dự thảo thì sau năm 2030 sẽ được tiếp tục mở ra các địa phương khác trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Theo đại biểu Lý Tiết Hạnh, hành lang kinh tế Đông Tây về phía Bắc của vùng Lao Bảo - Đông Hà - Đà Nẵng đã kết nối với vùng động lực Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi rất vững vàng. Nhưng hành lang kinh tế Đông Tây ở phía Nam của vùng chưa được kết nối với vùng động lực của vùng trong giai đoạn này. Vì vậy, để tăng cường kết nối vùng, đại biểu Lý Tiết Hạnh đề nghị bổ sung vùng ven biển Bình Định vào vùng động lực Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung.

Tin liên quan

Đọc tiếp