Quý I/2022: Số lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19 giảm 7,8 triệu người

LAO ĐỘNG Việt nAM
07:14 - 13/04/2022
Lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý I/2022 là 51,2 triệu người, tăng hơn 441.000 người so với quý trước.
Lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý I/2022 là 51,2 triệu người, tăng hơn 441.000 người so với quý trước.
0:00 / 0:00
0:00
Thị trường lao động quý I/2022 đã dần phục hồi trở lại, đặc biệt là lao động trong ngành dịch vụ. Thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng 1 triệu đồng so với quý trước và tăng 110.000 đồng so với cùng kỳ năm 2021.

Tại cuộc họp báo về tình hình lao động, việc làm quý I/2022 ngày 12/4. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Trung Tiến nhận định, thị trường lao động dần phục hồi và đạt mức tăng trưởng khá.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý I/2022 đạt 68,1%

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý I/2022 là 51,2 triệu người, tăng hơn 441.000 người so với quý trước và tăng khoảng 200.000 người so với cùng kỳ năm 2021.

So với quý trước, lực lượng lao động ở cả hai khu vực nông thôn và thành thị đều tăng khoảng 200.000 người, lực lượng lao động nam tăng nhiều hơn so với lực lượng lao động nữ (300.000 lao động của nữ so với gần 200.000 lao động của nam).

Trong đó, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý I/2022 là 68,1%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý I là 26,1%, không thay đổi so với quý trước và cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng chú ý, lao động có việc làm ghi nhận mức tăng ở cả khối doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh cá thể.

Từ đầu năm đến nay, mặc dù cả nước vẫn còn hơn 16,9 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 nhưng con số này đã giảm mạnh so với quý trước (giảm 7,8 triệu người).

Ảnh tác giả

“Đây là mức giảm mạnh nhất được ghi nhận kể từ khi đất nước chứng kiến sự bùng phát của đại dịch COVID-19. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động đều giảm so với quý trước, tuy vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng mức độ giảm dần”.

Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê

Trong tổng 50 triệu lao động có việc làm, so với quý trước và cùng kỳ năm 2021, lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đều giảm lần lượt là 426,8 nghìn người và 192,2 nghìn người.

Lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 82,7 nghìn người so với quý trước nhưng tăng 661,3 nghìn người so với cùng kỳ năm 2021.

Lao động trong ngành dịch vụ tăng mạnh so với quý trước (gần 1,5 triệu người) nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 336,8 nghìn người.

Đặc biệt, việc thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết 126/NQ-CP của Chính phủ đã hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn trả lương cho người lao động, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, bảo đảm duy trì việc làm cho người người lao động.

Theo Tổng cục Thống kê, vấn đề thiếu việc làm ở khu vực dịch vụ đã được cải thiện đáng kể. So với quý trước, số người thiếu việc làm quý I/2022 là 1,3 triệu người, giảm 135.200 người; tỉ lệ thiếu việc làm của lao động là 3,01%, giảm 0,36 điểm phần trăm.

Thu nhập bình quân tháng của người lao động quý I/2022 đạt 6,4 triệu đồng

Cũng theo báo cáo về tình hình lao động, việc làm, thị trường lao động quý I/2022 đang dần sôi động trở lại ở nhiều ngành kinh tế, đời sống của người lao động được cải thiện hơn, thu nhập bình quân của người lao động có sự phục hồi.

Nếu như quý III năm 2021, thị trường lao động đã trải qua những khó khăn chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây, với mức thu nhập bình quân của người lao động là 5,2 triệu đồng, là mức sụt giảm nghiêm trọng; đến quý I/2022 thu nhập bình quân tháng của người lao động quý I đạt 6,4 triệu đồng, tăng 1 triệu đồng so với quý trước và tăng 110.000 đồng so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao gấp 1,36 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ (7,3 triệu đồng so với 5,4 triệu đồng). So với quý trước, thu nhập của lao động làm việc trong các ngành kinh tế có sự tăng trưởng khá.

Thu nhập bình quân tháng của lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 7,3 triệu đồng, đây là khu vực có tốc độ tăng thu nhập bình quân tăng cao nhất trong ba khu vực kinh tế, tăng 22,6% so với quý trước, tăng tương ứng hơn 1,3 triệu đồng.

Lao động làm việc trong ngành dịch vụ có thu nhập bình quân là 7,5 triệu đồng, tăng 20,5% so với quý trước, tăng tương ứng gần 1,3 triệu đồng.

Lao động làm việc trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản có thu nhập bình quân là 3,7 triệu đồng, tăng 8,8% so với quý trước, tăng tương ứng khoảng 301 nghìn đồng.

Điểm sáng nổi bật là thu nhập bình quân tháng của lao động tăng mạnh tại vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là tại TP HCM.

Cụ thể, thu nhập bình quân tháng của lao động vùng Đông Nam Bộ tăng cao nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội, với mức thu nhập bình quân 8,3 triệu đồng, tăng 36,8%, tương ứng tăng 2,2 triệu đồng so với quý trước.

Lao động tại TP HCM, Bình Dương và Đồng Nai có mức thu nhập bình quân cao nhất cả nước, khoảng hơn 8 triệu đồng/người/tháng.

Tại TPHCM, thu nhập bình quân của lao động là 8,9 triệu đồng/người, tăng 36,5%, tương ứng tăng 2,4 triệu đồng so với quý trước; thu nhập của người lao động tại Bình Dương là 8,6 triệu đồng/người/tháng, tăng 54 %, tương ứng tăng 3 triệu so với quý trước; lao động tại Đồng Nai có thu nhập bình quân là 8,5 triệu đồng, tăng 32,9%, tương ứng tăng 2,1 triệu đồng so với quý trước.

Tuy nhiên, đại diện Tổng cục Thống kê cũng lưu ý một số yếu tố thiếu bền vững của thị trường lao động Việt Nam.

Số người có việc làm tăng nhanh nhưng tăng nhiều ở lao động phi chính thức ở mốc 33,4 triệu người, tăng 97,5 nghìn người so với quý trước. Tỷ lệ thất nghiệp và tỉ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng giảm những vẫn còn ở mức tương đối cao. Lao động "tự sản tự tiêu" giảm nhưng vẫn chưa trở về trạng thái bình thường ban đầu khi chưa xảy ra đại dịch, vẫn cao hơn 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Do vậy, Tổng cục Thống kê đề xuất tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, đẩy nhanh thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Đồng thời, thực hiện tích cực các chính sách thu hút lao động tự sản tự tiêu và nghiên cứu xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp, nâng cao chất lượng nguồn lao động.

Tin liên quan

Đọc tiếp