Quy mô thị trường vốn xanh của Việt Nam sẽ đạt 753 tỷ USD vào 2030

TÀI CHÍNH Bền Vững
09:57 - 07/07/2022
Năng lượng là ngành có nhiều thay đổi khi thị trường tài chính bền vững phát triển.
Năng lượng là ngành có nhiều thay đổi khi thị trường tài chính bền vững phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Nguồn tài chính xanh thúc đẩy giảm thiểu carbon, phát triển bền vững đang ngày càng mở rộng trên toàn cầu. Bắt kịp xu hướng này thị trường vốn xanh của Việt Nam ước đạt 753 tỷ USD trong giai đoạn 2016 - 2030.

Tài chính bền vững thúc đẩy mục tiêu toàn cầu

Chương trình Năng lượng carbon thấp ASEAN (LCEP) có quy mô 15 triệu Bảng thuộc Bộ Ngoại giao và Phát triển Vương quốc Anh, sẽ giúp các nước ASEAN khai thác các lợi ích từ triển khai năng lượng carbon thấp, thông qua khai thác thế mạnh đã được kiếm chứng của Anh về tài chính xanh và hiệu quả năng lượng.

Chương trình xuất phát từ yêu cầu về tài chính bền vững đang cấp thiết đối với các nước ASEAN muốn chuyển đổi mô hình tăng trưởng bền vững. Chia sẻ tại hội thảo “Giới thiệu tài chính bền vững”, ngày 5/7, ông Tom Moody, Giám đốc khu vực Đông Nam Á về Khí hậu và Năng lượng​, Bộ Ngoại giao và Phát triển Vương quốc Anh cho biết, nền kinh tế carbon thấp được xây dựng trên cơ sở hạ tầng bền vững. Điều này đồng nghĩa với việc các nguồn tài chính xanh hướng tới các nguồn năng lượng carbon thấp cần được mở rộng về quy mô và đa dạng hóa.

Ảnh tác giả

“Tài chính bền vững sẽ giúp thúc đẩy việc đạt được các mục tiêu toàn cầu đề ra vào năm 2030 có thể mở ra cơ hội thị trường có giá trị ước tính đạt 12.000 tỷ USD trong 4 hệ thống kinh tế: Lương thực và nông nghiệp; đô thị; năng lượng tài chính bền và vật liệu; sức khỏe và phúc lợi”.

Ông Tom Moody​, Bộ Ngoại giao và Phát triển Vương quốc Anh

Trước đó hồi tháng 10/2020, Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI), phối hợp với Chính phủ Luxembourg và Bộ Tài chính Việt Nam đã ký kết chương trình “Chuẩn bị sẵn sàng cho Trái phiếu xanh Việt Nam”. GGGI ước tính việc thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam sẽ cần khoảng 30 tỷ USD tới năm 2030.

Nguồn: Báo cáo thị trường trái phiếu bền vững toàn cầu của Ernst & Young

Nguồn: Báo cáo thị trường trái phiếu bền vững toàn cầu của Ernst & Young

Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Long, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam chia sẻ về nghiên cứu của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) năm 2021, cho thấy tài chính khí hậu ở Việt Nam hiện tại chiếm khoảng 5% (10,3 tỷ USD) tổng giá trị tín dụng, nhưng dự kiến giá trị này sẽ tăng đáng kể trong những năm tới.

“Với mục tiêu của Việt Nam nhằm giảm 9% phát thải vào năm 2030 theo Thỏa thuận Paris, và phát thải ròng về 0 vào năm 2050 theo COP26, IFC ước tính cơ hội đầu tư về khí hậu tại Việt Nam có thể lên đến 753 tỷ USD trong giai đoạn 2016 - 2030. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp tận dụng nguồn vốn tiềm năng, hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”, ông Nguyễn Việt Long cho biết thêm.

Khu vực ASEAN đang bắt kịp xu hướng tài chính bền vững toàn cầu

Đánh giá riêng khu vực ASEAN, ông Russell Marsh, Giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Singapore cho rằng, thị trường trái phiếu xanh tại từng quốc gia đang ở các giai đoạn khác nhau. Về cơ bản, thị trường trái phiếu xanh phát triển tương ứng với tình hình phát triển của ngành tài chính.

Tính đến 31/10/2021, 132 trái phiếu bền vững (trong đó có 86 trái phiếu xanh) đã được phát hành ở ASEAN, với giá trị lên tới 33,4 tỷ USD. Về số lượng trái phiếu phát hành, Thái Lan, Singapore và Philippines đang dẫn đầu với 32, 28 và 25 đợt phát hành từ các tổ chức phi tài chính.

Về nhu cầu tài chính bền vững lớn trong tương lai, ông Russell Marsh cho biết có thể lên đến 200 tỷ USD mỗi năm, với 72% lãnh đạo về tài chính cho rằng thông tin phi tài chính ngày càng được sử dụng nhiều hơn trong các quyết định của nhà đầu tư.

Ảnh tác giả

"Đây là một cơ hội rất lớn cho hệ thống tài chính: tính riêng trong năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của Covid-19, thị trường đầu tư xanh và bền vững của ASEAN đã đạt giá trị 12,1 tỷ USD phát hành, tăng 5,2% so với 2019".

Ông Russell Marsh, Giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Singapore

“Để đáp ứng nhu cầu, việc phân bổ vốn cần phải được dành cho các hoạt động bền vững. Hiện nay, nguồn tài chính vẫn chưa tập trung vào phát triển bền vững ở quy mô và tốc độ cần thiết để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và các mục tiêu của Thỏa thuận Paris”, ông Russell Marsh đánh giá.

Riêng tại Việt Nam, ông Russell Marsh nhận định, Chính phủ đã đặt mục tiêu đạt trạng thái trung hòa carbon dựa trên các thỏa thuận quốc tế về khí hậu và chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh

Giảm cường độ phát thải khí nhà kính: Đến năm 2030 ít nhất giảm 15% so với năm 2014; đến năm 2050 ít nhất giảm 30% so với năm 2014.

Xanh hóa các lĩnh vực kinh tế thông qua chuyển đổi mô hình tăng trưởng, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn: Đến năm 2030 tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp đạt 15 - 20%; đến năm 2050 đạt 25 - 30%.

Khuyến khích tiêu dùng bền vững: Đến năm 2030, tối thiểu 95% chất thải rắn sinh hoạt đô thị và 20 – 50% nước thải đô thị sẽ được thu gom và xử lý, hướng tới đạt tỷ lệ 100% vào năm 2050; Ít nhất 10 đô thị phê duyệt và thực hiện Đề án tổng thể về phát triển đô thị tăng trưởng xanh theo hướng đô thị thông minh bền vững vào năm 2030 và 45 đô thị vào năm 2050.

Nguồn tài chính bền vững đang dần có sức hút trong khu vực ASEAN

Nguồn tài chính bền vững đang dần có sức hút trong khu vực ASEAN

Làm rõ hơn thị trường vốn xanh của Việt Nam trong so sánh tương quan với các nước ASEAN, ông Nguyễn Việt Long, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam đánh giá, tại Brunei, Campuchia, Lào và Myanmar, thị trường trái phiếu xanh đang ở giai đoạn đầu. Chính phủ tại các nước này chưa đưa ra hoặc đưa ra rất ít các sáng kiến thúc đẩy thị trường trái phiếu xanh.

Tại Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan, thị trường trái phiếu xanh đã tương đối phát triển, riêng Singapore và Malaysia tiên phong. Ngoài ra, tại các quốc gia này, một số chính sách và sáng kiến đã được đưa ra để hỗ trợ sự phát triển của trái phiếu xanh.

Trong bối cảnh thị trường tài chính bền vững ASEAN, ông Long nhìn nhận, thị trường Việt Nam mới đang phát triển và còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong thời gian tới.

Sau cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ về chiến lược tăng trưởng bền vững. Trên cơ sở này, Bộ đang phối hợp các Bộ/ngành liên quan để triển khai thực hiện, thực hiện tham vấn và phổ biến rộng rãi đến cộng đồng doanh nghiệp.

Chương trình LCEP đang hợp tác với nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN và đặt nỗ lực hướng tới hợp tác với cả 10 quốc gia thành viên của ASEAN trong thời gian thực hiện chương trình.

Giai đoạn khởi động: 3 – 9/2019

Giai đoạn thực hiện 10/2019 – 12/2022

Tin liên quan

Đọc tiếp