Quyết tâm gỡ nút thắt, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

ĐẦU TƯ CÔNG Việt nAM
08:47 - 23/05/2022
Quyết tâm gỡ nút thắt, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 23/5, khai mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV và dự kiến kéo dài đến ngày 16/6. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có tiến độ giải ngân vốn đầu tư công làm động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội.

Giải ngân vốn đầu tư công được cho là một trong những trụ cột để nhanh chóng phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022. Trong đó đầu tư công tại các dự án trọng điểm quốc gia sẽ là vốn mồi dẫn dắt thu hút nguồn vốn của cả khu vực kinh tế khác và toàn xã hội.

Khi nền kinh tế đang đẩy mạnh phục hồi sau đại dịch, vấn đề trên càng trở nên quan trọng hơn. Tuy nhiên, thực trạng việc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công nửa đầu năm 2022 vẫn còn nhiều bất cập.

17 bộ, ngành, cơ quan trung ương chưa giải ngân vốn đầu tư công

Theo báo cáo Chính phủ vừa gửi tới đại biểu Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 3, đến cuối tháng 4 vẫn còn gần 38.600 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước (chiếm 7,4% kế hoạch Thủ tướng giao) chưa được phân giao chi tiết.

Số vốn ngân sách thanh toán đến cuối tháng 4 gần 95.725 tỷ đồng, trong đó gần 99% là vốn trong nước, còn lại là vốn nước ngoài. Tỷ lệ giải ngân vốn công trong 4 tháng đầu năm đạt xấp xỉ 16,4% kế hoạch giao, tương đương cùng kỳ 2021.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn 17 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân (tức giải ngân 0%) kế hoạch đầu tư công năm nay, như Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Ngoại giao, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đại học quốc gia TP HCM, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Ban quản lý Khu công nghệ cao Hoà Lạc...

Với các dự án khởi công mới sau khi được giao kế hoạch vốn sẽ mất khoảng nửa năm để hoàn thành các bước thủ tục chuẩn bị đầu tư (phê duyệt kế hoạch chọn nhà thầu; thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, chọn nhà thầu xây lắp...). Với dự án chuyển tiếp, các nhà thầu đang thi công nhưng chưa tới kỳ thanh toán hợp đồng những tháng đầu năm 2022, nên chưa giải ngân.

Ngoài ra, còn có lý do vướng mắc, khó khăn trong giải phóng mặt bằng, đền bù, bồi thường người dân.

Dù thế, cơ quan ngành kế hoạch nhận xét nguyên nhân giải ngân chậm vẫn do khâu tổ chức thực hiện của các bộ ngành, cơ quan trung ương còn nhiều bất cập, trách nhiệm người đứng đầu chưa rõ nét. Một số chủ đầu tư chưa tích cực làm các thủ tục thanh, quyết toán. Năng lực chuyên môn của một số cán bộ quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu không đáp ứng yêu cầu.

Quyết tâm dồn sức thúc đẩy đầu tư công

Liên tiếp trong mấy ngày qua từ 16 đến 18/5, cả 4 tổ công tác của Thủ tướng do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm trưởng đoàn đã trực tiếp tới địa phương, làm việc với lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố để nắm bắt tình hình, kết quả giải ngân vốn đầu tư công và giải quyết những khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy tiến độ này.

Khối lượng giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 khoảng trên 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 200.000 tỷ đồng so với những năm trước. Trong khi đó, tỷ lệ giải ngân đến nay cơ bản thấp, do đó từ nay đến cuối năm, tổng số vốn ngân sách Nhà nước phải giải ngân ở các địa phương là rất lớn.

Qua ý kiến tại các cuộc họp, Tổ trưởng các tổ công tác đã đề nghị các cơ quan liên quan khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện báo cáo về giải ngân vốn đầu tư công phù hợp với tình hình, đặc điểm của các bộ, cơ quan Trung ương; rà soát kỹ tất cả các khâu, từ chuẩn bị dự án đầu tư, giải phóng mặt bằng đến triển khai thi công, đôn đốc tiến độ.

Cùng với đó là kiên quyết khắc phục tình trạng khi đưa vào danh mục đầu tư dự án chưa hoàn thiện thủ tục; thực hiện dứt điểm giải phóng mặt bằng trước khi triển khai dự án; rà soát, kiện toàn năng lực các ban quản lý dự án.

Đặc biệt, lãnh đạo các tổ công tác yêu cầu người đứng đầu các bộ, cơ quan phải xác định việc giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022. Vì vậy, cần phải chỉ đạo, điều hành quyết liệt để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Tổ trưởng công tác số 6 cho biết, vấn đề cơ chế chính sách vẫn phải sửa đổi nhưng thực tiễn triển khai cũng phải chủ động, sáng tạo, tránh tâm lý sợ trách nhiệm. "Lãnh đạo các địa phương phải đôn đốc, giải quyết ngay tại hiện trường, giải quyết ngay tại nút thắt" - ông Phớc nói.

“Một số các quy định phải thực hiện theo luật pháp, nhưng trong quá trình triển khai phải sáng tạo. Theo kinh nghiệm, công tác chuẩn bị là lâu nên phải đi trước một bước, khi được bố trí vốn, tách dự án giải phóng mặt bằng, giai đoạn bồi thường thành dự án độc lập. Các công trình chuẩn bị làm thủ tục đấu thầu, nên thực hiện theo đơn giá điều chỉnh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và Nhà nước trong thanh quyết toán” - Bộ trưởng Bộ Tài chính chia sẻ.

Đọc tiếp