Rà soát lại tên các địa bàn áp dụng tăng lương tối thiểu vùng

Tăng lương Việt nAM
09:02 - 04/05/2022
Ảnh: QĐND
Ảnh: QĐND
0:00 / 0:00
0:00
Để có căn cứ đề xuất với Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong thời gian tới, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang chủ trương rà soát, cập nhật lại tên các địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu này.

Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/2019/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, áp dụng từ ngày 1/1/2020. Đến đầu tháng 4 vừa qua, Hội đồng Tiền lương Quốc gia cũng thống nhất đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 6%, từ ngày 1/7/2022; tức là thêm 180.000 - 260.000 đồng so với hiện nay.

Nếu được Chính phủ thông qua, lương tối thiểu vùng I sẽ là 4,68 triệu đồng; vùng II lên 4,16 triệu; vùng III đạt 3,64 triệu đồng và vùng IV là 3,25 triệu đồng.

Để có căn cứ nghiên cứu đề xuất với Chính phủ về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) vừa ra công văn gửi các địa phương, trong đó đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát, cập nhật lại tên các địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu, nhất là các đơn vị hành chính đã thực hiện sắp xếp lại (đổi tên, thành lập mới, sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính) theo các Nghị quyết của Quốc hội từ ngày 1/1/2020 đến nay.

Đối với việc đánh giá, đề xuất việc điều chỉnh phân vùng hiện hành, Bộ LĐTB&XH đề nghị Sở LĐTB&XH các địa phương phối hợp với Ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp trao đổi với Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, Chi nhánh Liên đoàn thương mại và Công nghiệp Việt Nam cấp tỉnh, các Hiệp hội nghề nghiệp báo cáo UBND tỉnh, thành phố có ý kiến gửi Bộ.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên 2 năm nay, Chính phủ chưa điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng. Điều này khiến các doanh nghiệp tiếp tục duy trì mức lương tối thiểu theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP, không điều chỉnh tiền lương cho người lao động.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, sau 2 năm không tăng lương, đời sống, thu nhập của một bộ phận người lao động đang rất khó khăn. Hơn lúc nào hết, lúc này cần phải tăng lương giúp lao động ổn định cuộc sống, yên tâm gắn bó với doanh nghiệp sản xuất.

Về nguyên tắc, lương tối thiểu vùng dựa trên sự thương lượng của lao động, doanh nghiệp và sự khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp.

Tin liên quan

Đọc tiếp