Rau quả Việt còn khó khăn trên đường sang Mỹ

XUẤT KHẨU Việt nAM
14:37 - 12/11/2021
Sầu riêng xuất khẩu sang Mỹ của công ty Công ty TNHH B’LaoFood
Sầu riêng xuất khẩu sang Mỹ của công ty Công ty TNHH B’LaoFood
0:00 / 0:00
0:00

Ngoài những khó khăn về mã vùng trồng, kiểm dịch khắt khe thì chi phí logistics hiện vẫn là gánh nặng lớn nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Sáng 12/11, “Hội thảo kết nối doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam vụ mùa 2021 sang thị trường Âu – Mỹ” đã chia sẻ về những khó khăn trên con đường khẩu sang Mỹ của mặt hàng rau quả trong nước.

Hội thảo do Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương tổ chức với mong muốn thúc đẩy xuất khẩu rau, quả Việt sang Mỹ và đưa ra những khuyến nghị để các doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội của thị trường khổng lồ này.

Còn khó khăn trong logistics và mã vùng trồng

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả của Việt Nam sang Mỹ tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm 2021, tập trung thanh long, dừa, sầu riêng, xoài, vú sữa.

“Nhờ quá trình tiêm chủng ngừa COVID-19 và gói kích thích kinh tế, nền kinh tế Mỹ đang dần hồi phục và mức chi cho thực phẩm của người dân cũng tăng cao đối với mặt hàng rau, quả”, ông Tùng nhận định.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu rau, quả sang Mỹ vẫn còn nhiều khó khăn. Có thể kể đến như chi phí logistics, sự cạnh tranh của các đối tác khác, vấn đề công nghệ chế biến, bảo quản của Việt Nam còn nhiều hạn chế…

Phó Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam phân tích, do ảnh hưởng của đại dịch và giãn cách xã hội thời gian qua đã tác động mạnh tới chuỗi cung ứng. Chi phí logistics hiện vẫn là gánh nặng lớn nhất đối với các doanh nghiệp.

Về mặt đường biển, cước vận chuyển các tuyến xa sang Mỹ thời điểm tháng 08/2021 lên đến đỉnh điểm 22.000USD giá đi WC chưa bao gồm phụ phí nhưng. Thời gian vừa rồi từ tháng 9 đến đầu tháng 11 đã giảm nhưng cũng chỉ bằng mức đầu năm 2021. Dự kiến cuối tháng 11/2021 đến cuối năm giá cước sẽ tăng trở lại.

Đối với các mặt hàng vận tải bằng đường hàng không, hiện do các cảng chuyển tải bị kẹt bởi các quốc gia sở hữu ưu tiên hàng từ nước họ hoặc hàng mua cước ưu tiên giá cao nên giá cước sang Mỹ hiện cũng đang dao động ở mức cao từ 19 – 22USD/kg.

“Trong khi chi phí vận chuyển tăng cao thì rau, quả Việt Nam xuất sang Mỹ phần lớn lại phải sử dụng container lạnh, tàu biển hay máy bay. Do đó, đẩy giá thành sản phẩm đội lên nhiều, gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi xuất khẩu”, ông Tùng nói.

Ông Tùng chia sẻ, các mặt hàng trái cây, rau củ tươi cần bảo quản tốt do dễ bị hư hao trong quá trình vận chuyển nhưng công nghệ của ta đôi khi còn chưa đáp ứng được. Bên cạnh đó, các sản phẩm phải triệt để tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật, vệ sinh an toàn thực phẩm do phía Mỹ yêu cầu cũng là một thách thức lớn đối với Việt Nam.

Ảnh tác giả

"Rau, quả Việt Nam khi xuất khẩu sang Mỹ cũng gặp vấn để cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm cùng loại được trồng nhiều ở các bang như Florida, California hay Mexico... Trong khi đó, Việt Nam hiện nay mới chỉ có một nhà máy chiếu xạ duy nhất tại TP.HCM nên chúng ta bị động về thời gian và chi phí cao so với các đối thủ cạnh tranh".

Ông Trịnh Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam

Một trong những đơn vị tham dự Hội thảo có nhiều năm hoạt động trong sản xuất và chế biến rau, củ, trái cây tươi, đông lạnh xuất khẩu sang Mỹ, ông Phạm Ngọc Quang, đại diện Công ty TNHH B’LaoFood cũng bày tỏ những khó khăn trong thời gian qua đối với thị trường này.

Trao đổi riêng với MEKONG ASEAN bên lề hội Thảo, ông Phạm Ngọc Quang cho biết, container vận tải biển giá tàu cước cao cùng nhiều chuyến hàng vẫn còn bị kẹt ở Mỹ là những khó khăn lớn nhất hiện nay đối với doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, khó khăn trong kiểm soát vùng trồng cũng đang là khó khăn lớn đối với doanh nghiệp trong việc kiểm soát chất lượng đầu vào. Ông Quang cho rằng việc theo dõi sát sao vùng trồng là điều kiện tiên quyết để đảm bảo chất lượng rau, quả Việt đảm bảo được các tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường Mỹ.

"Mỹ có những yêu cầu gắt gao về tiêu chuẩn hàng hóa, nếu như rau, quả Việt Nam sơ sẩy có lô hàng nào không chuẩn khi bị kiểm tra thì Mỹ sẽ đẩy vào danh sách đen. Điều đó không những ảnh hưởng đến cá nhân doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng các doanh nghiệp xuất khẩu về sau của Việt Nam. Bài học nhãn tiền là gạo xuất khẩu của Việt Nam đã từng gặp tình trạng này".

Ông Phạm Ngọc Quang, đại diện Công ty TNHH B’LaoFood

Song hành với theo dõi sát sao vùng trồng thì việc đảm bảo tốt truy xuất nguồn gốc cũng là yêu cầu cần sớm cải thiện, ông Quang cho biết, tuy rằng, bà con đã có ý thức hơn nhiều nhưng phần lớn bộ phận vẫn chưa quen được với các công cụ công nghệ hay thói quen. Công ty cũng đang xây dựng các phần mềm hỗ trợ bà con nhưng chưa triển khai được.

Để khắc phục những khó khăn này, ông Quang bày tỏ hy vọng các Thường vụ sẽ cập nhật thông tin nhiều hơn thông tin về các thị trường cho doanh nghiệp và triển khai kiểm soát mạnh mẽ hơn mã vùng trồng để các doanh nghiệp Việt Nam có thể hoàn thiện hơn rau, quả xuất khẩu.

Tận dụng cơ hội xuất khẩu rau, quả sang Mỹ

Cung cấp những số liệu, thông tin về cơ hội xuất khẩu rau, quả Việt sang thị trường Mỹ, ông Trần Đình Thắng, Trưởng chi nhánh cơ quan đại diện thương mại tại San Francisco cho biết, Mỹ là một thị trường khổng lồ với 333 triệu dân (số liệu năm 2021). Chi tiêu cho thực phẩm của quốc gia này lên đến 1,69 nghìn tỷ USD (số liệu 2020).

Mỹ nhập khẩu khoảng trên 10% nhu cầu thực phẩm từ hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Việt Nam là một trong những nhà cung cấp thực phẩm hàng đầu cho quốc gia này.

Các mặt hàng có tỷ trọng nhập khẩu lớn tại Mỹ có thể kể đến thủy sản, sản phẩm nhiệt đới (chiếm hơn 90%); gia vị ( hơn 90%); nước trái cây (hơn 50%), trái cây tươi và rau quả (hơn 20%)…

Ông Thắng cho biết, trong thời gian tới, rau quả Việt Nam được đánh giá có triển vọng lớn trong thị trường Mỹ với nhiều thuận lợi. Hệ thống phân phối tại Mỹ phát triển đa dạng, nhiều cấp, nhiều kênh, hiện đại, mở ra nhiều cơ hội tiêu thụ rau, quả Việt Nam. Người gốc Á và cộng đồng người Việt tại Mỹ ngày càng lớn mạnh. Nhu cầu đặc sản mới lạ của Mỹ cũng ngày càng nhiều…

Để rau, quả Việt Nam có thể tận dụng được các cơ hội của thị trường khổng lồ này, Trưởng chi nhánh cơ quan đại diện thương mại tại San Francisco đã đưa ra các khuyến nghị cho các doanh nghiệp.

Thứ nhất, tuân thủ các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm, nắm bắt, áp dụng chặt chẽ quy định của Mỹ liên quan đến dư lượng chất bảo vệ thực vật, kháng sinh.

Thứ hai, các nhà xuất khẩu cần đảm bảo có đủ các chứng chỉ chất lượng theo yêu cầu.

Thứ ba, các doanh nghiệp cần chủ động thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường Mỹ, đặc biệt là tại các khu vực có cộng đồng người Á Châu và Mỹ La tinh.

Thứ tư, tích cực liên kết với các hiệp hội doanh nghiệp gốc Việt tại trong đó các tiểu bang California, Oregon, Washington là những địa bàn quan trọng trong hoạt động kết nối doanh nghiệp.

Tin liên quan

Đọc tiếp