Rơi máy bay ở Nepal: Tìm thấy toàn bộ thi thể nạn nhân và hộp đen

Hàng KHông Nepal
15:48 - 31/05/2022
Lực lượng cứu hộ Nepal đã đưa được toàn bộ 22 thi thể ra khỏi đống đổ nát. Ảnh: Reuters
Lực lượng cứu hộ Nepal đã đưa được toàn bộ 22 thi thể ra khỏi đống đổ nát. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 31/5, lực lượng cứu hộ Nepal cho biết thi thể của tất cả 22 nạn nhân trên chiếc máy bay xấu số đâm xuống sườn núi Himalaya ở Nepal hôm 29/5 đã được tìm thấy. Hộp đen của máy bay cũng được thu hồi để phục vụ điều tra nguyên nhân vụ tai nạn. 

"Lực lượng cứu hộ ngày 31/5 đã tìm thấy toàn bộ 22 thi thể trong vụ chiếc máy bay DHC-6-300 Twin Otter gặp nạn hai hôm trước", Reuters dẫn thông tin được xác nhận bởi phát ngôn viên Cơ quan Hàng không Dân dụng Nepal (CAAN) Deo Chandra Lal Karna.

Trước đó một ngày, lực lượng cứu hộ Nepal đã trục vớt được thi thể của 21 nạn nhân nằm rải rác trong đống đổ nát trên một sườn dốc ở độ cao khoảng 4.400 m vào hôm 30/5. "Chúng tôi đã tìm thấy thi thể cuối cùng vào sáng hôm nay (31/5)", ông Deo Chandra Lal Karna cho biết. "Chiếc hộp đen cũng đã được tìm thấy. Hiện trường không còn gì, ngoài đống đổ nát".

Lực lượng cứu hộ Nepal khiêng thi thể các nạn nhân trong vụ rơi máy bay Twin Otter. Ảnh: AFP

Lực lượng cứu hộ Nepal khiêng thi thể các nạn nhân trong vụ rơi máy bay Twin Otter. Ảnh: AFP

Được vận hành bởi hãng hàng không tư nhân Tara Air, chiếc máy bay DHC-6-300 Twin Otter có số đăng ký 9N-AET thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 4/1979, theo trang web theo dõi chuyến bay Flightradar24.

Chiếc máy bay xấu số cất cánh lúc 9h55 (11h10 giờ Hà Nội) sáng ngày 29/5 từ thị trấn du lịch Pokhara, cách thủ đô Kathmandu khoảng 200km về phía tây bắc. Theo dự kiến, máy bay đáp xuống sân bay ở thị trấn Jomsom cách đó khoảng 80km. Tuy nhiên, nhà chức trách đã hoàn toàn mất liên lạc với phi hành đoàn sau 15 phút máy bay cất cánh.

Các nạn nhân gồm 16 người Nepal, 4 người Ấn Độ, 2 người Đức. Theo đó, thi thể của 10 nạn nhân đã được đưa đến Kathmandu hôm 30/5, riêng 12 thi thể còn lại được đưa về thủ đô Kathmandu trong ngày hôm nay. Danh tính của các nạn nhân cũng đã được nhà chức trách Nepal công bố.

Quá trình cứu hộ tại hiện trường vụ tai nạn máy bay ở Nepal. Ảnh: The Canberra Times

Quá trình cứu hộ tại hiện trường vụ tai nạn máy bay ở Nepal. Ảnh: The Canberra Times

"Các thi thể được chuyển đến Bệnh viện Đại học Tribhuvan để khám nghiệm tử thi. Sau khi xác định được danh tính người xấu số, chúng tôi sẽ giao cho gia đình về lo hậu sự", phát ngôn viên CAAN cho biết thêm.

Chính phủ Nepal đã ra lệnh thành lập một hội đồng gồm 5 thành viên để xác định nguyên nhân vụ tai nạn và đề xuất các biện pháp nhằm ngăn ngừa rủi ro trong lĩnh vực hàng không.

Nepal là quốc gia được bao bọc bởi 8 trong số 14 ngọn núi cao nhất thế giới, quanh năm phủ băng tuyết, bao gồm cả đỉnh Everest, đã đạt kỷ lục về các vụ tai nạn hàng không. Điều kiện thời tiết tại đất nước này có thể thay đổi đột ngột và các đường băng thường được đặt ở nhiều khu vực vùng núi khó cất hạ cánh, đặt ra thách thức cho các phi công.

Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp hàng không của Nepal đã phát triển vượt bậc khi có thể đưa khách du lịch cũng như hàng hóa tiếp cận các khu vực hẻo lánh và những nơi đường bộ bị hạn chế.

Tuy nhiên, nước này cũng bị lưu ý khi có thành tích an toàn hàng không kém và Liên minh châu Âu (EU) đã cấm tất cả các hãng hàng không của Nepal đến không phận của mình vì lo ngại về an toàn.

Vào tháng 3/2018, một chiếc máy bay với lịch trình từ Dhaka (Bangladesh) đến Kathmandu đã bị trượt xuống sân bóng và bốc cháy gần sân bay quốc tế của Kathmandu, khiến 51 trong số 71 hành khách thiệt mạng.

Năm 2019, 3 người chết khi một chiếc máy bay lao ra khỏi đường băng và đâm vào hai trực thăng khi đang cất cánh gần đỉnh Everest. Cùng năm, Bộ trưởng Du lịch Nepal khi đó là ông Rabindra Adhikari, nằm trong số 7 người thiệt mạng khi một trực thăng gặp nạn ở vùng đồi núi phía đông.

Tin liên quan

Đọc tiếp