'Rục rịch' mùa BCTC, nhóm ngành nào được hưởng lợi từ kết quả kinh doanh

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
13:14 - 20/09/2022
'Rục rịch' mùa BCTC, nhóm ngành nào được hưởng lợi từ kết quả kinh doanh
0:00 / 0:00
0:00
Cơ hội bứt phá của thị trường chứng khoán sẽ hướng vào cổ phiếu những ngành có câu chuyện tăng trưởng ở phía trước, trong đó, điện, dược phẩm, bán lẻ là những ngành được đánh giá sẽ có lợi nhuận dự kiến tăng tốc hoặc phục hồi đáng chú ý.

Trong hơn 2 tuần đầu tiên của tháng 9, thị trường chứng khoán Việt Nam đã rung lắc mạnh. Tính đến phiên ngày 19/9, VN-Index đã giảm gần 80 điểm từ đầu tháng 9 đến nay, thanh khoản thị trường cũng có dấu hiệu sụt giảm sau khi phục hồi khá tích cực trong tháng 8. Trong ngắn hạn, những lo ngại của thị trường về việc Fed tăng lãi suất đã được phản ánh phần lớn vào diễn biến thị trường thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, nếu so sánh tương quan với các kênh đầu tư khác, thời điểm này chứng khoán vẫn được coi là kênh đầu tư hấp dẫn, triển vọng. Dù nhà đầu tư cá nhân đã bán ròng trong giai đoạn thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh từ tháng 4 đến nay nhưng tín hiệu tích cực là lượng tiền lớn vẫn nằm trên tài khoản.

Dữ liệu khảo sát của Chứng khoán ACB cho thấy, tính đến cuối quý II/2022, vẫn còn khoảng 70.000 tỷ đồng vẫn nằm trong tài khoản của các nhà đầu tư. Nếu so với thanh khoản thị trường thời gian gần đây, mỗi ngày giao dịch khoảng 10.000 tỷ đồng, thì lượng tiền vẫn nằm trong tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư và chưa giải ngân là số tiền rất lớn. Như vậy, lượng tiền lớn trong tài khoản nhà đầu tư đang tìm kiếm, chờ đợi cơ hội để quay trở lại thị trường.

Chia sẻ tại chương trình "Khớp lệnh" của VTV Digital, ông Nguyễn Tuấn Anh, nhà sáng lập Finpeace cho rằng, thị trường đang chờ thời điểm để bứt phá. Cơ hội lúc này sẽ hướng vào những cổ phiếu, ngành có câu chuyện tăng trưởng ở phía trước. Trong đó, theo ông Tuấn Anh, điện, dược phẩm, bán lẻ là những ngành được đánh giá sẽ có lợi nhuận dự kiến tăng tốc hoặc phục hồi đáng chú ý từ nay đến cuối năm.

Lợi nhuận khả quan từ mức nền thấp cùng kỳ

Với ngành điện, nhóm ngành này được kỳ vọng đạt được tăng trưởng tốt trong năm nay dựa trên mức nền tăng trưởng thấp của năm 2021 và theo đà hồi phục của nền kinh tế. Trong điều kiện bình thường, phụ tải điện có hệ số tăng trưởng thường trên 1,5 đến 1,8 lần tăng trưởng GDP. Theo đó, nhóm thủy điện sẽ được hưởng lợi trong phần còn lại của năm 2022 nhờ vào 2 yếu tố.

Thứ nhất, sản lượng huy động từ nguồn điện tái tạo mới (điện mặt trời và điện gió) biến động mạnh trong ngày và giữa các ngày trong tháng, đồng thời duy trì ở mức thấp trong các tháng đầu năm. Trong khi điện mặt trời cho thấy thời gian phát điện hiệu quả chỉ khoảng 4 - 5 giờ/ngày, điện gió vẫn cần theo dõi khả năng phát điện theo mùa gió để đánh giá hiệu quả, nên thủy điện vẫn sẽ đóng vai trò là nguồn năng lượng nền tảng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Thứ hai, ở nhóm ngành thuỷ điện, lượng mưa cơ bản tại khu vực Bắc Bộ trong tháng 7 và tháng 8 ghi nhận cao hơn trung bình năm ngoái từ 20 - 25%. Các khu vực Trung Bộ, Nam Bộ và Tây Nguyên cũng có lượng mưa cao, đặc biệt tại một số khu vực như Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ có thể cao hơn trên dưới 20% so với cùng kỳ.

Do vậy, các nhà máy thủy điện được hưởng lợi từ khi nguồn nước đang ở mức dồi dào, đặc biệt là các nhà máy thủy điện tại miền Trung như Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh, Thủy điện miền Trung...

Những thuận lợi trên dự báo sẽ phản ánh trong kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, đơn cử, CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh (Mã: VSH) cho biết, trong quý III/2022, tình hình thủy văn khá thuận lợi, hoạt động sản xuất của các nhà máy ổn định.

Với tình hình hiện tại, VSH có thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2022 với sản lượng điện sản xuất 1.857,23 triệu kWh, doanh thu 2.030,36 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 525,24 tỷ đồng, cổ tức 10%. Giá cổ phiếu VSH cũng đã tăng 40% trong 4 tháng qua, từ mức 27.000 đồng/CP trong tháng 5 lên 45.000 - 46.000 đồng/CP trong các phiên giao dịch cuối tuần qua, gần với vùng đỉnh lịch sử.

Một ngành khác cũng được đánh giá có triển vọng tăng trưởng cao trong quý III so với cùng kỳ là bán buôn - bán lẻ, đặc biệt là bán lẻ không thiết yếu (trang sức, đồ điện tử…) do mức nền lợi nhuận thấp của quý III/2021 vì lý do giãn cách xã hội.

Đơn cử, tại CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG), doanh thu trong tháng 7/2022 đạt 8.900 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ và lợi nhuận ròng đạt khoảng 300 tỷ đồng, tăng 32% do mức nền thấp cùng kỳ. Tháng 8/2022, doanh thu của MWG ước đạt 9.000 tỷ đồng. Cổ phiếu MWG đang giao dịch ở mức giá 72.000 đồng/CP, tương đương P/E hơn 21 lần, cao hơn mức trung bình 2 năm là 17,3 lần.

Ngoài ra, ngành phân bón dự báo tiếp tục đạt mức tăng trưởng như kế hoạch. Minh chứng cụ thể, CTCP Vĩnh Hoàn (Mã VHC - HOSE) mới đây đã công bố kết quả kinh doanh trong tháng 8 với doanh thu xuất khẩu tăng 73% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 6% so với tháng 7 khi đạt mức 1.270 tỷ đồng nhờ tăng cường xuất khẩu phi lê trong bối cảnh cung cầu thuận lợi thúc đẩy cả giá và sản lượng xuất khẩu tăng cao.

Trong quý III/2022, VDSC dự báo doanh thu của VHC đạt 3.570 tỷ đồng - tăng 60%; lợi nhuận sau thuế ghi nhận ở mức 553 tỷ đồng - tăng 117% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sự kỳ vọng tăng trưởng sẽ chỉ hướng vào từng cổ phiếu với mỗi câu chuyện riêng nhiều hơn là sự tăng trưởng cả ngành như đợt hồi phục trước của thị trường. Chẳng hạn, nhóm xuất khẩu được kỳ vọng kết quả kinh doanh tăng trưởng đột biến so với cùng kỳ, nhưng áp lực kinh doanh lên khối này cũng không nhỏ khi mà lạm phát tại nhiều nước nhập khẩu hàng Việt Nam ở mức cao khiến chi tiêu hạn chế.

Đọc tiếp