Rủi ro của trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ nhưng phân phối ra công chúng

TÀI CHÍNH Việt nAM
05:21 - 07/04/2022
Anh Nguyễn Minh Tuấn - CEO AFA Capital.
Anh Nguyễn Minh Tuấn - CEO AFA Capital.
0:00 / 0:00
0:00
Sau vụ việc tại Tân Hoàng Minh, vấn đề trái phiếu doanh nghiệp lại nóng với chủ đề phổ rộng là rủi ro đầu tư, khi trên thị trường hiện nay một số tổ chức phát hành trái phiếu sơ cấp theo hình thức riêng lẻ nhưng sau đó lại đi theo con đường đại chúng.

Theo báo cáo từ Công ty chứng khoán SSI, số lượng trái phiếu doanh nghiệp lưu hành tại thời điểm cuối năm 2021 đạt khoảng 1,4 triệu tỷ đồng, tương đương tốc độ tăng trưởng bình quân 46%/năm trong giai đoạn từ 2017-2021. Như vậy, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã tăng mạnh từ tương ứng 4,9% GDP (2017) lên 16,6% GDP (2021).

Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất với lần lượt 44% (318.200 tỷ đồng) và 31,3% (226.400 tỷ đồng) tổng lượng phát hành năm 2021.

Trái phiếu "ba không"

Thống kê của SSI cho thấy, năm 2021, trái phiếu đảm bảo bằng cổ phiếu và không có tài sản đảm bảo vẫn chiếm hơn một nửa tổng số trái phiếu phát hành. Tính riêng nhóm bất động sản, số trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo (một phần/toàn bộ) bằng cổ phiếu là 172.500 tỷ đồng, chiếm 54,2% lượng phát hành 2021. Con số thực tế có thể lớn hơn vì có tới 33.000 tỷ đồng (chiếm 10%) trái phiếu bất động sản phát hành không có thông tin về tài sản đảm bảo.

Theo anh Nguyễn Minh Tuấn - CEO AFA Capital, nhà sáng lập Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA), trái phiếu “ba không” đang rất phổ biến trên thị trường. Đó là: Không xếp hạng tín nhiệm, không tài sản đảm bảo (hoặc có cũng như không) và không bảo lãnh thanh toán. Loại trái phiếu này không đáp ứng đủ điều kiện để phát hành ra công chúng, nhưng qua con đường phát hành riêng lẻ, nó vẫn đến tay các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Anh Tuấn cho biết, hiện có hai hình thức phát hành trái phiếu là phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ. Trong đó, phát hành ra công chúng đòi hỏi điều kiện khắt khe hơn. Đó là tổ chức phát hành phải có vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng, năm liền trước năm đăng ký phải có lãi, không có lỗ lũy kế, không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 1 năm, có xếp hạng tín nhiệm... Với hình thức này, mọi nhà đầu tư có thể tham gia bởi tính minh bạch, giám sát của cơ quan chức năng chặt chẽ hơn.

Còn phát hành trái phiếu riêng lẻ thì điều kiện đơn giản hơn rất nhiều. Đó là báo cáo tài chính được kiểm toán, thanh toán đủ gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành hoặc các khoản nợ đến hạn trong 3 năm, tỷ lệ an toàn.

Tuy nhiên, theo Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được mua và giao dịch trái phiếu riêng lẻ; các đợt chào bán phải được tư vấn bởi công ty chứng khoán; quy định cơ chế công bố thông tin đầy đủ của doanh nghiệp phát hành, đặc biệt là công bố thông tin về mục đích huy động vốn trái phiếu.

Rủi ro khi mua trái phiếu thứ cấp

Từ sự khác biệt trên mà trên thị trường trái phiếu, tỷ lệ phát hành ra công chúng chưa tới 5%, còn lại là phát hành riêng lẻ. Theo cơ cấu nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp sơ cấp năm 2021, nhà đầu tư cá nhân chỉ chiếm 8,63%, trong khi tổ chức tín dụng chiếm 28,69% còn công ty chứng khoán chiếm 27,16%; còn lại là tổ chức khác, nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp, quỹ đầu tư và công ty bảo hiểm.

Tuy nhiên theo anh Tuấn, đó chỉ là phần sơ cấp, còn phần thứ cấp thì việc phân phối trái phiếu lại như trở lại con đường phát hành đại chúng. Đó là khi các tổ chức mua trái phiếu của tổ chức phát hành, rồi trở thành đại lý bán lại cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ qua các hình thức như hợp đồng hợp tác đầu tư, chứng chỉ quỹ trái phiếu… Quay trở lại điều kiện phát hành thì nhà đầu tư cá nhân khi mua trái phiếu này chắc chắn phải chịu rủi ro nhiều hơn so với mua của tổ chức phát hành đại chúng.

Trái phiếu là kênh huy động vốn quan trọng nhưng cần siết chặt quản lý. Ảnh minh họa

Trái phiếu là kênh huy động vốn quan trọng nhưng cần siết chặt quản lý. Ảnh minh họa

“Nhiều lô trái phiếu có tài sản đảm bảo nhưng có như không, đó là cổ phiếu hay các dự án hình thành trong tương lai, thậm chí còn chưa có quy hoạch. Khi mua thứ cấp, nhà đầu tư sẽ không được tiếp cận được các thông tin cụ thể này. Bên cạnh đó, cũng cần phân biệt giữa bảo lãnh phát hành và bảo lãnh thanh toán, đừng chỉ nghe ‘ngân hàng bảo lãnh’ mà nghĩ rằng đó là trái phiếu an toàn, không có rủi ro”, anh Tuấn phân tích thêm.

Theo anh Tuấn, trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn rất quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên thực trạng thời gian qua lại mang đến nỗi lo khi các rủi ro có thể nhìn thấy rõ. Vì thế, việc cơ quan chức năng siết chặt quản lý là điều cần thiết. Luật Chứng khoán (2019 sửa đổi), Nghị định 153/2020/NĐ-CP, Nghị định 155/2020/NĐ-CP, Thông tư 122/2020/TT-BTC đều là các bước đi kịp thời để điều chỉnh thị trường chứng khoán theo đúng hướng.

Tin liên quan

Đọc tiếp