Rút ngắn con đường thâm nhập thị trường Trung Quốc bằng thương mại điện tử

XUẤT KHẨU Việt nAM
09:32 - 23/03/2022
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ
0:00 / 0:00
0:00
Quy mô thị trường thương mại điện tử của Trung Quốc đang có xu hướng mở rộng và đây chính là “con đường” mà các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có thể tận dụng để duy trì vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực ASEAN.

Ông Nông Đức Lai, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc nhận định, xu hướng phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc sẽ chính là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong thời gian tới.

Chia sẻ tại hội thảo “Truy xuất nguồn gốc, ứng dụng nền tảng số trong hỗ trợ kết nối, tiêu thụ nông sản Việt”, chiều 22/3, ông Lai cho biết, tổng quan chung theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, tổng kim ngạch xuất – nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc năm 2021 đạt 230,2 tỷ USD, tăng 19,7%.

Việt Nam vẫn duy trì là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác xuất khẩu lớn thứ 2 trong khu vực, chỉ sau Malaysia.

Ảnh tác giả

“Điểm sáng trong xuất khẩu nông sản thực phẩm của Việt Nam sang Trung Quốc năm 2021 là nhiều sản phẩm được phân phối, bán lẻ tại các siêu thị lớn, sàn thương mại điện tử của Trung Quốc”.

Ông Nông Đức Lai, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc

Những năm gần đây, nhiều sản phẩm của Việt Nam đã thay đổi mẫu mã, bao bì, cải tiến hình ảnh đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn quy định của Trung Quốc, phù hợp với tâm lý, sở thích mua sắm của người tiêu dùng sở tại. Do vậy, nhiều sản phẩm chiếm được thị phần lớn trong kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc.

Hiện nay, Trung Quốc là quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử nhanh nhất trên toàn cầu. Trung Quốc có khoảng 1,3 tỷ người dùng Internet di động, số người tham gia mua hàng trực tuyến và thanh toán di động cao nhất thế giới.

Quy mô thị trường thương mại điện tử của Trung Quốc năm 2016 là 26,1 nghìn tỷ NDT, con số này tăng lên 37,2 nghìn tỷ vào năm 2020, bình quân tăng 9,3%/ năm. Trong đó doanh số bán lẻ trực tuyến đạt 11,76 nghìn tỷ NDT tăng 10,9%, riêng doanh số bán lẻ hàng hóa đạt 9,76 nghìn tỷ NDT tăng 14,8%, chiếm 24,9% tổng doanh số bán lẻ tiêu dùng xã hội.

Năm 2021, tổng doanh số bán lẻ trực tuyến đạt hơn 13 nghìn tỷ NDT (tương đương gần 2.000 tỷ USD), trong đó doanh số bán lẻ hàng hóa đạt 10,8 nghìn tỷ NDT, chiếm 27,4% tổng doanh số bán lẻ hàng hóa của Trung Quốc.

Năm 2020, kim ngạch xuất nhập khẩu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc đạt 1,69 nghìn tỷ NDT (tương đương khoảng 250 tỷ USD), tăng 31,1%. Trong đó, xuất khẩu đạt 1,12 nghìn tỷ NDT, tăng 40,19%; nhập khẩu 570 tỷ NDT, tăng 16,5%.

Ra mắt “Gian hàng quốc gia Việt Nam” trên sàn thương mại điện tử Alibaba tháng 3/2022.

Ra mắt “Gian hàng quốc gia Việt Nam” trên sàn thương mại điện tử Alibaba tháng 3/2022.

Thị trường thương mại điện tử của Trung Quốc không ngừng mở rộng. Trong giai đoạn 2016 – 2022, quy mô thị trường đều đạt tăng trưởng trên 2 con số, năng lực mua sắm người dân không ngừng mở rộng.

Ngoài ra, còn có sự hỗ trợ của các tập đoàn thương mại điện tử lớn của Trung Quốc và đối tác khác đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh những cơ hội, khi tiến vào thị trường thương mại điện tử Trung Quốc, ông Lai cũng lưu ý các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam một số thách thức.

Trong đó, trở ngại đầu tiên là đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động thương mại, chuỗi cung ứng. Hệ thống vận tải, kho hàng, dịch vụ logistics chưa đồng bộ. Nguồn nhân lực và hạ tầng kỹ thuật số chưa đáp ứng cho phát triển. Các rào cản về cơ chế, thủ tục vẫn chưa được giải quyết để tạo điều kiện cho thương mại điện tử xuyên biên giới.

Để tận dụng tối đa những cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản thực phẩm sang thị trường Trung Quốc thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc đề xuất tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các thể chế, chính sách liên quan nhằm tạo khung khổ pháp lý cho phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới.

Bộ Công Thương cần chú trọng, nâng cao đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển thương mại điện tử nói chung, thương mại điện tử xuyên biên giới nói riêng; tập trung thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ tốt cho thương mại điện tử; tăng cường hơn nữa các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với lĩnh vực chuyển đổi số và thương mại điện tử.

Hợp tác thương mại điện tử giữa Việt Nam – Trung Quốc

- Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc đã ký kết MOU về hợp tác trong lĩnh vực thương mại điện tử năm 2017.

-Tổ chức 2 hội nghị hợp tác trong lĩnh vực thương mại điện tử Việt Nam - Trung Quốc.

- Ngày 16/3/2021, Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba ký Biên bản hợp tác nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam xuất khẩu trực tuyến qua sàn thương mại điện tử.

- Tháng 11/2021, Cục thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) khai trương “Gian hàng quốc gia Việt Nam” trên Sàn thương mại điện tử JD (Trung Quốc).

- Tháng 3/2022, Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã ra mắt “Gian hàng quốc gia Việt Nam” trên sàn thương mại điện tử Alibaba nhằm tạo kênh phân phối cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vinhomes Royal Island khuynh đảo thị trường

Vinhomes Royal Island khuynh đảo thị trường

Với việc ra mắt chính thức siêu phẩm Thành phố đảo Hoàng gia trên “chợ trực tuyến” Vinhomes Market, Vinhomes mở ra một hướng đi mới cho thị trường bất động sản, đặc biệt là trong bối cảnh giao dịch trực tuyến đang là xu hướng chủ đạo với mọi lĩnh vực.