Sau Phần Lan, đến lượt Thụy Điển tuyên bố sẽ gia nhập NATO

NATO Thụy Điển
11:25 - 16/05/2022
Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson hôm 15/5. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson hôm 15/5. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 15/5, Đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền của Thụy Điển tuyên bố ủng hộ việc nước này gia nhập Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), thay đổi quan điểm phản đối suốt nhiều thập kỷ.

"Ban lãnh đạo đảng đã quyết định trong cuộc họp hôm 15/5 rằng sẽ hành động để tiến tới việc Thụy Điển nộp đơn trở thành thành viên của NATO", tuyên bố từ đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền Thụy Điển nêu rõ.

Cùng ngày, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson cho biết, nước này chắc chắn đưa ra lá đơn xin gia nhập chính thức cho NATO trong vài ngày tới và mong đợi tiến trình thực hiện cùng với Phần Lan, theo Reuters.

Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin (trái), Thủ tướng Đức Olaf Scholz (giữa) và Thủ tướng Thụy Điển, Magdalena Andersson (phải). Thụy Điển và Phần Lan đều có ý định gia nhập NATO. Ảnh: Getty Images
Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin (trái), Thủ tướng Đức Olaf Scholz (giữa) và Thủ tướng Thụy Điển, Magdalena Andersson (phải). Thụy Điển và Phần Lan đều có ý định gia nhập NATO. Ảnh: Getty Images

Bà Andersson nói rằng, chính sách không gia nhập liên minh đã phụng sự tốt cho Thụy Điển trong suốt khoảng thời gian qua, nhưng nó sẽ không còn phù hợp trong tương lai.

Ông Peter Hultqvist, Bộ trưởng Quốc phòng nước này cũng đưa ra cảnh báo Thụy Điển sẽ "rơi vào tình thế nguy hiểm" nếu là quốc gia duy nhất ở khu vực Baltic còn nằm ngoài khối NATO. "Chúng tôi sẽ bị bỏ lại phía sau", ông nói thêm.

Tuy nhiên, người đứng đầu đảng cầm quyền Thụy Điển nhấn mạnh, nếu đơn xin gia nhập thành công, Thụy Điển sẽ phản đối việc triển khai vũ khí hạt nhân hay các căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ nước này, theo RT.

Vấn đề gia nhập NATO vốn gây chia rẽ các đảng viên Đảng Dân chủ Xã hội của Thủ tướng Magdalena Andersson, do một số thành viên trong đảng bày tỏ lo ngại rằng quyết định ủng hộ gia nhập NATO đã được thông qua một cách vội vàng.

Tuy nhiên, bản đánh giá về chính sách an ninh của các bên trong Quốc hội Thụy Điển được trình bày hôm 13/5 đã kết luận rằng, việc Thụy Điển trở thành thành viên NATO sẽ làm giảm nguy cơ xung đột ở Bắc Âu. Báo cáo cũng lưu ý, "trong khuôn khổ hợp tác hiện tại, không có gì đảm bảo Thụy Điển sẽ được giúp đỡ nếu nước này là mục tiêu của một cuộc tấn công hoặc đe dọa nghiêm trọng”.

Tuyên bố trên được đưa ra không lâu sau khi chính phủ Phần Lan chính thức tuyên bố sẽ nộp đơn gia nhập NATO. Cả Phần Lan và Thụy Điển duy trì quan điểm trung lập hàng chục năm qua, nhưng bắt đầu xem xét lại chính sách an ninh sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2.

Các khảo sát dư luận gần đây cho thấy, đa số người dân ở cả hai nước này đều ủng hộ gia nhập NATO. Đầu tháng trước, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, khối này sẵn sàng chào đón Phần Lan và Thụy Điển nếu hai nước nộp đơn xin gia nhập, khẳng định quá trình phê duyệt thành viên sẽ diễn ra "rất nhanh chóng". Các nước như Mỹ, Anh cũng cam kết đảm bảo an ninh cho Helsinki và Stockholm trong quá trình gia nhập.

Trong khi đó, phía Nga lên tiếng cảnh báo sẽ đáp trả bằng biện pháp quân sự - kỹ thuật nếu Phần Lan, Thụy Điển trở thành thành viên của liên minh này.

Thổ Nhĩ Kỳ, nước đã gây bất ngờ cho các đồng minh NATO trong những ngày gần đây khi nói rằng họ “không có quan điểm tích cực” về ý tưởng cho Phần Lan và Thụy Điển gia nhập khối. Tuy nhiên, bên lề một cuộc họp ở Berlin (Đức) hôm 15/5, Ankara cho biết, họ muốn hai nước Bắc Âu ngừng hỗ trợ cho các nhóm lực lượng người Kurd (bị coi là khủng bố), đồng thời dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết các cuộc đàm phán với những người đồng cấp Thụy Điển và Phần Lan tại Berlin đã rất hữu ích. "Hai nước đã đưa ra đề xuất để đáp ứng những lo ngại của Ankara", ông nói.

Việc tiếp nhận thêm thành viên mới của NATO đều cần có sự chấp thuận của tất cả 30 đồng minh và Quốc hội của họ. Các nhà ngoại giao và quan chức NATO cho biết, nếu được các đồng minh nhất trí và ý kiến phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ được giải quyết, đơn xin gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển sẽ được chấp thuận chỉ trong vòng vài tuần, mặc dù việc phê chuẩn của Quốc hội các đồng minh có thể mất tới một năm.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Giá dầu và giá vàng thế giới tăng sau khi Israel được nghi đã tấn công Iran ngày 19/4/2024. Ảnh: The Star

Giá dầu tăng 3% sau tin Israel tấn công Iran

Tin tức về các cuộc tấn công được nghi là do Israel tiến hành gần căn cứ không quân ở thành phố Isafahan, miền trung Iran ngày 19/4 nổ ra, làm dấy lên lo ngại về xung đột mở rộng tại Trung Đông, đẩy giá dầu và giá vàng thế giới ngay lập tức gia tăng.
Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro. Ảnh: AP

Venezuela đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador

Ngày 16/4, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribbean (CELAC) đã ra lệnh đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador nhằm thể hiện sự đoàn kết với Mexico trong cuộc đối đầu ngoại giao với Ecuador.