Ông Koh Chiap Khiong, Tổng Giám đốc Sembcorp Industries khu vực Singapore và Đông Nam Á.

'Sembcorp tự hào là một sợi dây bền chặt trong hợp tác giữa Việt Nam và Singapore'

NĂNG LƯỢNG sembcorp
07:36 - 23/01/2023
Sembcorp Industries là nhà cung cấp các giải pháp năng lượng và đô thị tích hợp hàng đầu châu Á với sự hiện diện tại hơn 10 nước trên thế giới lấy trọng tâm là châu Á, trong đó có Việt Nam.

Từ năm 1996, sau thỏa thuận mang tính bước ngoặt của Thủ tướng Chính phủ hai nước Việt Nam và Singapore, Tập đoàn Sembcorp Industries đã có mặt tại Việt Nam, liên doanh, hợp tác phát triển và mở rộng nhanh chóng.

VSIP - liên doanh giữa Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Becamex IDC và Tập đoàn Sembcorp, được xem là một trong những biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị và hợp tác kinh tế tốt đẹp giữa Việt Nam và Singapore. Đồng thời cũng là một trong những trường hợp điển hình thành công nhất của đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, hướng tới mục tiêu phát triển xanh hơn và bền vững hơn, mảng năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo, là lĩnh vực thế mạnh được Sembcorp chú trọng đầu tư. Tập đoàn đã cam kết và tập trung thực hiện để đạt các mục tiêu năm 2025, trong đó bao gồm đạt 10GW tổng công suất năng lượng tái tạo được lắp đặt.

Bằng việc không ngừng nỗ lực chuyển đổi danh mục đầu tư, mở rộng phát triển các giải pháp, sáng kiến khử carbon đa dạng đáp ứng kế hoạch hành động về khí hậu, đến nay tổng công suất năng lượng tái tạo đã lắp đặt và đang phát triển của Sembcorp trên toàn cầu lên đến 9,5GW, tiến rất gần tới mục tiêu đề ra.

Nhân dịp đầu năm mới 2023, cũng là thời điểm bước sang năm đánh dấu mốc quan trọng trong quan hệ ngoại giao 50 năm giữa hai nước Việt Nam – Singapore, Mekong ASEAN có buổi trò chuyện với ông Koh Chiap KhiongTổng giám đốc Sembcorp Industries, Khu vực Singapore và Đông Nam Á.

Mekong ASEAN: Năm 2023 đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Singapore và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Sembcorp Industries đã đầu tư vào Việt Nam hơn 25 năm, những thành tựu của Sembcorp tại Việt Nam là gì, thưa ông?

Ông Koh Chiap Khiong: Sembcorp Industries là đối tác phát triển lâu năm của Việt Nam. Chúng tôi tự hào là một sợi dây bền chặt gắn bó hợp tác giữa Việt Nam và Singapore.

Trong 25 năm qua, Sembcorp Development, công ty phát triển đô thị của chúng tôi, đã cùng đối tác Việt Nam là Becamex IDC thành lập 11 Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) tại nhiều địa phương, thu hút hơn 17 tỷ USD đầu tư và tạo ra hơn 300.000 cơ hội việc làm trong nước.

Năm 2022, VSIP đã được tạp chí Euromoney (Vương quốc Anh) trao giải Nhà phát triển công nghiệp/nhà kho tốt nhất Việt Nam – đây là lần thứ 7 VSIP đạt được danh hiệu này. Năm 2022 cũng đánh dấu những cột mốc quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của chúng tôi tại Việt Nam. Đầu tháng 12 vừa qua, Sembcorp vừa động thổ khu kho vận Sembcorp Quảng Ngãi, nhà kho xây sẵn hiện đại đầu tiên của VSIP Quảng Ngãi. Và chúng tôi đã được trao giấy phép đầu tư phát triển VSIP thứ 12 tại Cần Thơ trong chuyến thăm của Tổng thống Singapore Halimah Yacob tới Việt Nam.

Về mảng năng lượng, chúng tôi tham gia vào lĩnh vực phát điện thông qua việc vận hành Nhà máy điện Phú Mỹ 3, dự án điện BOT đầu tiên của Việt Nam với công suất 748MW và cung cấp nguồn năng lượng đáng tin cậy cho Việt Nam trong hơn hai thập kỷ qua.

Trong kế hoạch chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh” được công bố vào năm 2021, chúng tôi tìm hiểu các cơ hội để tăng cường triển khai các dự án năng lượng tái tạo trong nước và phát triển mạnh mẽ từ công suất 72MW hiện có của mình.

Tháng 2/2022, Sembcorp đã ký bốn thỏa thuận hợp tác để triển khai một loạt các giải pháp năng lượng và đô thị nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững cho Việt Nam. Các thỏa thuận này bao gồm hợp tác với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển xanh bền vững cho Việt Nam.

Việt Nam là thị trường trọng điểm trong chiến lược chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh” của Sembcorp. Những sự hợp tác nêu trên tái khẳng định cam kết sâu sắc của chúng tôi đối với Việt Nam, và hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Chúng tôi mong muốn được hợp tác với các đối tác có cùng chí hướng trong năm tới để tạo ra sức mạnh tổng hợp cho việc xây dựng một tương lai xanh và bền vững hơn cho Việt Nam.

Mekong ASEAN: Chuyển dịch năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo đang là chủ đề rất được quan tâm trên thế giới trong thời gian gần đây. Sembcorp Industries cũng đã đặt mục tiêu đạt 10GW năng lượng tái tạo vào năm 2025. Vậy kế hoạch triển khai của Tập đoàn trong những năm tới là gì, thưa ông?

Ông Koh Chiap Khiong: Tại Sembcorp, tính bền vững là tôn chỉ kinh doanh của chúng tôi. Nằm trong chiến lược chuyển đổi danh mục đầu tư từ “nâu” sang “xanh”, chúng tôi đã đặt ra các mục tiêu vào tháng 5 năm 2021 để nhằm đạt được vào năm 2025, cụ thể là: Tăng công suất năng lượng tái tạo đã lắp đặt của chúng tôi từ mức cơ bản 2,6 GW vào năm 2020 lên 10GW; tăng doanh số bán đất của doanh nghiệp phát triển đô thị của chúng tôi từ mức cơ bản 172 ha vào năm 2020 lên 500 ha; tăng tỷ lệ đóng góp lợi nhuận ròng từ danh mục các giải pháp bền vững (bao gồm năng lượng tái tạo và giải pháp đô thị tích hợp) của chúng tôi từ mức cơ bản 40% vào năm 2020 lên 70%.

Sembcorp cũng có kế hoạch đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Là doanh nghiệp đi đầu trong việc cung cấp các giải pháp bền vững, chúng tôi có vị trí thuận lợi để đóng góp vào quá trình chuyển đổi năng lượng và bền vững của châu Á.

Quá trình chuyển đổi năng lượng sạch đòi hỏi sự đầu tư rất lớn. Cho đến nay, chúng tôi đã huy động thành công 3,3 tỷ đô la Singapore (tương đương 57.571 tỷ VNĐ) thông qua các hoạt động tài trợ xanh và tài chính bền vững, bao gồm các đợt phát hành trái phiếu xanh trị giá 400 triệu đô la Singapore (6.974 tỷ VNĐ) và 675 triệu đô la Singapore (11.776 tỷ VNĐ) phát hành trái phiếu liên kết bền vững (SLB) vào năm 2001.

Mekong ASEAN: Để đạt được mục tiêu trên, Sembcorp đã có những hành động cụ thể như thế nào?

Ông Koh Chiap Khiong: Chúng tôi cam kết và tập trung vào việc đạt được các mục tiêu của mình vào năm 2025. Chúng tôi đã công bố một số dự án phát triển trong nửa cuối năm 2022 giúp tập đoàn đạt được một cột mốc mới là 9,5 GW trên toàn cầu, tiến gần hơn đến mục tiêu tổng công suất năng lượng tái tạo được lắp đặt của cả tập đoàn là 10GW.

Các xu hướng lớn toàn cầu về khử carbon, điện khí hóa và đô thị hóa được thể hiện rõ nhất ở các nền kinh tế tăng trưởng cao như Việt Nam. Một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, Việt Nam là thị trường cốt lõi mà Sembcorp đang tìm hiểu các cơ hội lớn hơn để triển khai năng lượng tái tạo và các dự án đô thị tích hợp nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững của Việt Nam. Hiện nay, chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác quan trọng như EVN, PetroVietnam và BCG Energy để mở rộng mảng năng lượng tái tạo của chúng tôi tại Việt Nam thông qua cả các dự án đầu tư mới và các dự án mua lại (M&A).

Các công nghệ mới thông minh nhất trong ngành của Sembcorp ở các thị trường khác nhau như Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Quốc và Vương quốc Anh được thể chế hóa tại Trung tâm Xuất sắc (Center of Excellence) của Tập đoàn, nơi chúng tôi có thể tận dụng khả năng đổi mới, kỹ thuật và công nghệ của tập đoàn trong toàn bộ chuỗi giá trị kinh doanh của mình. Với các nền tảng giám sát và phân tích được phát triển cho các tài sản năng lượng mặt trời ở Singapore và năng lượng gió ở Ấn Độ, cũng như những giải pháp lưu trữ năng lượng lớn nhất châu Á, chúng tôi tin tưởng vào năng lực của mình có thể giúp Việt Nam đẩy nhanh quá trình thực hiện để đạt được tham vọng phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Mekong ASEAN: Ông nghĩ gì về tương lại ngành năng lượng tái tạo ở Việt Nam? Trong những năm tới, đâu là lĩnh vực trọng tâm mà Sembcorp chọn để phát triển (điện gió, điện mặt trời, hydrogen, tín chỉ carbon...)?

Ông Koh Chiap Khiong: Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi với nguồn tài nguyên dồi dào để sản xuất điện gió, mặt trời và cả thủy điện. Việt Nam đã lắp đặt 200MW năng lượng mặt trời vào năm 2018, con số này đã tăng lên hơn 9GW vào năm 2020. Cùng với cam kết của Chính phủ trong việc đầu tư vào năng lượng tái tạo để đa dạng hóa các nguồn năng lượng, Việt Nam hiện là một trong những thị trường tăng trưởng hàng đầu ở Đông Nam Á về phát triển năng lượng tái tạo.

Những bước phát triển này mang đến cơ hội cho chúng tôi trong hai lĩnh vực cụ thể, đó là sản xuất và tiêu thụ tại địa phương để khử carbon cho ngành điện, đồng thời xuất khẩu sang các nền kinh tế khác thông qua lưới điện khu vực hoặc lấy chứng chỉ năng lượng tái tạo (REC), tín chỉ carbon.

Loại bỏ dần việc sản xuất nhiên liệu hóa thạch sẽ đồng nghĩa với việc phải tăng công suất lớn của năng lượng tái tạo trong những năm tới. Điều này sẽ bao gồm các trang trại điện gió trên bờ và ngoài khơi, cũng như các hệ thống quang điện mặt trời trên mặt đất, trên mái nhà và nổi để tối đa hóa việc tạo ra năng lượng. Chúng tôi nhận thấy các trang trại năng lượng mặt trời nổi kết hợp các công trình thủy điện phù hợp để bổ sung cho kế hoạch phát triển công suất điện của đất nước.

Sembcorp gần đây cũng đã ra mắt công ty liên doanh về các giải pháp quản lý carbon với tên gọi GoNetZero™, bổ sung vào các hoạt động của chúng tôi với tư cách là tập đoàn năng lượng tái tạo hàng đầu châu Á.

Các doanh nghiệp sẽ có quyền truy cập vào các chứng chỉ năng lượng tái tạo và tín chỉ carbon cũng như quản lý danh mục đầu tư thuộc tính môi trường và năng lượng tái tạo để đạt được các mục tiêu khử carbon của họ.

Mekong ASEAN: Ông đánh giá thế nào về khả năng Việt Nam sẽ tham gia mạng lưới điện khu vực trong thời gian tới và xuất khẩu năng lượng tái tạo sang Singapore?

Ông Koh Chiap Khiong: Việt Nam có tiềm năng gió ngoài khơi lên tới 500GW, và có thể trở thành nước xuất khẩu ròng năng lượng tái tạo của châu Á. Tiềm năng tăng trưởng của đất nước với tư cách là một nhà xuất khẩu năng lượng tái tạo trong khu vực sẽ không chỉ giúp thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển ngành năng lượng tái tạo trong nước mà còn cho phép các quốc gia thành viên ASEAN như Singapore đạt được tham vọng phát thải ròng bằng 0 của họ.

Tuy nhiên, các nước ASEAN sẽ cần thời gian để cùng nhau phát triển một mạng lưới kết nối khu vực. Đồng thời, việc hiện đại hóa cơ sở hạ tầng lưới điện của Việt Nam sẽ là cần thiết để đáp ứng dòng năng lượng tái tạo khổng lồ đồng thời điều phối suôn sẻ nguồn năng lượng tái tạo không liên tục cùng với các tài sản năng lượng truyền thống ổn định.

Hệ thống lưu trữ năng lượng (BESS) của Tập đoàn Sembcorp Industries trên đảo Jurong (Singapore).

Hệ thống lưu trữ năng lượng (BESS) của Tập đoàn Sembcorp Industries trên đảo Jurong (Singapore).

Việc triển khai các hệ thống lưu trữ năng lượng quy mô lớn, tương tự như các hệ thống công suất 285MWh mà Sembcorp mới đưa vào hoạt động tại Singapore sẽ là cần thiết để quản lý sự mất ổn định của lưới điện do sự gián đoạn vốn có của năng lượng tái tạo.

Mekong ASEAN: Trong tương lai Sembcorp có mở rộng hoạt động đầu tư sang các lĩnh vực khác không, thưa ông?

Ông Koh Chiap Khiong: Tại Tuần lễ Năng lượng Quốc tế Singapore 2022, chúng tôi đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với chính phủ Nhật Bản và nhiều tập đoàn khác nhau để thúc đẩy phát triển hydrogen và các sáng kiến khử carbon khác. Sembcorp coi hydrogen là một giải pháp thay thế tiềm năng cho nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện và nguyên liệu công nghiệp.

Với nguồn năng lượng tái tạo dồi dào của ASEAN và nhu cầu tiềm năng trong khu vực về hydrogen để thay thế việc sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch hiện nay thì sự phát triển của nền kinh tế hydrogen trong khu vực ASEAN là hoàn toàn có thể. Việt Nam có tiềm năng trở thành cơ sở sản xuất hydrogen xanh cho khu vực. Chúng tôi mong muốn được hỗ trợ nhiều hơn nữa cho quá trình chuyển đổi năng lượng sạch tại Việt Nam trong năm mới này.

Chúc mừng năm mới!

Mekong – ASEAN: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Đọc tiếp