Siết quản lý thuế với giao dịch qua PayPal

PAYPAL Việt nAM
10:51 - 09/04/2022
Siết quản lý thuế với giao dịch qua PayPal
0:00 / 0:00
0:00
Tổng cục Thuế vừa chỉ đạo Cục Thuế các địa phương thực hiện rà soát để ngăn ngừa các giao dịch qua cổng thanh toán quốc tế không phù hợp với quy định của pháp luật. Văn bản của Tổng cục đặc biệt nêu ra một cái tên - Paypal.

Thực hiện đề án "quản lý thuế với hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam", Tổng cục thuế vừa yêu cầu các cục thuế tăng cường quản lý, chống thất thu thuế với thương mại điện tử.

Trong đó, đề nghị tăng cường rà soát, phối hợp cơ quan chức năng phát hiện hành vi kê khai, nộp thuế chưa đúng và các hành vi trốn thuế, gian lận liên quan đến các giao dịch trên cổng thanh toán quốc tế nói chung và Paypal nói riêng.

Ngoài ra, các cơ quan thuế các tỉnh thành được yêu cầu rà soát, phân loại và cập nhật thông tin của các công ty hoạt động kinh doanh, phát sinh thu nhập từ các hình thức kinh doanh thương mại điện tử theo các nhóm gồm doanh nghiệp có thu nhập từ các nền tảng nước ngoài như Google, Facebook, Apple, Amazon...

ĐIỂM TÊN PAYPAL
Là một dịch vụ trung gian dùng để thanh toán và chuyển tiền quốc tế qua mạng internet. Hiện nay, dân chuyên bán hàng trên các sàn thương mại điện tử quốc tế thường không rút tiền trực tiếp về tài khoản ngân hàng tại Việt Nam do vừa mất phí vừa là cách tránh bị kiểm soát nguồn thu nhập.

Để né thuế, họ thường tìm cách rút tiền về tài khoản PayPal, Payoneer sau đó bán lại cho người có nhu cầu ngoại tệ ở Việt Nam hoặc dùng tiền trong PayPal để mua hàng hoá. Bằng cách này, cơ quan thuế sẽ khó nắm nguồn thu nhập hơn so với việc rút tiền về tài khoản ngân hàng.

Các nhóm khác cần rà soát như doanh nghiệp kinh doanh bán hàng trực tuyến, kinh doanh hoạt động cho thuê nhà trực tuyến qua ứng dụng như Booking.com, Agoda...; chi trả thanh toán cho các dịch vụ điện tử của đơn vị nhà thầu nước ngoài; tổ chức điều hành sàn giao dịch thương mại điện tử (Sendo, Lazada, Shoppe...); điều hành các ứng dụng trung gian thanh toán (Vnpay, Airpay, Napas...); ứng dụng trung gian vận chuyển (Grab, Now, Baemin...).

Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế yêu cầu các cơ quan thuế địa phương phối hợp ngân hàng thương mại, các công ty tài chính, công ty cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán để thu thập thông tin doanh nghiệp, dữ liệu dòng tiền giao dịch qua tài khoản của các tổ chức trong nước với các công ty nước ngoài sở hữu, vận hành các nền tảng trực tuyến như Facebook, Google, YouTube...

Trong năm 2021, số thuế thu được từ các tổ chức, công ty tại Việt Nam có ký hợp đồng quảng cáo trực tuyến với tổ chức nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam như Google, Youtube, Facebook... là 1.314 tỉ đồng. Trong số đó, Facebook là 521 tỉ đồng; Google là 490 tỉ đồng; Microsoft là 164 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, thu từ cá nhân tự kê khai, số thuế truy thu, tiền phạt qua thanh tra, kiểm tra đối với cá nhân cư trú tại Việt Nam cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tại các trang mạng xã hội là 498 tỉ đồng.

Theo cơ quan thuế, hiện nay có khoảng 14 tập đoàn, công ty công nghệ lớn trên thế giới và 8 trang điện tử hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới có thu nhập tại Việt Nam đã thực hiện nghĩa vụ thuế thông qua các tổ chức, cá nhân Việt Nam khấu trừ, nộp thay.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Những người sáng tạo nội dung TikTok tập trung tại Đồi Capitol, ngày 12/3. Ảnh: Yahoo News

Mỹ tiến gần hơn tới lệnh cấm Tiktok

Thượng viện Mỹ ngày 23/4 (giờ địa phương) đã thông qua dự luật yêu cầu ứng dụng truyền thông mạng xã hội Tiktok phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc, hoặc sẽ bị cấm ở thị trường Mỹ.