Singapore thu hút 8,7 tỷ USD đầu tư tài sản cố định năm 2021

ĐẦU TƯ SINGAPORE
22:35 - 26/01/2022
Singapore thu hút được nhiều đầu tư tài sản cố định trong các lĩnh vực điện tử và y sinh. Ảnh: Straitimes
Singapore thu hút được nhiều đầu tư tài sản cố định trong các lĩnh vực điện tử và y sinh. Ảnh: Straitimes
0:00 / 0:00
0:00
Theo Ủy ban Phát triển Kinh tế (EDB) Singapore hôm 26/1, quốc gia này đã thu hút được tổng cộng 8,7 tỷ USD đầu tư vào tài sản cố định năm 2021, đồng thời cam kết sẽ tạo ra hơn 17.000 việc làm trong vòng 5 năm tới.

Đầu tư tài sản cố định là khái niệm dùng để đề cập đến đầu tư vốn gia tăng của một công ty vào cơ sở vật chất, thiết bị và máy móc.

So với mức 12,8 tỷ USD của năm 2020 - con số được EDB mô tả là “kết quả xuất sắc” - số liệu năm 2021 đã chứng kiến mức sụt giảm mạnh. Tuy nhiên nó vẫn phù hợp với mục tiêu của EDB trong việc đạt được mức đầu tư cam kết hàng năm từ 5,9 tỷ USD đến 7,4 tỷ USD trong trung và dài hạn.

Sản xuất điện tử và y sinh là hai nguồn đầu tư hàng đầu trong năm 2021 với số liệu cụ thể lần lượt là 3,7 tỷ USD và 1,3 tỷ USD. Trong số các khoản đầu tư được cam kết, hai lĩnh vực này chiếm tới hơn 50%.

Ngoài hai lĩnh vực này, các khoản đầu tư mới trong các lĩnh vực như nông sản, hóa chất và vật liệu cũng chiếm tỷ lệ lớn. Nếu tính theo khu vực, phần lớn các khoản cam kết đầu tư tới từ Mỹ với 67,1% và Châu Âu với 13,1%.

Tổng chi tiêu kinh doanh hàng năm, bao gồm các chi phí như tiền lương và chi phí thuê rơi vào khoảng 3,8 tỷ USD cho năm 2021 và giảm so với mức 6,8 tỷ USD của năm 2020.

Thêm vào đó, một khi các dự án mới đã cam kết vào năm 2021 được thực hiện đầy đủ, EDB dự kiến sẽ có 17.376 việc làm mới được tạo ra trong 5 năm tới. Điều này sẽ đóng góp thêm 12,5 tỷ USD giá trị gia tăng mỗi năm cho quốc gia này.

Trong số hơn 17.000 công việc mới trên, sẽ có khoảng 35% thuộc về lĩnh vực sản xuất và bao gồm các vai trò trong các lĩnh vực như kỹ thuật, chuỗi cung ứng và hậu cần. 32% tiếp theo sẽ thuộc về các khu vực kinh doanh và dịch vụ thương mại.

Trong một cuộc họp báo, Giám đốc điều hành EDB Jacqueline Poh cho biết 70% trong số những công việc mới này sẽ là về các vai trò như chuyên gia, quản lý, điều hành và kỹ thuật (PMET) và sẽ dành cho người dân địa phương là chủ yếu.

Chủ tịch EDB Beh Swan Gin. Ảnh: Nikkei Asia

Chủ tịch EDB Beh Swan Gin. Ảnh: Nikkei Asia

Các yếu tố ảnh hưởng tới cam kết đầu tư tại Singapore

Theo báo cáo tổng kết năm hàng năm được công bố hôm 26/1, EDB giải thích việc triển khai tiêm chủng thành công và việc tái mở cửa du lịch vào nửa cuối năm 2021 đã mang lại cho các công ty sự tự tin để đầu tư và mở rộng tại Singapore.

Chủ tịch EDB Beh Swan Gin nhận định: "Số liệu cam kết đầu tư mạnh mẽ trong năm 2021 chính là minh chứng cho danh tiếng của Singapore dưới tư cách một trung tâm chiến lược và một điểm nút quan trọng trong chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp châu Á và trên thế giới".

Ông Beh còn bổ sung thêm khi các nền kinh tế tái mở cửa và kết nối được khôi phục, danh tiếng về độ tin cậy và tính trung lập của Singapore sẽ giúp quốc gia này nắm bắt được nhiều cơ hội kinh tế hơn. Ngoài ra, các yếu tố khác như sự đổi mới, hệ sinh thái tài năng cũng như cơ sở nuôi dưỡng nhân tài ngày càng phát triển cũng đóng vai trò trọng yếu trong việc giúp nền kinh tế Singapore phát triển và mở rộng.

EDB cũng cho biết sự tăng trưởng của nền kinh tế số đã đóng góp đáng kể vào tổng cam kết chi tiêu kinh doanh năm 2021 khi hầu hết các lĩnh vực bắt đầu áp dụng số hóa. Trong thập kỷ qua, khu vực kỹ thuật số đã chứng kiến tỷ lệ việc làm được tạo mới thông qua các khoản đầu tư liên quan tới EDB gia tăng gấp đôi.

Bên cạnh đó, các công ty cũng tận dụng hệ sinh thái nghiên cứu và đổi mới đang phát triển mạnh của Singapore để thực hiện nhiều hoạt động nghiên cứu và phát triển hơn. Điều này đã dẫn tới nhiều trung tâm R&D được thành lập hơn cũng như các quan hệ đối tác được thiết lập giữa các nền tảng đổi mới, các Viện Nghiên cứu Đại học và các tổ chức nghiên cứu công.

Trả lời câu hỏi về tác động của lạm phát lên các khoản đầu tư, ông Beh nhận định việc này sẽ còn phụ thuộc vào các chính sách của ngân hàng trung ương nhằm đối phó với tình trạng này. Tuy nhiên, ông có chỉ ra rằng sự không chắc chắn có thể gây ra ảnh hưởng tới nhu cầu đầu tư.

Theo dự đoán của Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) và Bộ Thương mại và Công nghiệp (MTI), sự không chắc chắn sẽ còn bao phủ triển vọng lạm phát trong thời gian tới, bao gồm các chi phí đi lại qua đường hàng không và giá cả các mặt hàng như thực phẩm và dầu. Tình trạng lạm phát trên toàn thế giới có khả năng vẫn sẽ ở mức cao và sẽ tiếp tục trong một khoảng thời gian nữa trước khi giảm dần vào cuối năm nay.

Trong bối cảnh nền kinh tế và thị trường đầu tư toàn cầu vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn trong năm 2022, EDB cho biết sẽ tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực tăng trưởng cao và các lĩnh vực tạo ra giá trị gia tăng cao. Sự tập trung này sẽ giúp đem lại cho người dân quốc gia này các cơ hội việc làm mới và các đường hướng kinh doanh mới.

Để vươn lên mạnh mẽ hơn và nắm bắt những cơ hội này, EDB nhấn mạnh rằng Singapore sẽ phải luôn rộng mở và kết nối với thế giới, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á.

Đọc tiếp