Sinh viên ngành logistics có cơ hội 'thực chiến' sớm trong môi trường doanh nghiệp

logistics Việt nAM
19:53 - 27/03/2022
0:00 / 0:00
0:00
Ngành logistics đang được đánh giá là lĩnh vực có tiềm năng phát triển lớn, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch. Sinh viên theo học ngành này trên cả nước đang có cơ hội được tham gia hoạt động sớm và trực tiếp tại các doanh nghiệp trong ngành.

Trước nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động và doanh nghiệp, trường Đại học Đại Nam phối hợp với Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam (VALOMA) tổ chức tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm và phương pháp tổ chức hoạt động đào tạo gắn với trải nghiệm thực tiễn ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng, kinh doanh quốc tế” hôm 26/3, nhằm hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành logistics tại Việt Nam.

Đánh giá về cơ hội của thị trường đối với lĩnh vực logistics, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công thương, Chủ tịch danh dự VALOMA nhấn mạnh: “Ngành Logistics hiện nay có xu hướng phát triển nhanh. Theo thống kê sơ bộ, hiện có 49 trường đại học đào tạo về logistics ở nhiều cấp độ khác nhau. Điều này phản ánh nhu cầu xã hội về mặt nguồn lực, nhu cầu của các doanh nghiệp đòi hỏi đáp ứng cả về mặt số lượng và chất lượng. Điều này tạo thuận lợi cho các cơ sở đào tạo phát triển ngành này”.

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam VALOMA phát biểu tại tọa đàm. Nguồn: Đại học Đại Nam.

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam VALOMA phát biểu tại tọa đàm. Nguồn: Đại học Đại Nam.

Nhà trường phối hợp cùng doanh nghiệp trong đào tạo

Chia sẻ về định hướng đào tạo ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, TS. Lê Thị Mỹ Ngọc, Trưởng khoa Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Đại học Đại Nam cho biết, trường có kế hoạch giảng dạy lý thuyết kết hợp với trải nghiệm thực tế. Qua đó sinh viên sẽ được tham gia trải nghiệm tại các doanh nghiệp qua các kỳ thực tập.

Ngoài ra, sinh viên sẽ được trải nghiệm thực tế qua nền tảng công nghệ logistics lớn nhất Việt Nam là phần mềm Smartlog. Tuy nhiên, theo bà Ngọc, chương trình đào tạo đang đối mặt với một số khó khăn, điển hình là khó khăn trong việc triển khai chương trình đào tạo. Bên cạnh đó là những khó khăn về cơ sở vật chất phục vụ cho việc thực hành, không thể học phần nào cũng đưa sinh viên thực hành tại doanh nghiệp được.

Vì vậy, bà Ngọc bày tỏ mong muốn VALOMA sẽ tạo ra một hệ sinh thái kết nối các doanh nghiệp và nhà trường nhằm tối ưu hóa quá trình sử dụng nguồn nhân lực và chi phí trong công tác đào tạo.

Để hỗ trợ Đại học Đại Nam giải quyết những vướng mắc này, ông Trần Chí Dũng, Trưởng Ban Đào tạo VALOMA đã trình bày mô hình đào tạo VALOMA-COE, áp dụng các phương pháp mới như học tập trên cơ sở giải quyết vấn đề, đào tạo và cấp chứng nhận theo năng lực thực hiện, nhận biết - thiết kế - triển khai - vận hành.

Mô hình đào tạo VALOMA-COE. Nguồn: Ban Đào tạo VALOMA

Mô hình đào tạo VALOMA-COE. Nguồn: Ban Đào tạo VALOMA

Cụ thể, mô hình COE sẽ hỗ trợ về mặt cơ sở vật chất cho hoạt động thực hành bằng cách chia sẻ cơ sở vật chất đã có tại một số trường và doanh nghiệp như Trung tâm Mekong, Đại học Hàng Hải (Hải Phòng) để thực hành về kho hàng cho các trường phía Bắc, kết hợp tham quan Cảng, Trung tâm Logistics tại Hải Phòng.

Bên cạnh đó, phòng logistics lab của Đại học Thủ Đô Hà Nội (cơ sở Sóc Sơn) sẽ phục vụ thực hành WMS, TMS, kết hợp tham quan Ga hàng hóa tại Nội Bài. Ngoài ra, phòng lab của Công ty Tân Cảng - STC hỗ trợ thực hành FMS, TOS cho các trường phía Nam, kết hợp tham quan cảng Cát Lái…

Những buổi thực hành tại các cơ sở này mỗi tuần sẽ có 1 lớp, có kế hoạch theo năm. Các buổi thực hành này có thể gắn với chương trình đào tạo chính khóa hay đào tạo ngắn hạn. Đặc biệt, tất cả các lớp thực hành đều có cấp chứng nhận.

Bên cạnh đó, mô hình COE cũng giúp huy động nguồn nhân lực giảng dạy từ quỹ Hội viên và các chuyên gia quốc tế, lập thành các tổ chuyên môn như logistics, SCM và các chuyên môn khác.

Sinh viên cần trang bị đầy đủ kỹ năng

Là một ngành nghề nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển, tuy nhiên các em sinh viên cũng cần phải cần phải có những kiến thức đáp ứng yêu cầu của ngành nghề.

PGS.TS Trịnh Thị Thu Hương, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, trường Đại học Ngoại thương, Phó Chủ tịch VALOMA đánh giá: “Trong hai năm đại dịch đã cho thấy được vai trò của ngành logistics vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế. Khi ngành logistics phát triển chúng ta sẽ tiết kiệm được chi phí, thu hút đầu tư nước ngoài, tăng cường cạnh tranh giữa các quốc gia”.

PGS.TS Trịnh Thị Thu Hương, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, trường Đại học Ngoại thương. Nguồn: Đại học Đại Nam.

PGS.TS Trịnh Thị Thu Hương, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, trường Đại học Ngoại thương. Nguồn: Đại học Đại Nam.

Trong khi đó, lĩnh vực logistics quốc tế và ngoại thương của Việt Nam cũng có mối liên hệ khăng khít với nhau. “Khi Việt Nam có ngành dịch vụ logistics tốt chúng ta sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp trong lĩnh vực ngoại thương và đầu tư ra nước ngoài. Ngành dịch vụ vận chuyển phát triển thì chúng ta sẽ có cơ hội rất lớn để phát triển kinh tế”, bà Hương bày tỏ.

Trong bối cảnh tiềm năng như vậy, để nguồn nhân lực của chúng ta đáp ứng được cần phải trang bị rất nhiều kỹ năng.

Đồng quan điểm, bà Cao Cẩm Linh, Giám đốc Chiến lược, Tổng Công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post), Trưởng Ban Nghiên cứu VALOMA chia sẻ: “Chúng tôi mong chờ lứa lớp sinh viên ra trường, sinh viên nhóm ngành tiềm năng về ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng, được trang bị những kiến thức bắt buộc liên quan đến kỹ thuật mô hình hóa mô phỏng, phân tích chuỗi cung ứng, kho và kênh phân phối".

Bà gợi ý thêm: "Đối với một trường đại học tư thục như Đại Nam, hãy đi từ mục tiêu của lãnh đạo trường, thiết kế các chương trình giảng dạy “thực chiến” để sinh viên ra trường có thể "càn quét" các doanh nghiệp trong khu vực mục tiêu. Từ đó VALOMA có thể giúp trường xây dựng bài giảng phục vụ cho đầu ra nhóm doanh nghiệp mà trường hướng đến”.

Bà Cao Cẩm Linh, Giám đốc Chiến lược, Tổng Công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post), Trưởng Ban Nghiên cứu VALOMA. Nguồn: Đại học Đại Nam.

Bà Cao Cẩm Linh, Giám đốc Chiến lược, Tổng Công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post), Trưởng Ban Nghiên cứu VALOMA. Nguồn: Đại học Đại Nam.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng đưa ra một vài lời khuyên đối với các em sinh viên, khi cần phải xác định định hướng nghề nghiệp dài hạn, đam mê với công việc và có sự chuẩn bị từ trước. Một khi đã xác định sẽ làm việc trong lĩnh vực thương mại quốc tế, sinh viên được khuyên nên trang bị những kỹ năng như ngoại ngữ, quản trị sự thay đổi.

Bên cạnh đó, các trường cần phải đảm bảo giảng dạy để sinh viên đạt chuẩn đầu ra. Nếu như các trường đáp ứng được yêu cầu, các em sẽ không phải lo lắng trước nhu cầu thị trường.

Theo các chuyên gia, thực tế hiện nay bất kể chương trình đào tạo nào đều dựa trên xác định thị trường lao động, và được xác định bởi ba nhóm: chuẩn kiến thức, chuẩn kỹ năng và chuẩn về thái độ. Các em sinh viên khi ra trường có đầy đủ những kỹ năng, tiêu chuẩn trên thì chắc chắn sẽ đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường lao động.

Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) là tổ chức tập hợp các trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo ngắn hạn trên cả nước có đào tạo về logistics. Cùng với đó, hội viên của Hiệp hội cũng bao gồm các tổ chức nghiên cứu, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics.

Mặc dù mới chính thức thành lập từ tháng 7/2021, Hiệp hội đã tổ chức nhiều hoạt động thực chất nhằm kết nối các hội viên, nâng cao chất lượng chuyên môn trong công tác công tác giảng dạy, ứng dụng, kinh doanh logistics.

Là cơ quan quản lý nhà nước chung về logistics, Bộ Công Thương hoan nghênh và đồng hành cùng Hiệp hội, nhà trường, doanh nghiệp để tạo ra nguồn nhân lực logistics phong phú, chất lượng, đáp ứng cho nhu cầu ngày càng cao của xã hội và nền kinh tế.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vinhomes Royal Island khuynh đảo thị trường

Vinhomes Royal Island khuynh đảo thị trường

Với việc ra mắt chính thức siêu phẩm Thành phố đảo Hoàng gia trên “chợ trực tuyến” Vinhomes Market, Vinhomes mở ra một hướng đi mới cho thị trường bất động sản, đặc biệt là trong bối cảnh giao dịch trực tuyến đang là xu hướng chủ đạo với mọi lĩnh vực.