Số ca trẻ em tử vong do suy thận cấp tại Indonesia tiếp tục tăng

Y Tế Indonesia
12:16 - 26/10/2022
Số ca trẻ em tử vong do suy thận cấp liên quan tới các thành phần trong thuốc dạng siro.
Số ca trẻ em tử vong do suy thận cấp liên quan tới các thành phần trong thuốc dạng siro.
0:00 / 0:00
0:00
Khi số ca trẻ em mắc suy thận cấp bị tử vong tại Indonesia đã tăng lên 143, các cơ quan y tế công cộng nước này đề nghị chính phủ chấp thuận việc yêu cầu các nhà sản xuất chỉ sử dụng một chất tăng độ hòa tan duy nhất trong các sản phẩm thuốc dạng siro.

Các quan chức y tế Indonesia đang buộc phải bắt tay vào điều tra mối liên hệ giữa các ca suy thận cấp ở trẻ em với các loại thuốc dạng siro khi số ca trẻ em tử vong và nhập viện vì bệnh này tăng cao bất thường. Tính tới 24/10, số trẻ em tử vong đã tăng từ 99 em lên 143 em, chiếm tới 56% trong số 255 trường hợp mắc suy thận cấp trên khắp 26 tình thành của Indonesia.

Qua các kết quả điều tra ban đầu, giới chức Indonesia đã phát hiện ra 3 chất cấm, trong đó có ethylene glycol và diethylene glycol dưới dạng tạp chất trong polyethylene glycol vốn được sử dụng làm dung môi trong siro trị sốt, ho và cảm cúm.

Về kết quả điều tra, Giám đốc Cục quốc gia quản lý thực phẩm và thuốc Indonesia (BPOM) Penny Lukito cho biết, cơ quan này đã xác định được 2 nhà sản xuất thuốc có sản phẩm vượt mức cho phép của ethylene glycol và diethylene glycol. Hiện cơ quan này đang phối hợp làm việc với cảnh sát để khởi tố hình sự đối với 2 nhà sản xuất này.

Trước đó để đề phòng số ca nhiễm suy thận cấp gia tăng hơn nữa, Indonesia đã cho tạm ngừng mọi việc kê đơn và bán thuốc dạng siro cho người bệnh. Tuy nhiên tới ngày 25/10, Bộ Y tế nước này cho biết đã dỡ bỏ lệnh cấm tạm thời đối với 156 loại siro thuốc được chứng minh không chứa ethylene glycol và các chất tương tự có thể gây ra suy thận cấp ở trẻ em.

Ngoài 156 loại thuốc này, tất cả các sản phẩm siro khác vẫn đang trong diện bị cấm sử dụng trong các cơ sở y tế cũng như được bán tại các hiệu thuốc. Lệnh cấm này sẽ có hiệu lực cho đến khi có thông báo mới từ chính phủ.

Các nhà chức trách Indonesia sẽ khởi tố hình sự 2 nhà sản xuất siro có thành phần chất cấm vượt quy định. Ảnh: AFP

Các nhà chức trách Indonesia sẽ khởi tố hình sự 2 nhà sản xuất siro có thành phần chất cấm vượt quy định. Ảnh: AFP

Ngoài ra theo tiến sĩ Windhu Purnomo, một chuyên gia y tế công cộng từ Đại học Airlangga, chính phủ nên thực hiện thêm các biện pháp khác để đảm bảo an toàn trong siro thuốc cho trẻ em. Cụ thể, ông đề xuất chính phủ nên cấm các nhà sản xuất thuốc sử dụng các thành phần như polyethylene glycol, propylene glycol, sorbitol và glycerine – những chất có thể chứa nhiều tạp chất độc hại.

Giải thích cho việc này, ông Windhu cho biết việc trẻ em sử dụng nhiều loại thuốc cùng một lúc hoặc sử dụng nhiều lần một số loại thuốc nhất định có thể làm tăng khả năng vượt quá “giới hạn an toàn” của các tạp chất trong chất tăng độ hòa tan của thuốc.

Vì vậy, tờ The Straits Times trích dẫn ông Windhu Purnomo cho biết biện pháp an toàn nhất chính là là đảm bảo không có bất kỳ tạp chất nào trong thành phần thuốc. Cách tối ưu nhất để thực hiện việc này chính là loại trừ hoàn toàn việc sử dụng các chất trên.

Mặt khác, ông cũng bổ sung việc kiểm soát chất lượng ngành dược đang có sự lơ là, vì vậy, cơ quan vốn chịu trách nhiệm không biết các tạp chất đã vượt qua giới hạn an toàn. Nếu không có sự theo dõi chặt chẽ của BPOM, việc cho phép sử dụng một số thành phần có thể mở đường cho các nhà sản xuất thuốc phá vỡ các quy tắc.

Cùng với ông Windhu, chuyên gia Hermawan Saputra từ Hiệp hội Chuyên gia Y tế Công cộng Indonesia cũng đồng ý rằng việc sử dụng các chất tăng cường độ hòa tan như polyethylene glycol nên bị cấm. Ông khẳng định những chất như vậy không nên trở thành sự lựa chọn chính cho các thành phần được sử dụng trong sản xuất thuốc. Ngành dược nên sử dụng những chất thay thế được chứng minh là an toàn trong các nghiên cứu và các ứng dụng của chúng cũng phải được kiểm soát.

Ở một diễn biến khác, để giảm tỷ lệ tử vong cho trẻ em, chính phủ Indonesia cũng đang mở rộng việc sử dụng thuốc tiêm fomepizole. 10 lọ thuốc giải độc từ Singapore có chứa thành phần này đã chứng minh hiệu quả trong việc cải thiện tình trạng của 10 bệnh nhân được điều trị tại bệnh viện Cipto Mangunkusumo tại Jakarta. Chính phủ cũng đang cố gắng đảm bảo nguồn cung 16 lọ thuốc giải độc khác từ Singapore, 16 lọ từ Australia vào đầu tuần này cũng như thêm 200 lọ khác từ Mỹ và Nhật Bản.

Tin liên quan

Đọc tiếp