Số doanh nghiệp được thành lập mới trong quý I/2022 tăng mạnh

THỊ TRƯỜNG Việt nAM
17:50 - 12/04/2022
0:00 / 0:00
0:00
Theo Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động trong quý I/2022 phục hồi nhanh ngay cả khi số ca nhiễm Covid-19 trong cả nước không ngừng tăng, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn một số yếu tố thiếu bền vững.

Ngày 12/4, Tổng cục Thống kê đã tổ chức họp báo công bố tình hình lao động việc làm quý I/2022. Theo báo cáo ghi nhận, trong những tháng đầu năm nay, mặc dù số ca nhiễm Covid-19 gia tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố do biến chủng Omicron thay thế dần biến thể Delta, nhưng với chiến lược thích ứng an toàn và tăng độ phủ vaccine với tỷ lệ bao phủ vaccine phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên mũi 2 khoảng 99%, và mũi 3 khoảng 50%, thị trường lao động quý I năm 2022 đã dần phục hồi trở lại.

Doanh nghiệp thành lập mới tăng cao

Việc khẩn trương triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình, nền kinh tế Việt Nam đã có những dấu hiệu khởi sắc ngay trong quý I/2022.

Số liệu của Tổng cục Thống kê ghi nhận, bình quân GDP trong quý I tăng 5,03% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 176,4 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 88,6 tỷ USD, tăng 12,9%.

Đặc biệt, số doanh nghiệp mới thành lập trong quý I/2022 ghi nhận tăng mạnh dù tình hình Covid-19 vẫn còn phức tạp, số doanh nghiệp thành lập mới đạt 34,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới ở quy mô từ 0-10 tỷ đồng là 30.778 (chiếm 89% và tăng 18,9%); từ 20-50 tỷ đồng là 1.152 doanh nghiệp (chiếm 3,3% và tăng 30,6%); từ 50-100 tỷ đồng là 550 doanh nghiệp (chiếm 1,6% và tăng 28,2%); quy mô trên 100 tỷ đồng là 474 doanh nghiệp (chiếm 1,4% và tăng 3,7%).

Tính theo địa phương, khu vực Đông Nam Bộ có số lượng doanh nghiệp thành lập mới cao nhất cả nước với gần 14,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, TP HCM có 10.207 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 24,1%.

Thông thường, các doanh nghiệp sẽ lên kế hoạch kinh doanh tài chính xuyên suốt cả năm vào quý I. Tổng số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động trong 3 tháng đầu năm là 706,7 nghìn tỷ đồng, tăng 34,5% so với cùng kỳ 2021. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 25,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 73,6% và tăng ở tất cả các lĩnh vực, trong đó, dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng mạnh nhất (1.485 doanh nghiệp, tăng 105,4%) do tác động tích cực từ việc mở cửa đón khách quốc tế.

Cũng trong quý I/2022, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm 4.355 doanh nghiệp, giảm 16,7% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: 3.184 doanh nghiệp có thời gian hoạt động từ 0-5 năm (chiếm 73,4%); 744 doanh nghiệp có thời gian hoạt động từ 5-10 năm (chiếm 17,2%) và 407 doanh nghiệp có thời gian hoạt động trên 10 năm (chiếm 9,4%).

Những tín hiệu tích cực từ tình hình đăng ký kinh doanh trong quý I/2022 đã minh chứng cho sự quyết tâm của Quốc hội và Chính phủ trong việc đưa nền kinh tế sớm vượt qua giai đoạn khó khăn, thử thách để phục hồi và phát triển.

Lao động có việc làm tăng ở cả khối DN và cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể

Do chủ động thực hiện các biện pháp thích ứng linh hoạt của Chính phủ từ những tháng cuối năm 2021, kể từ đầu năm nay, thị trường lao động đã từng bước quay trở lại trạng thái bình thường mới.

Tốc độ phục hồi của lao động trong các đơn vị sản xuất kinh doanh tiếp tục được ghi nhận trong quý I/2022 với mức 16,8 triệu người với khối doanh nghiệp và 13,3 triệu người với cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, tương ứng tăng 533,4 nghìn người và tăng 521,5 nghìn người so với quý IV năm 2021.

Cơ sở kinh doanh cá thể là khu vực thu hút nhiều lao động quay trở lại làm việc nhiều nhất, số lao động tăng lên trong khu vực này chiếm tỷ trọng 55,4% số lao động tăng thêm trong kỳ.

Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 126/NQ-CP triển khai kịp thời đã hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn trả lương cho người lao động, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh cho người sử dụng lao động, đảm bảo phục hồi, duy trì việc làm cho người lao động.

Hiện nay, các doanh nghiệp đang bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất kinh doanh; các cấp, các ngành đang tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; trong đó bao gồm các giải pháp cụ thể như hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp.

Những chính sách này đã cải thiện tình trạng thiếu việc làm của người lao động quý đầu năm 2022, tiếp nối với thành quả phục hồi đã ghi nhận được ở quý IV năm 2021.

Bên cạnh đó, tuy có nhiều khởi sắc nhưng thị trường lao động Việt Nam vẫn tiềm ẩn một số yếu tố thiếu bền vững. Số người có việc làm tăng nhanh nhưng tăng nhiều ở lao động phi chính thức. Tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Lao động tự sản tự tiêu giảm, nhưng vẫn chưa trở về trạng thái bình thường ban đầu khi chưa xảy ra đại dịch.

Trước tình hình đó, Tổng cục Thống kê đề xuất một số giải pháp như tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, đẩy nhanh Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Đồng thời triển khai các chính sách để thu hút lao động tự sản tự tiêu, lao động không tham gia hoạt động kinh tế tham gia thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động xã hội và cải thiện đời sống của người dân. Nghiên cứu xây dựng các chương trình chính sách đào tạo phù hợp, nâng cao chất lượng nguồn lao động, đảm bảo năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Tin liên quan

Đọc tiếp