Số doanh nghiệp thành lập mới 6 tháng đầu năm 2022 lập kỷ lục

DOANH NGHIỆP Việt nAM
18:23 - 28/06/2022
Số doanh nghiệp thành lập mới 6 tháng đầu năm 2022 lập kỷ lục
0:00 / 0:00
0:00
Theo số liệu mới nhất từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp thành lập mới đạt 76.233 doanh nghiệp. Đây là lần đầu tiên số doanh nghiệp thành lập mới trong giai đoạn 6 tháng đầu năm đạt mức kỷ lục vượt mốc 70.000 doanh nghiệp.

Thông tin từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 13,6% so với cùng kỳ, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 6,4% và số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, về doanh nghiệp thành lập mới, trong tháng 6/2022, cả nước có 13.272 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 121.087 tỷ đồng và số lao động đăng ký đạt 77.131 lao động.

Như vậy, so với tháng 5, số doanh nghiệp thành lập mới tháng 6 ghi nhận mức giảm 0,7% về số lượng doanh nghiệp thành lập mới, giảm 3,7% về số vốn đăng ký và giảm mạnh 13,8% về số lao động. Vốn đăng ký bình quân mỗi doanh nghiệp thành lập mới trong tháng là 9,12 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức 9,18 tỷ đồng vào tháng 5.

Tính chung 6 tháng đầu năm, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 76.233 doanh nghiệp, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là lần đầu tiên số doanh nghiệp thành lập mới trong giai đoạn 6 tháng đầu năm vượt mốc 70.000 doanh nghiệp và cũng là mức kỷ lục trong giai đoạn này.

Trong đó, Hà Nội và TP HCM tiếp tục ghi nhận sự gia tăng đáng kể của số doanh nghiệp thành lập mới. Hà Nội có 14.628 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2021; TP HCM có 22.469 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo lý giải của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), một trong những yếu tố tạo nên kỷ lục trên là cộng đồng doanh nghiệp rất hào hứng với trạng thái bình thường mới sau một năm sóng gió, cũng như đặt niềm tin rằng kinh tế sẽ ổn định và cải thiện trong các quý tới.

Bên cạnh đó, chính sách nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch, mở cửa du lịch và minh bạch môi trường kinh doanh của Chính phủ cũng hỗ trợ đáng kể cho doanh nghiệp. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế được dự báo ở mức cao, niềm tin về triển vọng kinh doanh gia tăng, doanh nghiệp kinh doanh những tháng cuối năm nhiều khả năng sẽ tiếp tục khả quan.

Về số vốn, tổng vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới đạt 882.122 tỷ đồng, dù giảm 6,4% so với cùng kỳ năm 2021 nhưng gấp 1,2 lần so với trung bình giai đoạn 2017-2021 là 749.019 tỷ đồng.

Về doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tháng 6/2022, cả nước có 2.253 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 56,7% so với tháng trước nhưng tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, cả nước có 40.667 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 55,6% so với cùng kỳ năm 2021 và gấp 1,9 lần so với trung bình giai đoạn 2017-2021 là 20.949 doanh nghiệp.

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng ở 17/17 lĩnh vực. Trong đó, Các lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động nhiều nhất trong 6 tháng đầu năm 2022 là: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (15.381 doanh nghiệp, chiếm 37,8%); Xây dựng (5.015 doanh nghiệp, chiếm 12,3%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (4.493 doanh nghiệp, chiếm 11,0%)...

Về doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, trong tháng 6 có 5.129 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,5% so với tháng 5/2022. Tính chung 6 tháng, có 51.012 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 43,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, trong tháng 6 có 1.687 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 26% so với tháng 5/2022. Lũy kế 6 tháng đầu năm, có 8.588 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả

Nhằm đồng hành cùng các doanh nghiệp phục hồi kinh tế, ngày 27/6, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị về tình hình sản xuất kinh doanh và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh trong 6 tháng cuối năm 2022.

Chia sẻ tại hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình kinh tế - chính trị thế giới, khu vực có nhiều biến động và tiềm ẩn rất phức tạp, khó lường như xung đột vũ trang, giá xăng dầu, nguyên vật liệu tăng cao; lạm phát cao đi kèm điều chỉnh chính sách tiền tệ khác nhau ở nhiều nước; gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu; nhu cầu tiêu dùng sụt giảm ở một số nền kinh tế lớn; nguy cơ khủng hoảng an ninh năng lượng, lương thực, suy thoái kinh tế ở một số quốc gia.

Trong nước, nhiều đánh giá, nhận định của các chuyên gia, tổ chức quốc tế về tình hình kinh tế xã hội nước ta 6 tháng đầu năm 2022 tiếp tục có nhiều khởi sắc, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn trước những biến động lớn của tình hình khu vực thế giới, khu vực. Nhiều ngành, lĩnh vực có sự phục hồi ấn tượng sau dịch, nhất là hàng không, du lịch, bán lẻ.

Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng đang đối mặt với không ít khó khăn, ảnh hưởng đến phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Chúng tôi cũng muốn khẳng định lại là, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các bộ, ngành cam kết đồng hành, hỗ trợ tối đa cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, làm sao nhanh chóng vượt qua khó khăn, nắm bắt được các cơ hội".

Đọc tiếp