Số doanh nghiệp thành lập mới quý III/2022 tăng gấp đôi cùng kỳ

DOANH NGHIỆP Việt nAM
06:00 - 29/09/2022
Số doanh nghiệp thành lập mới quý III/2022 tăng gấp đôi cùng kỳ
0:00 / 0:00
0:00
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 9 tháng đầu năm, cả nước có 112.791 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 31,9%. Tính riêng quý III/2022, số doanh nghiệp gia nhập thị trường là 36.558, gấp 2 lần cùng kỳ năm 2021.

Số doanh nghiệp thành lập mới tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tăng mạnh nhất cả nước

Theo số liệu của cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 9 tháng năm 2022 ghi nhận 112.791 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 31,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, chỉ tính riêng trong quý III/2022, số doanh nghiệp gia nhập thị trường là 36.558, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2021 (18.400 doanh nghiệp). Mức trung bình số doanh nghiệp thành lập mới trong quý III của giai đoạn 2017 - 2021 là 31.079 doanh nghiệp.

Về cơ cấu, doanh nghiệp thành lập mới chủ yếu thuộc nhóm ngành như: dịch vụ 83.345 doanh nghiệp, chiếm 73,9% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 36,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Công nghiệp và xây dựng 27.903 doanh nghiệp, chiếm 24,7% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2021…

Về khu vực địa lý, cả 6 khu vực địa lý trên cả nước đều có số doanh nghiệp đăng ký thành lập tăng so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, hai khu vực tăng mạnh nhất là Đồng bằng sông Cửu Long với 8.982 doanh nghiệp, tăng 47,0% và Đông Nam Bộ với 45.457 doanh nghiệp, tăng 41,8%.

Về quy mô, doanh nghiệp thành lập mới chủ yếu có quy mô nhỏ (từ 0 - 10 tỷ đồng) với 101.115 doanh nghiệp, chiếm 89,6%, tăng 34,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Về lao động, tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đầu năm 2022 là 758.124 lao động, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tiếp tục đạt cột mốc mới

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xu hướng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng có những tín hiệu tích cực. Trong 9 tháng, cả nước đã có 50.509 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 56,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng ở tất cả 17 lĩnh vực, trong đó một số lĩnh vực chịu nhiều tác động bởi dịch bệnh Covid-19 đang ghi nhận mức tăng rất ấn tượng.

Chẳng hạn, giáo dục và đào tạo có 1.266 doanh nghiệp quay lại hoạt động, tăng 74,6%; dịch vụ lưu trú và ăn uống có 2.884 doanh nghiệp, tăng 62,4% so với cùng kỳ; dịch vụ khác có 1.468 doanh nghiệp, tăng 241,4%...

Tính chung 9 tháng đầu năm, cả nước có 163.300 doanh nghiệp gia nhập thị trường và tái gia nhập thị trường, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,3 lần mức bình quân doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 9 tháng đầu năm giai đoạn 2017 - 2021.

Như vậy, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 9 tháng đầu năm 2022 tiếp tục đạt cột mốc mới, vượt qua mốc 160.000 doanh nghiệp và vượt xa số 117.830 doanh nghiệp của cùng kỳ năm 2021.

Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao nhất giai đoạn 2017-2022

Tuy nhiên, bên cạnh những con số và kỳ vọng lạc quan, cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh cũng cho biết, 9 tháng đầu năm 2022, có 112.698 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Qua đó, nâng số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể 9 tháng đầu năm lên 13.824 doanh nghiệp và 62.544 tạm ngừng kinh doanh có thời hạn.

Xu hướng tăng lên của số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á mới đây, phản ánh các thách thức trong quá trình phục hồi kinh doanh, ví dụ như thiếu lao động và giảm đơn đặt hàng mới…

Trong khi đó, tại khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 được tổ chức mới đây, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam lý giải, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao có một phần do hệ quả của dịch bệnh Covid-19 kéo dài cùng hàng loạt các cú sốc từ chiến tranh đến các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của nhiều nước và đang tiếp tục có những tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới vốn suy yếu do đại dịch.

Theo bà Thanh, các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với khó khăn chồng chất về tài chính; về lao động cả về số lượng và chất lượng cũng như trong việc tiếp cận thông tin cần thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh,...

Do đó, bài toán nâng cao năng lực cạnh tranh, sức chống chịu của doanh nghiệp trước các cú sốc và các thách thức bất ổn là vấn đề mấu chốt trong giai đoạn phục hồi kinh tế, Chủ tịch Deloitte Việt Nam nhấn mạnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp