So kế hoạch kinh doanh các công ty chứng khoán sau năm thắng lớn

DOANH NGHIỆP Việt nAM
11:25 - 13/04/2022
Năm 2021, SSI đạt doanh thu và lợi nhuận kỷ lục. Ảnh: SSI
Năm 2021, SSI đạt doanh thu và lợi nhuận kỷ lục. Ảnh: SSI
0:00 / 0:00
0:00
Năm 2022, trong khi nhiều công ty vẫn lạc quan đặt ra mức tăng trưởng 2 con số thì một số doanh nghiệp đã thận trọng với mục tiêu về lợi nhuận khi xác định sẽ “đi lùi” trong năm nay.

Dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong nước ồ ạt chảy vào chứng khoán năm 2021 giúp các công ty trong ngành có một năm bội thu. Báo cáo tài chính của 10 công ty dẫn đầu thị phần môi giới trên sàn chứng khoán TP HCM (HoSE) đều cho thấy doanh thu và lợi nhuận lập kỷ lục từ khi thành lập. Như Chứng khoán SSI đạt doanh thu, lợi nhuận lần lượt ở mức đỉnh 7.292 tỷ đồng và 3.326 tỷ đồng, tăng 70% và 113% so với năm 2020.

Chứng khoán VPS thu hơn 9.518 tỷ đồng, tăng gần 6.000 tỷ đồng so với cùng kỳ. Năm 2021 cũng là năm VPS vươn lên vị trí dẫn đầu về thị phần môi giới. Do chi phí cao nên lợi nhuận trước thuế chỉ còn 995 tỷ đồng, tuy nhiên vẫn tăng gần 60% so với năm 2020. Còn Chứng khoán Techcombank xếp thứ sáu về thị phần môi giới cổ phiếu, thứ tư về doanh thu nhưng lại dẫn đầu ngành về lợi nhuận trước thuế với hơn 3.800 tỷ đồng nhờ thắng lớn của hoạt động tự doanh và cho vay ký quỹ.

Hàng loạt các công ty chứng khoán khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng bằng lần như Chứng khoán FPT (FPTS) và KIS doanh thu tăng trưởng đến 240%. Lợi nhuận Chứng khoán ACB tăng 210%, Rồng Việt tăng 178%, BSC tăng 170%, TPS tăng 162%... Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) tăng trưởng lợi nhuận 87% để lần đầu đạt mức nghìn tỷ.

Quán quân về tăng trưởng năm 2021 là Chứng khoán Smart Invest (AAS) với lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 472 tỷ đồng, tăng 117 lần so với năm trước và Chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương (APS) khi báo lãi trước thuế hơn 700 tỷ đồng, gấp 11 lần cùng kỳ.

Thận trọng trong bối cảnh thị trường biến động

Mặc dù nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn rất quan tâm tới thị trường chứng khoán với số tài khoản cá nhân mở mới tiếp tục đạt mức kỷ lục (hơn 270.000 tài khoản mở mới trong tháng 3), nhưng diễn biến thị trường thời gian qua lại không như kỳ vọng. Nhiều sự kiện trong nước và quốc tế tác động khiến VN-Index có nhiều đợt giảm sâu, chưa thể đứng vững ở vùng đỉnh 1.535 để vươn lên các cột mốc mới.

Trong bối cảnh đó, nhiều công ty chứng khoán cũng e dè hơn trong kế hoạch kinh doanh. Tại Đại hội đồng cổ đông mới đây, Chứng khoán FPT đã thông qua mục tiêu tổng doanh thu 1.090 tỷ đồng, giảm 3,7% và lợi nhuận trước thuế giảm 6,3%, về mức 680 tỷ đồng.

Chứng khoán Bản Việt (VCI) vừa thông qua kế hoạch với doanh thu 3.240 tỷ đồng, giảm 13% và lợi nhuận trước thuế 1.900 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ 2,7% so với năm 2021. Còn Chứng khoán Thành Công (TCI) sau một năm đạt lợi nhuận kỷ lục chỉ đặt mục tiêu lãi 222 tỷ đồng, tăng 2,3%.

Tại ĐHCĐ 2022, Chứng khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank Securities, CTS) thông qua kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận trước thuế là 505,2 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng gần 5% so với năm trước. Nhìn lại năm 2021, tổng doanh thu của CTS đạt 1.065 tỷ đồng, tăng 75% so với 2020; lợi nhuận sau thuế đạt 386 tỷ đồng, gấp 3 lần. Đây cũng là kết quả kinh doanh cao nhất trong lịch sử hoạt động của Vietinbank Securities.

Chứng khoán BIDV (BSC, mã BSI) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế mục tiêu là 465 tỷ đồng, tăng 6,7% so với kết quả đạt được năm 2021. Kế hoạch xây dựng dựa trên giả định VN-Index tăng 15% lên 1.720 điểm, đồng thời, thanh khoản tiếp tục tăng gần 7% từ mức bình quân 26.662 tỷ đồng/phiên năm 2021 lên 28.500 tỷ đồng/phiên. Năm 2021, công ty đạt lợi nhuận trước thuế đạt 435,6 tỷ đồng, tăng 170% so với năm 2020 và vượt 142% kế hoạch đặt ra.

Chứng khoán Nhất Việt (VFS) cũng thận trọng đặt kế hoạch khá thận trọng với doanh thu là 152 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 107,3 tỷ đồng, tăng lần lượt 12% và 9% so với năm 2021. Năm ngoái, VFS đạt tổng doanh thu là 135.540 tỷ đồng, tăng 66,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận 88,92 tỷ đồng, gấp hơn 2,4 lần.

Các công ty lạc quan hơn cũng chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận hai con số khiêm tốn. Đến thời điểm hiện tại, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) là mạnh dạn nhất với kế hoạch doanh thu 1.981 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 500 tỷ đồng, tăng lần lượt 46% và 85% so với thực hiện năm 2021.

Chứng khoán APG (APG Securities) cũng khá tham vọng khi đặt kế hoạch năm 2022 với tổng doanh thu 750 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 500 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 97% và 62% so với thực hiện năm 2021. Năm 2021, APG cũng thắng lớn với lợi nhuận trước thuế 308 tỷ đồng, tăng gấp 10,46 lần so với năm 2020.

Theo APG, kế hoạch năm 2022 dựa trên nhận định nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng nhanh, qua đó thị trường chứng khoán năm 2022 dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh về quy mô và chất lượng, mặc dù có thể vẫn gặp thách thức nhất định khi giá nguyên liệu cơ bản, năng lượng tăng cao, FED có lộ trình tăng lãi suất…

Còn nhà môi giới số 1 về cổ phiếu VPS thì đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.200 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với thực hiện năm trước.

Quán quân tăng trưởng năm ngoái là Smart Invest (AAS) kỳ vọng doanh thu 1.200 tỷ đồng, tăng 25%, lợi nhuận sau thuế 480 tỷ đồng, tăng 27%.

Chứng khoán Phú Hưng (PHS) có kế hoạch doanh thu 604 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 160,5 tỷ đồng, tương ứng tăng 19% và 14%.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Trong trường hợp lý tưởng nhất, PTI sẽ tăng vốn điều lệ gấp 3 lần lên 3.216 tỷ đồng. Ảnh: Minh Phong - Mekong ASEAN

ĐHĐCĐ PTI: Tăng vốn lên gấp 3 lần

ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của CTCP Bảo hiểm Bưu điện (HNX: PTI) được tổ chức ngày 24/4. Tại đây, cổ đông công ty sẽ thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có 2 tờ trình tăng vốn điều lệ lên gấp 3 lần.