Sơn La đề xuất xây dựng sân bay Mộc Châu theo hình thức PPP

Sân Bay Sơn La
09:56 - 12/09/2022
Sơn La: Đề xuất xây dựng sân bay Mộc Châu theo hình thức PPP.
Sơn La: Đề xuất xây dựng sân bay Mộc Châu theo hình thức PPP.
0:00 / 0:00
0:00
UBND tỉnh Sơn La vừa có đề nghị bổ sung Cảng hàng không Mộc Châu vào Quy hoạch tổng thể cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

Công văn của UBND tỉnh Sơn La gửi Bộ Giao thông Vận tải về bổ sung cảng hàng không Mộc Châu, tỉnh Sơn La vào quy hoạch tổng thể cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 khẳng định, việc quy hoạch và đầu tư phát triển Cảng hàng không Mộc Châu là cần thiết, nhằm phục vụ mục đích an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Theo đó, Sơn La là tỉnh có nhiều tiềm năng về tự nhiên (cảnh quan đẹp, khí hậu tốt, địa hình phong phú), về xã hội (với 12 dân tộc giàu bản sắc truyền thống) và hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế du lịch phong phú, có nhiều lợi thế để phát triển du lịch.

Lượng khách đến với Sơn La đạt khoảng 2,5 triệu lượt người năm 2019; tăng trưởng nhanh, ổn định ở mức khoảng 23,2%/năm.

Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu (bao gồm 2 huyện Mộc Châu, Vân Hồ) nằm ở vị trí cửa ngõ đặc biệt quan trọng của tỉnh Sơn La và vùng Tây Bắc, là trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh Sơn La và khu vực Tây Bắc, cũng như cả nước.

UBND tỉnh Sơn La cho biết, nếu được phê duyệt, Cảng hàng không Mộc Châu được xác định là sân bay cấp 4E, phân kỳ đầu tư làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (đến năm 2030), là cảng hàng không dân dụng (thực hiện khai thác các tuyến bay nội địa hàng không thường kỳ và một số tuyến quốc tế) với công suất dự kiến 1 triệu hành khách/năm.

Giai đoạn 2 (sau năm 2030), dự kiến công suất là 2 triệu hành khách/năm. Kết cấu đường băng dự kiến có chiều dài dài hơn hoặc bằng 1.800m. Về diện tích, đến năm 2030 khoảng 350ha; đến năm 2050 khoảng 500ha.

Dự kiến tổng mức đầu tư Cảng hàng không Mộc Châu khoảng 6.500 tỉ đồng, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Ngoài các tuyến đường bay nội địa đi/đến TP HCM, Đà Nẵng, Cam Ranh, Buôn Ma Thuột, Pleiku, Phú Quốc..., địa phương còn muốn khai thác các đường bay quốc tế đi/đến các thị trường Đông Bắc Á (Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc), khu vực Đông Nam Á (Viêng Chăn - Lào, Bangkok - Thái Lan, Kuala Lumpur - Malaysia, Jakarta - Indonesia)...

Tuy nhiên, tại văn bản báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải, lãnh đạo tỉnh Sơn La chưa nêu rõ vị trí của Cảng Hàng không Mộc Châu mà chỉ khẳng định “lựa chọn tại vị trí thuận lợi, địa hình bằng phẳng, phù hợp tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo quy mô khai thác, thuận lợi kết nối các tuyến giao thông đường bộ”.

Trước đó, tháng 8 vừa qua, UBND tỉnh Sơn La đã trình Thủ tướng cho phép đầu tư xây dựng cảng hàng không Nà Sản theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT và giao UBND tỉnh Sơn La là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án.

Sân bay Nà Sản ở huyện Mai Sơn, cách trung tâm TP Sơn La khoảng 20km, đã dừng khai thác dân dụng từ năm 2004 do hệ thống hạ tầng xuống cấp. Theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, đến năm 2030 sân bay Nà Sản đạt công suất 1 triệu hành khách/năm.

Thời gian qua, UBND tỉnh Sơn La đã phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu đầu tư sân bay Nà Sản bằng vốn ngân sách Nhà nước hoặc vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam nhưng đều gặp khó khăn về nguồn vốn.

Tin liên quan

Đọc tiếp