Sri Lanka bất ngờ cắt giảm lãi suất, báo hiệu phục hồi kinh tế

KINH TẾ Sri Lanka
17:50 - 01/06/2023
Ngân hàng Trung ương Sri Lanka khiến thị trường bất ngờ khi cắt giảm lãi suất 250 điểm cơ bản ngày 1/6.
Ngân hàng Trung ương Sri Lanka khiến thị trường bất ngờ khi cắt giảm lãi suất 250 điểm cơ bản ngày 1/6.
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 1/6, Ngân hàng Trung ương Sri Lanka bất ngờ có động thái cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau 3 năm, báo hiệu cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất của quốc gia này đã qua và thể hiện hướng đi mới nhằm thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế.

Từ năm 2022, quốc đảo Nam Á này rơi vào khủng hoảng khi dự trữ ngoại hối cạn kiệt, giá lương thực và năng lượng leo thang trong khi người dân tiến hành biểu tình trên quy mô lớn buộc Tổng thống Gotabaya Rajapaksa phải từ chức.

Sau đó vào tháng 7 cùng năm, một chính phủ mới đã lên nắm quyền và thành công thương lượng khoản cứu trợ trị giá 2,9 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tháng 3/2023. Nền kinh tế Sri Lanka cũng bắt đầu có những dấu hiệu phục hồi ban đầu. Trong bối cảnh đó, chính phủ nước này đặt mục tiêu hoàn tất các cuộc đàm phán để cơ cấu lại nợ song phương với các nước khác vào tháng 9 tới.

Một tín hiệu tích cực khác tới từ việc Ngân hàng Trung ương Sri Lanka (CBSL) ngày 1/6 bất ngờ cắt giảm 250 điểm cơ bản đối với lãi suất cơ sở tiền gửi và cơ sở cho vay dài hạn, khiến các lãi suất này lần lượt đạt ngưỡng 13% và 14%. Chúng hiện đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 3/2022 - thời điểm bắt đầu cuộc khủng hoảng.

Trước đó để chế ngự lạm phát, Ngân hàng Trung ương Sri Lanka đã tăng lãi suất thêm 950 điểm cơ bản kỷ lục năm 2022 trong khi tiếp tục tăng 100 điểm cơ bản ngày 3/3/2023.

Thị trường phản ứng tích cực trước quyết định bất ngờ này khi đồng rupee tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2022 ở mức 288 đổi một USD và chỉ số chuẩn Colombo Stock Exchange tăng 1,5% để thoát khỏi mức thấp nhất trong 5 tháng.

Reuters trích dẫn thông báo của CBSL cho biết việc cắt giảm lãi suất lớn sẽ "giúp thúc đẩy nền kinh tế hướng tới giai đoạn phục hồi”. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Sri Lanka P. Nandalal Weerasinghe cũng khẳng định nền kinh tế Sri Lanka "đang trở lại bình thường". Tuy vậy, quá trình thoát ra khỏi khủng hoảng là một quá trình “dần dần” và ông Weerasinghe cho biết không thể xác định cụ thể thời điểm nó hoàn thành.

Việc cắt giảm lãi suất được đưa ra sau khi chỉ số CPI Colombo tăng 25,2% trong tháng 5 so với 35,3% trong tháng 4 trước đó, thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh 69,8% vào tháng 9/2022. Tỷ lệ lạm phát cả nước ở mức 33,6% trong tháng 4, giảm từ 73,7% trong tháng 9/2022.

IMF đã đặt mục tiêu lạm phát 15,2% cho Sri Lanka trong năm nay, nhưng CBSL đang nhắm đến một mục tiêu tham vọng hơn là lạm phát một con số vào tháng 9 tới. Cơ quan này cho biết: “Lạm phát toàn phần được dự báo sẽ đạt mức một con số vào đầu quý 3/2023 và ổn định quanh mức trung bình một con số trong trung hạn”.Giải thích cho việc này, CBSL nhận định lạm phát giảm tốc nhanh hơn và áp lực nhu cầu thấp hơn trong quá trình phục hồi kinh tế "tạo không gian cho việc nới lỏng chính sách dần dần trong giai đoạn tới".

IMF dự kiến GDP Sri Lanka sẽ giảm 3% trong năm nay sau khi giảm 7,8% vào năm ngoái trong khi CBSL kỳ vọng hoạt động kinh tế trong nước sẽ phục hồi dần từ cuối năm 2023. Ông Weerasinghe cho biết ông “hy vọng rằng các ngân hàng sẽ dần dần mở rộng sổ cho vay và tín dụng sẽ bắt đầu chảy vào các doanh nghiệp và cùng với đó là nền kinh tế sẽ bắt đầu phục hồi”.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Ông Trump thoát nguy cơ bị tịch thu tài sản

Ngày 25/3, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt được một chiến thắng trong việc tạm dừng phán quyết gian lận dân sự trị giá 454 triệu USD, từ đó tránh được việc bị chính quyền bang New York thực hiện các bước để tịch thu tài sản.