Sự bùng nổ các startup fintech tại Singapore

Fintech SINGAPORE
07:44 - 24/03/2022
Lễ hội Fintech Singapore vào tháng 12/2020 với sự tham gia của hơn 800 diễn giả trên thế giới. Ảnh: KrAsia
Lễ hội Fintech Singapore vào tháng 12/2020 với sự tham gia của hơn 800 diễn giả trên thế giới. Ảnh: KrAsia
0:00 / 0:00
0:00
Cùng sự bùng nổ của công nghệ và thương mại điện tử, các startup fintech đang nở rộ tại Singapore với mục tiêu cung cấp dịch vụ tài chính hiện đại cho khách hàng cũng như góp phần thiết lập hệ sinh thái fintech nhằm ươm mầm cho các startup thế hệ tiếp theo.

Thanh toán trực tuyến là lĩnh vực nóng lên cùng với sự mở rộng của nền kinh tế Internet và thương mại điện tử tại Đông Nam Á nói chung và Singapore nói riêng. Nhờ đại dịch Covid-19, xu hướng này còn được thúc đẩy hơn nữa khi ngày càng có nhiều người lựa chọn mua sắm trực tuyến.

Cùng tham gia vào xu thế của thời đại này là kỳ lân công nghệ Grab của Singapore cùng các công ty công nghệ sở hữu các siêu ứng dụng tích hợp cùng cung cấp dịch vụ tài chính cùng các dịch vụ khác trên nền tảng điện thoại thông minh. Thêm vào đó, hiểu biết về tài chính tốt hơn từ phía người dùng cùng sự phát triển nhanh chóng của công nghệ tài chính số đã tạo ra bàn đạp cho sự phát triển nhanh chóng của các công ty startup fintech.

Singapore, trung tâm tài chính của Đông Nam Á, do đó đã trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các công ty startup fintech. Với mục tiêu nắm bắt thị trường châu Á khổng lồ, chính quyền quốc gia này đang tập trung vào nâng cao tầm quan trọng chiến lược đối với các doanh nghiệp sở hữu các công nghệ và dịch vụ sáng tạo dành cho điện thoại thông minh.

Tận dụng sự bùng nổ trong lĩnh vực công nghệ tại Singapore, các công ty startup fintech đang mọc lên nhanh chóng tại đây. Theo Nikkei Asia tổng hợp dữ liệu từ công ty kế toán quốc tế KPMG, các khoản đầu tư vào lĩnh vực fintech của Singapore đã tăng 59% trong năm 2021, tương đương với mức 3,94 tỷ USD. Số lượng các khoản đầu tư vào lĩnh vực fintech cũng tăng nhanh chóng từ mức 100 vào năm 2019 lên tới 139 vào năm 2020 và 191 vào năm 2021.

Không những về số lượng, chất lượng và cơ sở khách hàng của các startup cũng được mở rộng một cách toàn diện. Các công ty startup này không những phục vụ cho khách hàng là các doanh nghiệp và khách hàng lẻ mà còn phục vụ cả những nhà đầu tư và thậm chí cả những startup fintech khác.

Ông Benjamin Wong (giữa), Giám đốc điều hành của startup fintech TranSwap cùng các nhân viên của công ty. Ảnh: TranSwap

Ông Benjamin Wong (giữa), Giám đốc điều hành của startup fintech TranSwap cùng các nhân viên của công ty. Ảnh: TranSwap

Sự bùng nổ của hàng loạt các startup fintech tại Singapore

Trong lĩnh vực thanh toán, TranSwap là một nền tảng fintech nổi bật giúp việc thanh toán xuyên biên giới của các doanh nghiệp và cá nhân được dễ dàng hơn. Khi sử dụng nền tảng này, người dùng có thể gửi tiền đến một quốc gia mà họ không có tài khoản ngân hàng với giá rẻ hơn so với khi sử dụng dịch vụ của các ngân hàng truyền thống.

Được thành lập vào năm 2015, TranSwap đã có giấy phép hoạt động tại Singapore, Hong Kong, Vương quốc Anh và các thị trường khác. Khối lượng giao dịch của công ty đã tăng gấp 4 lần trong năm 2021 với một hệ thống toàn diện cho phép khách hàng trao đổi 120 loại tiền tệ tại hơn 180 quốc gia.

Socash, một startup khác cung cấp nền tảng thanh toán bằng mã QR, cũng là một ví dụ điển hình. Trước đây, công ty chủ yếu kinh doanh với các tổ chức tài chính lớn như ICBC, Standard Chartered Bank và HSBC. Tuy nhiên hiện các công ty thương mại điện tử và doanh nghiệp số mới là những khách hàng chính của startup này.

Sàn giao dịch thị trường tư nhân có trụ sở tại Singapore ADDX cũng là một startup nhắm tới mục tiêu cung cấp địa điểm giao dịch tài chính mới trên nền tảng số cho người dùng, đặc biệt là các nhà đầu tư bán lẻ.

Để có thể giúp các nhà đầu tư chia nhỏ các sản phẩm tài chính thành từng lô nhỏ cũng như giao dịch bằng cách sử dụng blockchain, công ty đang gấp rút tạo ra các cơ chế mới. Ngoài ra, startup này còn có kế hoạch tạo ra các tài sản kỹ thuật số được hỗ trợ bởi các quỹ đầu tư tư nhân và quỹ đầu tư mạo hiểm - hình thức vẫn còn xa lạ với các nhà đầu tư bán lẻ.

Gregory Van (bên trái) - Giám đốc điều hành của startup fintech Endowus. Ảnh: Nikkei Asia

Gregory Van (bên trái) - Giám đốc điều hành của startup fintech Endowus. Ảnh: Nikkei Asia

Endowus là một trong những startup fintech nổi bật khác tìm tới Singapore. Công ty được xây dựng với mục tiêu hỗ trợ quá trình thiết kế danh mục đầu tư tùy chỉnh cho khách hàng với các danh mục kết hợp các quỹ giao dịch trao đổi và các sản phẩm tài chính toàn cầu theo kế hoạch quản lý tài sản của khách hàng. Thêm vào đó, tất cả các kế hoạch này đều có tính đến rủi ro và lợi nhuận tiềm năng.

Hiện tài sản do Endowus quản lý đã đạt mức 737,7 triệu USD vào tháng 7/ 2020, chỉ 20 tháng sau khi ra mắt dịch vụ. Tính đến tháng 11/2021, công ty đã quản lý số tài sản lên tới 1,1 tỷ USD. Các nhà đầu tư toàn cầu cũng bày tỏ sự quan tâm tới startup này khi danh sách cổ đông của công ty đều bao gồm những cái tên nổi tiếng như ngân hàng Thụy Sĩ UBS, tập đoàn Z Holdings của Nhật Bản và EDBI, chi nhánh đầu tư của Ban Phát triển Kinh tế Singapore.

Fintech cũng là một chủ đề nóng trong lĩnh vực đầu tư vào môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Vì vậy, công ty fintech có trụ sở tại Singapore Hashstacs đã tạo ra một nền tảng dựa trên blockchain có tên là ESG Registry nhằm giúp các công ty và tổ chức có thể đơn giản hóa quá trình đăng ký các quy trình ESG của mình.

Thêm vào đó, Hashstacs cũng nhắm tới mục tiêu các tổ chức tài chính muốn mở rộng đầu tư và cho vay liên quan đến ESG và các công ty muốn đảm bảo các khoản đầu tư và cho vay này. Ông Benjamin Soh, giám đốc điều hành của Hashstacs, chia sẻ startup của ông hy vọng sẽ khắc phục được cả hai mặt của vấn đề này bằng cách cung cấp một thư viện toàn ngành giúp lưu trữ hồ sơ dữ liệu và chứng nhận ESG trong khi tận dụng được công nghệ blockchain.

Ông Paul Endacott, Giám đốc điều hành của Gritt Search. Ảnh: Nikkei Asia

Ông Paul Endacott, Giám đốc điều hành của Gritt Search. Ảnh: Nikkei Asia

Ươm mầm cho thế hệ startup tiếp theo

Thung lũng Silicon có thể phát triển vượt bậc là nhờ sự phát triển của một hệ sinh thái toàn diện, trong đó những người đã thành công dẫn dắt các công ty startup trước đó lại tiếp tục tạo ra các công ty startup khác nhằm nuôi dưỡng các công nghệ mới. Ở Đông Nam Á, các công ty startup lớn như Grab, công ty thương mại điện tử Indonesia Tokopedia và công ty gọi xe Gojek, đã IPO và đang có các kế hoạch góp phần xây dựng lên một hệ sinh thái như vậy trong khu vực.

Các nhà cung cấp dịch vụ tài chính mới cũng có những động thái nhằm kết nối với nhau để xây dựng được một hệ sinh thái fintech. Việc tạo ra một hệ sinh thái fintech yêu cầu các công ty cung cấp các khoản hỗ trợ cả nhân lực lẫn tài chính cho ngành. Do đó, GRIT Search đã được thành lập để giúp các công ty tìm thấy tài năng công nghệ cần thiết cho sự phát triển của mình.

Về mảng hỗ trợ tài chính, startup Choco Up có trụ sở tại Singapore và Hong Kong là một trong những doanh nghiệp nổi bật. Công ty sẽ giúp cung cấp tài chính cho các công ty startup fintech vốn thường gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc ngân hàng.

Với sự giúp đỡ từ Choco Up, các công ty này có thể được cung cấp hàng trăm nghìn USD một cách nhanh chóng cho các hoạt động hàng ngày như các chiến dịch tiếp thị.

Theo ông Akshay Bhushan, một đối tác của quỹ đầu tư Lightspeed Venture Partners, ngày càng có nhiều tài năng chất lượng cao ra khỏi các công ty startup đã thành công để bắt đầu các công ty mới của riêng mình với những ý tưởng mới. Chính những người này sẽ là động lực để một hệ sinh thái fintech toàn diện tại Singapore nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung được thiết lập và giúp khu vực tiến xa hơn nữa trên trường quốc tế.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi. Ảnh: Getty Images

CEO TikTok: 'Chúng tôi sẽ không đi đâu cả'

Ngày 24/4, Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi khẳng định công ty sẽ chiến thắng được thách thức pháp lý và ngăn chặn dự luật cấm ứng dụng video ngắn phổ biến này tại thị trường Mỹ - nơi TikTok đang sở hữu hơn 170 triệu người dùng.
Những người sáng tạo nội dung TikTok tập trung tại Đồi Capitol, ngày 12/3. Ảnh: Yahoo News

Mỹ tiến gần hơn tới lệnh cấm Tiktok

Thượng viện Mỹ ngày 23/4 (giờ địa phương) đã thông qua dự luật yêu cầu ứng dụng truyền thông mạng xã hội Tiktok phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc, hoặc sẽ bị cấm ở thị trường Mỹ.