Sửa Luật đất đai: Tranh luận về giá đất thị trường, sát giá thị trường

LUẬT ĐẤT ĐAI QUỐC HỘI
13:52 - 03/11/2022
Sửa Luật đất đai: Tranh luận về giá đất thị trường, sát giá thị trường
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc xác định thế nào là giá đất theo thị trường, ai là người đủ khả năng xác định giá thị trường hay thế nào là sát giá thị trường là vấn đề khó, cần phải nghiên cứu kỹ.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 3/11, Quốc hội thảo luận tổ, góp ý xây dựng dự Luật Đất đai sửa đổi với hàng loạt chính sách mới, quan trọng.

Góp ý xung quanh vấn đề định giá đất, Đại biểu Hoàng Đức Thắng - ĐBQH tỉnh Quảng Trị nhận định, giá đất là gốc của vấn đề, lâu nay tất cả hệ lụy xảy ra cũng xuất phát từ giá đất không theo thị trường, nên dễ dẫn tới lạm dụng, trục lợi từ đất đai.

Điều 163 quy định, giá đất phải phù hợp với thị trường, quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường, nhưng cần xác định điều kiện bình thường là gì. "Thực tế, thị trường rất biến động cũng có giá trị thật, giá trị ảo. Cơ quan soạn thảo phân định, giải thích rõ hơn khái niệm", đại biểu Quảng Trị đề nghị.

Về quy định bảng giá đất được xây dựng định kỳ hằng năm công khai, áp dụng từ 1/1 của năm, tức là mỗi năm Hội đồng nhân dân sẽ thông qua, UBND tỉnh ban hành quyết định bảng giá đất và áp dụng một năm.

"Đất biến động giá liên tục, chuyện áp giá theo bảng giá trong suốt một năm là cứng nhắc và không đúng theo thực tế", đại biểu Thắng nêu quan điểm, giá đất phải theo thị trường, mà thị trường không thể theo năm.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng - ĐBQH tỉnh Quảng Trị

Đại biểu Hoàng Đức Thắng - ĐBQH tỉnh Quảng Trị

Dự thảo luật cần thiết kế một cơ chế, chẳng hạn biên độ dao động, khi giá đất thay đổi, bảng giá đất điều chỉnh theo, nhằm phản ánh đúng giá trị thực của đất trên thị trường; hoặc có một cơ quan thay mặt HĐND tỉnh được trao thẩm quyền xử lý việc này, đại biểu đề xuất.

Trong khi đó, Đại biểu Trần Chí Cường - ĐBQH tỉnh Đà Nẵng tham gia ý kiến về xây dựng bảng giá đất cho rằng, việc dự luật quy định bảng giá đất phải xây dựng định kỳ hàng năm, công khai từ ngày 1/1 ở địa phương là không phù hợp với thực tế, gây khó khăn trong quá trình triển khai.

Đại biểu lý giải, để thực hiện một bảng giá đất đòi hỏi rất nhiều thủ tục, từ lập hồ sơ dự án, đấu thầu, thuê tư vấn, qua các bước đến thẩm định giá rồi đến HĐND đánh giá, chuyển cho UBND ban hành. Nếu quy trình này "năm nào cũng thực hiện thì rất khó để làm và cũng không điều chỉnh kịp thời cùng với thị trường khi tính giá".

Đại biểu Trần Chí Cường - ĐBQH tỉnh Đà Nẵng

Đại biểu Trần Chí Cường - ĐBQH tỉnh Đà Nẵng

Theo đó, đại biểu đề xuất việc xây dựng bảng giá đất nên làm theo chu kỳ 3 năm, hoặc 5 năm như trước kia. Tùy thuộc vào tình hình cụ thể, địa phương có thể đưa ra biên độ điều chỉnh giá đất không quá 20%; thời hạn điều chỉnh có thể là 180 ngày. Ông cho rằng việc này phù hợp hơn với điều chỉnh ở cơ sở, tránh các lãng phí không cần thiết và áp lực cho các cơ quan quản lý ở địa phương.

Cho ý kiến tại tổ, Đại biểu Ngô Đông Hải - ĐBQH tỉnh Thái Bình nhìn nhận, giá đất theo thị trường, đấu giá quyền sử dụng đất cũng có hai mặt.

Thực tiễn hiện nay ngoài việc xác định giá rất khó, thì chính đấu giá cũng là yếu tố đẩy giá đất lên cao, tạo ra bong bóng bất động sản. Rồi dự án sau cao hơn dự án trước, gây khó khăn cho xác định giá đất. Không ai dám xác định giá đất thấp hơn giá vừa đấu thành công, cứ như thế giá đất nối đuôi nhau ngày càng tăng cao.

Cũng theo đại biểu Hải, nếu chăm chăm vào thu ngân sách thông qua đấu giá đất, thì những giá trị này không bền vững, đẩy giá đất lên cao, làm ảnh hưởng tới các yếu tố đầu vào, đầu tư khác, gây bất lợi cho nền kinh tế. Do đó, ông Hải cho rằng, cần tính kỹ chỗ này để đảm bảo tính ổn định, bền vững.

Thảo luận vấn đề này, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng bày tỏ băn khoăn, thế nào là giá thị trường, ai là người đủ khả năng xác định giá thị trường? Thế nào là sát giá thị trường?

Đây là vấn đề khó nhưng phải được nghiên cứu kỹ, giải quyết trong dự thảo lần này nhằm gỡ được các nút thắt, đảm bảo hài hòa lợi ích người dân - doanh nghiệp - Nhà nước., Bộ trưởng lưu ý.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng

Liên quan đến đấu giá, đấu thầu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, lần này dự luật đã thiết kế cả quy định đấu thầu, đấu giá đất. Trường hợp nào đấu thầu, trường hợp nào đấu giá quy định rõ ràng ở luật.

"Không bênh Luật Đấu thầu, nhưng đấu thầu sẽ chọn nhà đầu tư đúng nhất, mang lại hiệu quả. Nếu bỏ đấu thầu, chỉ tập trung vào đấu giá thì chỉ thu được giá sử dụng đất lúc đó, còn đất đó có được sử dụng đúng mục đích, giải quyết được nhiều lao động, đóng góp ngân sách nhiều nhất không thì không thể biết hết được", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lý giải.

Đọc tiếp